Những ngày này thời tiết ở Lâm Đồng đã chuyển sang cái lạnh se sắt, bỗng thấy thèm một tách cà phê ấm nóng giữa núi rừng đại ngàn. Những câu chuyện về những rẫy cà phê nơi miền đất đỏ Tây Nguyên là những câu chuyện đầy say mê kể mãi không hết. Để sưởi ấm ngày đông buốt giá, chúng tôi tìm tới quán Cà phê “lựa” của người K’Ho nằm dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) với nhiều tò mò và cơn “thèm’’ cà phê đang quẩn quanh mãi chẳng chịu rời đi. Những tưởng K’ho chỉ có cà phê thôi, nào ngờ ngôi làng nhỏ này chào đón chúng tôi với rất nhiều điều giản dị nhưng đầy bất ngờ.
Vườn cà phê trong làng của người K’ho
Ngôi làng nhỏ dưới chân núi Langbiang
Vườn cà phê K’ho
Hạt cà phê K’ho được lựa chọn kỹ càng
Khi đặt những bước chân đầu tiên vào làng cà phê K’ho, thị giác của bạn sẽ bị ấn tượng ngay với những ngôi nhà nhỏ xinh được sơn đủ màu sắc như một bức tranh rực rỡ. Đây đều là những ngôi nhà gỗ đơn sơ lợp mái tôn với những cánh cửa sổ mở toang đón nắng. Mỗi một căn nhà cứ như một nét vẽ điểm xuyết trong tổng thể bức tranh ngập tràn gam màu tươi sáng nào xanh, nào đỏ, nào vàng… tạo nên một không gian ngập tràn sức sống.
Những ngôi nhà gỗ sắc màu náu mình giữa thiên nhiên núi rừng chính là điểm nhấn văn hóa độc đáo khiến du khách say mê và dừng chân.
Ngôi nhà mang màu sắc xinh xắn
Cũng như các đồng bào thuộc dân tộc thiểu số khác trên đất nước, người dân K’ho sống đoàn kết, đôn hậu, gắn bó với nhau trong từng nếp sinh hoạt hàng ngày, yêu mến và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại. Ngoài công cuộc phát rừng làm rẫy để trồng ngô, sắn… và đặc biệt là cà phê thì người dân nơi đây, chủ yếu là phụ nữ, vẫn miệt mài và kiên trì với nghề dệt vải thổ cẩm. Các họa tiết và hoa văn thổ cẩm nơi đây được dệt may tỉ mỉ và đầy sáng tạo, mang đậm nét độc đáo của dân tộc K’ho. Vào những dịp lễ tết hay cuối tuần, đồng bào vẫn giữ thói quen tụ tập ở nhà Rông, đánh cồng chiêng mở hội, nghe già làng kể chuyện và bảo ban… Tất cả đều được mọi người tiếp nối và phát huy một cách đầy đủ và tâm huyết nhất.
Người K’ho dễ mến
Câu chuyện về thương hiệu cà phê K’ho bắt nguồn từ tình yêu của chàng trai người Mỹ Joshua và cô gái người dân tộc K’Ho Rolan. Điệu múa uyển chuyển, xinh đẹp của cô thiếu nữ người K’ho trong một đêm biểu diễn nghệ thuật dân tộc đã khiến Joshua mê mẩn và phải lòng lúc nào không hay.
Joshua với lợi thế từng là kỹ sư ngành nông nghiệp và Rolan từng sinh ra và lớn lên nơi chốn rừng núi đại ngàn, hai vợ chồng đã bàn bạc, tìm cách để trồng và làm cà phê hiệu quả hơn. Để cho ra những mẻ cà phê K’ho độc đáo và khác biệt, họ đã phải chuyển đổi từ cách trồng cà phê cũ sang canh tác hữu cơ để tăng năng suất, bảo quản hương vị lâu dài, kỹ càng chọn lựa những quả cà phê chất lượng nhất rồi tuân thủ chặt chẽ quy trình phơi và rang. Tất cả các công đoạn đều được chế biến thủ công để khi khách hàng cầm trên tay cốc cà phê K’ho thơm lừng nóng hổi thì đó không chỉ đơn thuần là cà phê mà còn là tâm huyết của Joshua và Rolan và của người dân K’ho.
Làng nổi tiếng với cà phê “lựa” được làm thủ công
Nếu đến đây vào mùa thu hoạch cà phê, bạn đừng ngần ngại mà theo chân những người đàn ông K’ho Men theo con đường đất dưới chân núi Langbiang lên rẫy, ngắm, hái những quả, những chùm cà phê đỏ mọng trĩu cành. Hai bên con đường đất nhỏ hẹp hoa nở theo mùa, nắng mặt trời chiếu rọi hong khô cả lớp đất đỏ ẩm ướt ban sáng, một ai đó cất tiếng hát bằng tiếng K’ho nghe là lạ, vui tai… cuộc sống cứ thế bình yên, vui vẻ trôi qua một ngày.
Tham quan vườn cà phê mẫu
Quả cà phê khi còn xanh
Nghe chuyện thu hoạch và thưởng thức cà phê
Chị Cơ Liêng Rolan, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé nhưng chắc nịch của núi rừng Tây Nguyên sẽ đích thân hướng dẫn du khách quy trình chế biến cà phê và kể những câu chuyện về công cuộc làm cà phê K’ho bằng cả tâm huyết. Những hạt cà phê chín mọng, mẩy, chắc sau khi được thu hoạch sẽ trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng rồi được phơi khô 7 ngày trong nhà kính để đảm bảo độ ẩm chuẩn nhất. Tiếp đến, hạt cà phê được mang đi lột lụa, chà bóng, phân loại, rang và cuối cùng là đóng gói. Tất cả các bước trong quy trình chế biến cà phê K’ho đều được làm thủ công hoàn toàn trong một chu trình khép kín để giữ được hương vị cà phê trọn vẹn nhất. Du khách đến đây có thể tự mình trải qua các công đoạn trên để khi thưởng thức tách cà phê do chính mình pha sẽ thêm trân quý sức lao động và tâm huyết của vợ chồng Joshua – Roland và đồng bào dân tộc K’ho.
Công đoạn rang cà phê K’ho
Xay cà phê
Sau khi tự tay pha cho chính mình một tách cà phê thì hãy ra “chòi” giữa sườn đồi cảm nhận không khí trong lành nhưng đã nhiều phần lạnh se sắt. Những tách cà phê K’ho của chị Rolan thơm và đậm đà từng giọt. Vị đắng mới nhẩn nhơ ở đầu lưỡi vậy mà khi trôi qua cổ họng đã biến thành vị ngọt bùi đầy lưu luyến. Hương cà phê K'ho nồng nàn quyện trong những trăn trở, những câu chuyện không đầu không cuối về vùng đất của những con người mộc mạc, chất phác với mong muốn tạo nên thương hiệu cà phê riêng của đồng bào dân tộc K’ho và ước mơ đưa cà phê K’ho ra thế giới. Mãi đến khi rời làng, hương cà phê K'ho vẫn quanh quẩn mãi bên người như một thứ nước hoa đặc biệt đầy xao xuyến.
Dụng cụ pha chế
Cốc cà phê K'ho hấp dẫn
Cà phê view đồi
Chưa đi chưa biết K’ho, đi rồi mới biết K’ho như một vùng đất thần tiên biết tỏa hương là hương thơm cà phê và rực rỡ sắc màu từ những ngôi nhà gỗ. Không chỉ say trong câu chuyện của tình yêu của Joshua và Rolan, say trong vị cà phê K'ho nồng nàn ngây ngất, mà còn mê mẩn trước những con người đôn hậu ngày ngày chăm chỉ trên những nương rẫy xa để chăm chút cho những cây cà phê đang mùa nở hoa trắng muốt. Chúng tôi ra về ai cũng tay xách nách mang những túi cà phê K'ho màu vàng nâu tượng trưng cho màu mộc của đất, những chiếc khăn thổ cẩm in họa tiết mặt trời, cây cỏ, hoa lá, mắt đại bàng… Tất cả trải nghiệm nơi đây không chỉ đơn thuần là du lịch mà còn là góp phần yêu quý và trân trọng những nỗ lực và tâm huyết của bà con đồng bào dân tộc K’ho. Hi vọng sẽ ngày một vươn cao vươn xa tới những miền đất mới để cuộc sống bà con thêm ấm no, đủ đầy, là niềm tự hào không chỉ của buôn làng mà còn cả của đất nước Việt Nam.