Quảng Bình nổi tiếng với những điểm du lịch thiên nhiên thuộc top đầu thế giới, như hang Sơn Đoòng, hang Tú Làn, động Phong Nha, động Thiên Đường, … và trở thành nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trong chuyến xuyên Việt, mình có thời gian gần 2 ngày trên đất Quảng Bình, cũng tranh thủ ghé thăm được một số điểm đáng chú ý của vùng đất nắng gió mà tuyệt đẹp này.
Động Thiên Đường – Hoàng cung trong lòng đất
Trên đường xuyên Việt từ phía Bắc vào theo đường Hồ Chí Minh, bọn mình đến ngã ba Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình khi đã gần trưa. Tranh thủ ghé chợ Troóc gần đó để ăn tạm tô bún rồi trở lại ngã ba, rẽ vào đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để ghé động Thiên Đường.
Từ ngã ba Khe Gát chạy theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 16km thì đến lối rẽ vào động Thiên Đường bên phải đường. Chạy thêm vài km nữa là tới cổng khu du lịch động Thiên Đường và phải gửi xe máy tại cổng.
Đường lên cửa động đi dưới tán lá cây rừng
Vé tham quan động Thiên Đường thay đổi theo thời gian trong năm, từ tháng 1 đến hết tháng 3 và từ tháng 10 đến hết tháng 12, giá vé là 200.000 VND/người lớn; còn từ tháng 4 đến hết tháng 9 là 250.000 VND/người lớn. Trẻ em từ 1.1m – 1.3m giá vé bằng 50% của người lớn, trẻ em dưới 1.1m được miễn vé.
Từ cổng gửi xe còn phải vượt 2km nữa mới vào tới chân núi, có thể tự đi bộ hoặc thuê xe điện của khu du lịch với giá vé thấp nhất 60.000 VND/lượt. Bọn mình dư sức đi bộ, nhưng muốn tiết kiệm thời gian vì không muốn chạy về Đồng Hới muộn quá nên mua vé xe điện để vào động. Tới chân núi, còn phải tiếp tục vượt hơn 500 bậc thang nhân tạo (hoặc khoảng 600 mét đường bê tông bên cạnh cho người có sức khỏe hạn chế cũng có thể đi) mới lên đến cửa động ở lưng chừng núi.
Cầu thang gỗ dẫn từ cửa động xuống lòng động
Đơn vị khai thác khu du lịch (Công ty Trường Thịnh) đã đầu tư hệ thống cầu thang gỗ dẫn từ cửa động xuống lòng động và đi sâu vào trong khoảng 1km cho du khách tham quan. Ngoài ra ở đây còn tour thám hiểm vào sâu lòng động 7km phải đăng ký riêng.
Hệ thống sàn gỗ dài 1.1km cho du khách tham quan trong lòng động
Động Thiên Đường, theo công bố của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh vào năm 2010, có tổng chiều dài 31.4km, là hang động khô dài nhất châu Á. Trong lòng động có vô vàn các nhũ đá được tạo thành trong hàng triệu năm, với đủ loại hình thù kỳ ảo, tuyệt diệu, khiến nó được đặt tên là “Thiên Đường”, hoặc một số người còn gọi là “Hoàng cung trong lòng đất”.
Các nhũ đá vừa mọc từ dưới lên, vừa rủ từ trên trần động xuống
Những nhũ đá được hình thành trong hàng triệu năm, có hình dạng rất phong phú
Khối nhũ đá lớn được đặt tên là “Thác Thiên Hà”, phía sau là hình chim đại bàng
Nhũ đá hình chim đại bàng trên vách động
Nhũ đá hình voi Mamut
Nhũ đá hình nhà rông Tây Nguyên
Hệ thống chiếu sáng khiến vách động nhìn như một sân khấu lớn
Những nhũ đá tuyệt đẹp trong lòng động Thiên Đường được kết hợp với hệ thống chiếu sáng do đơn vị khai thác du lịch đầu tư, khiến cảnh sắc trong lòng động càng trở nên kỳ ảo, thật xứng đáng với cái tên Thiên Đường. Điểm hay ở đây là hệ thống sàn gỗ phục vụ khách tham quan rất thuận tiện, nên hầu như bất cứ ai cũng có thể tham quan động khô tuyệt đẹp này.
Tham quan thành phố Đồng Hới
Bọn mình rất muốn tham gia tour thám hiểm 7km trong động Thiên Đường (giá tour 2.200.000 VND/người lớn), nhưng khi bọn mình tới thì tour đã khởi hành rồi, nên đành tham quan 1.1km theo đường sàn gỗ, rồi phải quay ra để về Đồng Hới. Ngày hôm sau, bọn mình có khoảng nửa ngày tham quan thành phố Đồng Hới trước khi tiếp tục hành trình về phía Nam.
Đến Đồng Hới, nhất định phải ghé thăm tượng đài Mẹ Suốt – một phụ nữ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ nổi tiếng ở Quảng Bình – được dựng ngay bên bờ sông Nhật Lệ, ngay gần chợ Đồng Hới.
Tượng đài Mẹ Suốt chèo thuyền đưa bộ đội qua sông, phía xa là cầu Nhật Lệ
Mẹ Suốt trong khoảng những năm 1964 – 1966 đã chèo hàng ngàn chuyến đò ngang chở cán bộ, bộ đội, thương binh, vũ khí,… qua sông Nhật Lệ, bất chấp máy bay Mỹ ném bom ác liệt. Mẹ hy sinh trong một trận bom năm 1968, và trước đó mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước từ đầu năm 1967. Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ được khánh thành năm 2003, và trở thành nơi du khách khắp nơi đến thăm viếng khi đến Đồng Hới.
Cũng bên bờ bắc dòng Nhật Lệ, phía đối diện với tượng đài Mẹ Suối qua cầu Nhật Lệ, là di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, chứng tích chiến tranh nổi tiếng ở Đồng Hới, di tích lịch sử cấp tỉnh của Quảng Bình.
Di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa
Nhà thờ Tam Tòa được xây dựng từ năm 1886 bên bờ Bắc sông Nhật Lệ, là ngôi nhà thờ lớn duy nhất ở Đồng Hới thời thuộc Pháp. Nhà thờ được chỉnh trang, tu sửa nhiều lần trong quá trình hoạt động, nhưng đầu năm 1965 một trận bom Mỹ đã đánh sập nhà thờ, chỉ còn lại một phần tháp chuông đầy vết đạn, và một cột gạch phía sau nhà thờ.
Di tích này về sau được gìn giữ bảo quản như một chứng tích chiến tranh tại Đồng Hới. Ngày nay xung quanh di tích này là công viên thành phố, với nhiều mảng xanh của cây cối ven bờ sông. Di tích được xây tường rào bảo vệ cẩn thận.
Phế tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa
Một di tích lịch sử nổi tiếng khác ở Đồng Hới mà bọn mình nhất định phải dành thời gian ghé qua khi đến Đồng Hới: Quảng Bình Quan. Đây là một cổng quan trọng trên tuyến Lũy Thầy nổi tiếng ngày xưa, được Đào Duy Từ cho xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 17 nhằm ngăn chặn quân Trịnh ở Đàng Ngoài tiến xuống phía Nam. Chính dựa vào hệ thống Lũy Thầy kiên cố ấy mà quân chúa Nguyễn ở Đàng trong đã đứng vững trước nhiều cuộc tấn công của quân chúa Trịnh Đàng Ngoài trong suốt nhiều chục năm.
Quảng Bình Quan – mặt bên trong, có lối bậc thang dẫn lên vọng lâu.
Trong thời gian dài của lịch sử, Quảng Bình Quan hư hại, xuống cấp, thậm chí bị bom đạn đánh sập, nhưng đã được tỉnh Quảng Bình phục dựng lại theo nguyên bản tại đúng vị trí ngày xưa – nay nằm trên đường Quang Trung, nhìn thẳng ra đường Mẹ Suốt (hướng sông Nhật Lệ phía Nam) và đường Lê Lợi (phía Bắc).
Trên mặt tường lũy Quảng Bình Quan
Một di tích khác còn lại khá mờ nhạt ở Đồng Hới: di tích thành cổ Đồng Hới. Ngày nay chỉ còn lại hệ thống hào bao quanh thành cổ, được bao quanh bởi đường Trần Hưng Đạo – Hàm Nghi – Nguyễn Trãi – Quách Xuân Kỳ, trong đó đường Trần Hưng Đạo dẫn lên cầu Nhật Lệ, đường Quách Xuân Kỳ cặp bờ Bắc sông Nhật Lệ, tượng đài Mẹ Suốt ngay cạnh góc Đông Nam thành cổ.
Thành cổ chỉ còn hệ thống hào bao quanh
Các cổng thành và một số đoạn tường thành mới được phục dựng sau này
Sau một buổi tranh thủ tham quan một vòng các di tích ở thành phố Đồng Hới, bọn mình lại rời thành phố nhỏ bên dòng Nhật Lệ, tiếp tục lên đường xuôi Nam với hành trình xuyên Việt của mình.