Giữ rừng giữ biển, Cù Lao Chàm là xã có doanh thu cao nhất Quảng Nam

48
Nhìn lại 15 năm từ ngày được UNESCO ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009, Quảng Nam cho rằng có nhiều bài học quý rút ra đối với việc giữ hòn đảo ngọc Cù Lao Chàm, thành phố Hội An.
Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh lặn biển Cù Lao Chàm kiểm tra công tác phục hồi hệ sinh thái - Ảnh: B.D.

Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh lặn biển Cù Lao Chàm kiểm tra công tác phục hồi hệ sinh thái – Ảnh: B.D.

Năm 2009, Cù Lao Chàm được UNESCO đưa vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Qua 15 năm, chính quyền Hội An cho rằng bảo tồn chính là cách làm du lịch thông minh mà Hội An đã thành công.

Càng bảo vệ môi trường, càng có thu nhập cao

Cù Lao Chàm nằm cách đất liền ở Hội An khoảng 20 phút đi canô. Chỉ có hơn 2.500 người dân, trong bán kính nhỏ hẹp nhưng vì sao Cù Lao Chàm lại rất đông khách du lịch và được xem là hình mẫu bảo tồn đa dạng sinh học?

Câu trả lời bắt đầu từ việc khi chưa có du lịch, Hội An đã đi trước một bước với chủ trương không sử dụng túi ni lông trên đảo.

Nguyên bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự, nói rằng không dễ để thuyết phục bà con. Nhưng vì tương lai, lãnh đạo Hội An lúc đó kiên quyết làm bằng được.

Ông Trần Thái Do – chủ Á Đông Silk – thời điểm đó tài trợ mua túi xách đi chợ, các loại túi đựng dùng lâu dài để bà con ra chợ thay vì bỏ đồ vào túi ni lông.

Cam kết rằng từ bỏ túi ni lông, giữ môi trường chính là làm đầy nồi cơm chính mình, chính quyền đã thuyết phục được người dân đồng hành. Cù Lao Chàm gây tiếng vang với mô hình đảo không túi ni lông đầu tiên tại Việt Nam.

Nhưng bảo vệ môi trường mà không đem lại lợi ích cho người dân thì sẽ không bền vững, không thực tế.

Câu chuyện Cù Lao Chàm khấm khá, đổi thay hẳn hiện nay thì yếu tố quyết định nằm ở quan điểm, tầm nhìn và cách làm du lịch. Vậy Cù Lao Chàm đã làm du lịch ra sao?

Thứ gì cũng có thể là sản phẩm du lịch

Đo kích thước cua đá để khai thác ở Cù Lao Chàm - Ảnh: T.H.

Đo kích thước cua đá để khai thác ở Cù Lao Chàm – Ảnh: T.H.

Ra Cù Lao Chàm hiện nay khách thích nhất là tour lên rừng xuống biển. Môi trường sạch sẽ, tinh tươm, gọn gàng và chuyên nghiệp tới hoàn hảo trong mọi con đường, ngõ hẻm, bãi biển…

Cù Lao Chàm có hai thứ đặc biệt mà khách muốn tìm đến: thiên nhiên và cộng đồng.

Ngoài bộ máy quản lý, chính quyền cũng tranh thủ các công cụ, dự án, quy chế để tăng sức bảo vệ biển, rừng.

Cù Lao Chàm có hơn 2.500 dân sống tập trung. Nhưng một cành cây, ngọn rau ở trên đảo muốn lấy về nhà thì không phải chuyện đơn giản. Tất cả đều có quy định, có danh sách, có xét duyệt. Quan trọng là dân đều chấp nhận cách làm này, dù một số nội dung chưa phải đã là quy định trong luật.

Trung tâm xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.

Trung tâm xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm – Ảnh: B.D.

Cua đá là kiểu làm du lịch “kinh điển” ở hòn đảo này. Ở Cù Lao Chàm, cua được nâng giá trị thông qua các đánh giá khoa học, được đưa vào bảo tồn. Ai muốn bắt cua thì phải có quota, cua bắt lên khỏi hang phải lấy thước đo kích cỡ, nhỏ quá thì phải thả xuống.

Con cua đá Cù Lao Chàm thay vì chỉ vài trăm ngàn đồng/kg lại thành hàng xa xỉ, giá tiền triệu mỗi kg, muốn ăn cũng chẳng dễ.

Ở Cù Lao Chàm có một giếng nước. Chỉ với câu chuyện “Cầu duyên uống nước cầu tình, chị em nào chưa có con thì uống vào sẽ được như ý, cô nào chưa chồng thì uống sẽ nên duyên” mà khu giếng cổ luôn có người vây quanh ghé gàu múc uống lấy uống để.

Hiệu quả tới đâu thì không ai mấy quan tâm. Cái khách thích thú đó là cách gieo niềm vui, sự lạc quan. Đó là sản phẩm du lịch gần gũi, nhẹ nhàng.

Dự án du lịch mọc lên trên đảo Cù Lao Chàm và bị dừng lại nhiều năm qua - Ảnh: B.D.

Dự án du lịch mọc lên trên đảo Cù Lao Chàm và bị dừng lại nhiều năm qua – Ảnh: B.D.

Một đặc sản riêng biệt của Cù Lao Chàm là cộng đồng cư dân. Dù sống trong một vùng với tên gọi xã Tân Hiệp, du lịch phát triển sầm uất, dân thu nhập cao nhất trong các xã tại Quảng Nam nhưng dân cư ở Cù Lao Chàm vẫn giữ tính cách mộc mạc, gần gũi không khác gì thôn quê xưa cũ.

Rừng, biển, môi trường cùng người dân kết hợp với nhau từ sự cầm trịch xuyên suốt của chính quyền với tư duy bảo tồn nguyên vẹn đã tạo nên một Cù Lao Chàm đặc sắc.

Nhiều bài học từ Cù Lao Chàm

Với những nỗ lực bảo tồn không mệt mỏi, năm 2009 UNESCO đã đưa Cù Lao Chàm vào danh sách Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cụm đảo nhỏ với vùng rừng, biển bao quanh và vệt sông nước vào tận rừng dừa Cẩm Thanh được đánh giá là mái nhà sinh sản của hệ sinh thái biển. Cù Lao Chàm là lồng ấp, tái tạo các loài sinh vật của vùng biển miền Trung.

Ngày 23-5 này, Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm được UNESCO ghi danh.

Một số bài học được rút ra từ thực tiễn gồm:

Cộng đồng là trọng tâm và là người chủ trong mọi câu chuyện

Khai thác tài nguyên văn minh

Mỗi điểm đến luôn gắn liền với thông điệp

Xác định chuỗi giá trị có liên quan và câu chuyện liên kết trong phát triển

Không phá vỡ cấu trúc tự nhiên

Bán cái gì khu sinh quyển có chứ không bán những cái khách cần

Chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên.