Ghé thăm làng bánh phồng trăm tuổi ở miền Tây
Làng bánh phồng trăm tuổi này nằm ở ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Trải qua biết bao thời gian làng bánh phồng vẫn giữ được nét đặc biệt và hương vị thân quen vốn có với thực khách.
Nếu có dịp đi ngang con đường bánh phồng nổi tiếng nơi đây bạn sẽ thấy được sự náo nhiệt của người làm nghề tại làng, tiếng chày quết bánh, tiếng nói chuyện đùa vui, người người nhà nhà san sát nhau phơi bánh tráng trắng cả một khu vực.
Được biết làng bánh phồng này đã xuất hiện từ khá lâu kể từ ngày người dân biết trồng lúa nếp thì bánh phồng cũng từ đó mà ra.
Công đoạn làm bánh phồng khá công phu: chọn nếp rặt, ngâm đúng ba ngày ba đêm, đãi sạch nước đục; một giờ sáng, người làm bánh thức dậy xôi nếp rồi bỏ vào cối quết, bột nhuyễn đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các chất làm phụ gia như đậu, mè, sữa… được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn.
Chỉ riêng làng bánh phồng ấp Thượng 3, mỗi năm có thể sử dụng khoảng 1.000 tấn nếp để chế biến hàng vạn chiếc bánh phồng các loại. Làng nghề hiện có trên 50 cơ sở làm bánh, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 300 người lao động.
Cũng chính nhờ nguồn nguyên liệu có sẵn tại làng mà bánh phồng khi làm ra cũng mang đậm hương vị thơm ngon khác biệt so với những chỗ làm bánh phồng khác. Bánh sau khi phơi nắng sẽ được đóng gói vô cùng kĩ lưỡng và sạch sẽ. Bánh khi được nướng lên sẽ trông to ra, ăn vào cảm nhận được độ giòn thơm, béo ngậy khiến ai cũng đều tấm tắc khen ngon cho đặc sản trứ danh này.
Chiếc bánh phồng chỉ nhỏ bằng cái đĩa nhưng nướng lên phồng to hơn cái quạt nan, vừa xốp, vừa mềm, có vị béo của nếp, ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… Bánh nướng dùng để gói xôi, làm vỏ kẹo chuối hoặc ăn chơi. Đặc biệt, bánh phồng còn là món ăn truyền thống không thể thiếu của nhiều người khi mỗi dịp xuân về. Tuy nghề làm bánh phồng vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng với tình yêu nghề, những người làm bánh nơi đây đã làm ra những sản phẩm thơm ngon.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Món ngon ngày Tết miền Tây có gì?
Gà “ăn mày” – Đặc sản lạ tai đầy cuốn hút của người miền Tây