Chương trình nghệ thuật dân tộc dân gian Hồn Việt diễn ra tối 26/9, tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, hàng năm, vào ngày 27/9, ngành du lịch trên toàn thế giới luôn tổ chức các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên khắp trái đất về tầm quan trọng của ngành du lịch đối với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia.
Năm nay, với chủ đề “Du lịch và Hòa bình”, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc truyền đi thông điệp: Du lịch có thể đóng vai trò quan trọng như một chất xúc tác thúc đẩy hòa bình và sự hiểu biết giữa các quốc gia và các nền văn hóa, đồng thời hỗ trợ các quá trình hòa giải.
Du lịch còn có liên hệ rõ ràng với các yếu tố xây dựng hòa bình, như công bằng xã hội, quyền con người, công bằng kinh tế, phát triển bền vững và nền dân chủ rộng rãi với khả năng giải quyết xung đột phi bạo lực.
Ngoài lợi ích kinh tế, sức mạnh lớn nhất của du lịch là mang mọi người lại gần nhau. Du lịch có tiềm năng đóng góp vào hòa bình theo nhiều cách và những tiềm năng này cần được khám phá và đánh giá một cách phù hợp.
Đặc biệt, trong thông điệp kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc còn nhấn mạnh đến vai trò của giới trẻ, khẳng định tương lai của du lịch nằm trong tay giới trẻ.
Tài năng trẻ mang lại những quan điểm mới mẻ, sáng tạo và năng lượng cần thiết cho sự phát triển liên tục của du lịch.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, đến nay du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để có thể khẳng định rõ vị thế là ngành kinh tế quan trọng.
Năm 2024, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều biến động, thay đổi trên mọi phương diện, tác động không nhỏ tới ngành du lịch toàn cầu nói chung và mỗi quốc gia nói riêng.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đồng thời hưởng ứng kêu gọi của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan cùng chung tay giải quyết những khó khăn để tăng tốc phát triển, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tại sự kiện, Chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” được giới thiệu, với mục tiêu từng bước xây dựng thành một seri các sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng sự mong đợi của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đảm nhận vai trò Giám đốc sản xuất cho chương trình, ông Nguyễn Trung Hoàng Nam, chia sẻ, Hồn Việt là sự kết tinh những tinh hoa của nền văn nghệ dân gian Việt Nam được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Chương trình là một mảnh ghép nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, như một lời chào mừng nồng nhiệt, đưa khán giả bước vào thế giới văn hóa nghệ thuật truyền thống đa dạng và đậm đà bản sắc Việt.
Một số tiết mục đặc sắc như: Hòa tấu dàn nhạc dân tộc Một vòng Việt Nam; hát chèo Đào Liễu; ca trù Tây Hồ; Hòa tấu Đàn Bầu Mẹ yêu con; hát xẩm Mục hạ vô nhân; hát văn Cô đôi thượng ngàn…
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Anh Tú; các Nghệ sĩ Ưu tú: Minh Phương, Thúy Hòa, Ngọc Anh, Lê Minh…
Ông Nguyễn Trung Hoàng Nam cho biết: “Trân quý và khai thác kho tàng văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng xây dựng những concept theo yêu cầu riêng, bảo đảm giữ vững giá trị nghệ thuật và bản sắc dân tộc, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa phong phú với các nền văn hóa trên thế giới, là món ăn tinh thần đặc sắc giới thiệu với khán giả trong nước và du khách quốc tế”.
Sau buổi biểu diễn, chương trình đã nhận được những ý kiến góp ý từ các chuyên gia, đại diện các công ty du lịch, lữ hành để nâng cao sức hút đối với du khách, như: cần có thêm phần phụ đề tiếng ngoại ngữ, đầu tư hơn cho phần hình ảnh của từng tiết mục, căn chỉnh thêm về kết cấu thứ tự các tiết mục để chương trình có tính xâu chuỗi về nội dung…