Hái nấm ở Đà Lạt – trải nghiệm nhất định phải có vào mùa mưa

49

Chọn sống ở Đà Lạt cũng đã được 3 năm và mình đã được nghe khá nhiều câu đại loại kiểu: ”lên Đà Lạt chủ yếu để check in với sống ảo chứ cũng không có nhiều hoạt động hay ho lắm”, ”lên Đà Lạt ăn uống với cafe ở đâu thì thích nhỉ?”, “lên Đà Lạt làm gì có gì chơi mấy đâu, chủ yếu là hưởng thời tiết là nhiều thôi”… Nhưng mọi người phần vì ít thời gian thường đi cuối tuần, phần vì quen với những địa điểm đã ăn sâu trong tiềm thức nên ít khi để ý, Đà Lạt còn quá nhiều thứ thú vị, kể cả những người đã từng ở lâu như tụi mình. À quên, còn có một câu hỏi muôn đời thịnh nữa: ”Đà Lạt mùa này có mưa nhiều không nhỉ?”

Mưa nhiều, nhiều cực luôn, nhưng chính vì thế, có nấm cho tụi mình hái và đây là một trải nghiệm cực kỳ thú vị luôn.

hái nấm ở Đà Lạt

Tụi mình đi bộ và chọn rừng để bắt đầu hái nấm

Đà Lạt quả là một vùng đất được Mẹ thiên nhiên ban tặng cho quá nhiều điều thú vị. Mỗi mùa nơi đây đều có một sự thay đổi khác nhau về thiên nhiên, cảnh quan phố núi. Nếu như có dịp đến vào mùa mưa, hãy cố gắng nắm lấy trải nghiệm một lần.

Mùa mưa Đà Lạt kéo dài từ tháng 5 đến khoảng tháng 10 hàng năm, đây cũng là mùa của nấm rừng sinh sôi sau những cơn mưa dầm. Dịp này như một thói quen của nhiều cư dân sinh sống tại Đà Lạt, mọi người vào rừng thông hái nấm về chế biến đủ món ngon bình dị và lại cực kỳ sạch nữa. Du khách có thể liên hệ với những người chuyên đi rừng tại Đà Lạt, người bản địa hoặc những ai hiểu biết về nấm nếu muốn thực sự tham gia hoạt động này.

hái nấm ở Đà Lạt

Những hàng tùng mướt mắt và thẳng tắp

Vậy đi hái nấm ngày nào là đẹp nhỉ? Chắc chắn là sau ngày mưa từ 1-2 ngày rồi. Lúc này nấm sinh sôi nảy nở cực nhanh và khá dễ để thấy.

Chúng mình lựa chọn ngọn đồi ở ngay đường Huỳnh Tấn Phát, đường đi Nha Trang làm địa điểm để tìm kiếm một bữa ăn đậm chất săn bắt hái lượm.

Xuất phát từ trung tâm Đà Lạt, bạn chỉ cần google map đường đi Huỳnh Tấn Phát, đi qua dốc sương mờ rẽ trái là tới.

hái nấm ở Đà Lạt

Nhớ mang theo bịch để đựng nấm

Mọi người cứ để ý những vùng có đồi thông cao và dưới là thảm cỏ dày cao không quá đầu gối thì có thể là địa điểm để các bạn nấm tập kết. Ở bên phải đường Huỳnh Tấn Phát có vô vàn rừng thông như vậy, nếu nhìn thấy bất cứ đường bê tông nào lên đồi, quẹo phải đi lên và nhìn xung quanh thấy đúng thảm thực vật như trên là hạ đồ đi hái nấm thôi.

hái nấm ở Đà Lạt

Chưa leo núi quen thì có thể mang theo gậy leo núi

Đồ đạc chuẩn bị cho công tác hái nấm. Cực kỳ đơn giản bao gồm găng tay y tế hoặc găng tay không bụi, 1 chiếc gậy leo núi (nếu cần), 1 bịch đựng nấm, 1 đôi giày trekking nếu có hoặc không thì giày thể thao cũng được (nên đi giày da chứ đừng đi giầy vải dễ thấm nước)

Cái hay của việc đi hái nấm đó là bạn hòa vào tận hưởng thiên nhiên, kết hợp với đi bộ và leo núi, vừa cải thiện sức khỏe lại vừa có 1 bữa ăn bổ dưỡng.

Dưới những tán thông xanh mát, từng cụm nấm gan bò, hột gà, kaki vàng, san hô… mọc trên đất chờ người đi rừng thu hoạch.

hái nấm ở Đà Lạt

Gan bò này hơi già xíu, nhớ tìm các cây non thì sẽ ngon hơn

Nổi bật và dễ tìm thấy nhất là nấm kaki tím. Loại này mọc thành cụm từ 3 đến 5 cái, có cái to, cái nhỏ. Đặc điểm của nó là có màu tím ửng hồng, thân nấm mập, chắc.

hái nấm ở Đà Lạt

Nấm dẻ đỏ cũng khá hiếm

Một loại khác cũng khá dễ tìm là nấm gan bò. Chúng mọc đơn lẻ từng cây nhưng có thân hình lực lưỡng. Một cây nấm gan bò phát triển có thể to bằng nắm tay. Nấm có màu vàng nhạt, trên chóp nổi gân sần sùi.

hái nấm ở Đà Lạt

Nấm gan bò là dễ thấy và nhiều nhất

Loại hiếm gặp nhất là nấm trứng gà. Cả buổi đi hái, trong số hơn vài ký nấm thu hoạch được, chúng mình chỉ tìm thấy duy nhất một cây nấm trứng gà. Nấm trông như cái trứng non, màu vàng tươi. Chân nấm được bao bọc bởi một lớp màng trắng như vỏ trứng.

Nếu ai chưa biết thì nấm rừng có cực kỳ nhiều tác dụng tốt. Ví dụ như giúp trị tiêu chảy, giải độc, phòng ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch chống viêm nhiễm. Trong có chứa chất chống oxy hóa, vitamin A nên sẽ có lợi cho thị lực và làn da của bạn. là loại nấm có hình dạng như những nhành san hô này có giá trị dinh dưỡng rất cao và không dễ dàng kiếm được. Có người còn ví nấm san hô như nấm linh chi, hiếm có khó tìm.

hái nấm ở Đà Lạt

Nấm san hô được coi là linh chi, hiếm có khó tìm

À lại quên nữa, nấm thì cũng có nấm this nấm that nha, chúng mình chỉ lấy những loại nấm mình biết là… còn lại thì đều bỏ qua. Và một lưu ý nữa là những loại nấm màu trắng thì đều có khả năng là nấm độc. Nên thôi, bỏ nhầm còn hơn hái nhầm.

hái nấm ở Đà Lạt

Những bạn nấm màu trắng này chúng mình bỏ qua vì độc

Sau khi khoảng 2 tiếng hái nấm và mỏi chân đi mấy quả đồi thì chúng mình đã thu được khá nhiều nấm, mấy ký lận. Sau khi chia cho mọi người mang về thì đến khoản chế biến.

Nếu nói về chế biến nấm rừng thì vô vàn lắm. Xào này, nấu canh nấm này hoặc là ăn lẩu. Chúng mình có một nồi lẩu nấm siêu ngon và đầy đủ dưỡng chất. Nếu quá nhiều thì chúng ta hãy nghĩ tới cách để bảo quản dùng dần cũng được nha. Có 2 cách để trữ nấm ăn lâu dài. Cách thứ nhất là làm sơ chế sạch, ngâm qua nước muối rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh để lưu trữ. Thứ hai là chẻ nhỏ đem phơi khô cũng sẽ bảo quản được lâu.

hái nấm ở Đà Lạt

Vừa hái nấm, vừa thưởng thức thiên nhiên thì thật tuyệt

Theo người dân địa phương, mỗi một buổi đi hái, một người có thể kiếm được vài ký nấm rừng. Nếu bán, 1 ký nấm tươi có giá từ 100.000 VNd trở lên hoặc hơn. Khi phơi khô, có thể bán từ 800.000 VND đến 1 triệu đồng / kg.

Tuy nhiên, do số lượng không quá nhiều, thời gian khai thác ngắn do chủ yếu khai thác được sau mưa, vả lại nấm rất ngon, nên người dân hái về để ăn là chủ yếu, ít ai mang đi bán.

hái nấm ở Đà Lạt

Vừa hái nấm, chúng mình vừa hình dung về nồi lẩu nấm

Có thể thấy một điều ngoài quán cafe và homestay thực sự ấn tượng, thì Đà Lạt còn quá nhiều hoạt động hay để cho du lịch trải nghiệm. Nếu đến vào một ngày mưa thì đừng buồn nha mọi người vì biết đâu ngày mai nắng sẽ có nhiều điều thú vị ở rừng thông đang chờ đón bạn thì sao.