Ghé thăm chùa Shewdagon thánh địa dát vàng nổi tiếng tại Myanmar

29

Chùa Shewdagon

Ngôi chùa Shwedagon với sắc vàng lộng lẫy.

Văn hóa Phật giáo trong đời sống người dân Myanmar

Tuy là quốc gia Phật giáo nhưng ở đất nước này vẫn tồn tại những người dân theo tôn giáo khác như đạo Hồi, Hindu, Thiên Chúa giáo,… song Phật giáo vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn cả với gần 90% dân số trên cả nước. Văn hóa Phật giáo còn thể hiện qua cách người ta xây dựng đền thờ và chùa chiền, nơi đâu có bước chân nơi đó có sự hiện diện của các ngôi đền, chùa và tháp, chúng có mặt ở khắp nơi trên lãnh thổ, vừa là nơi cầu nguyện, vừa là nơi nghỉ ngơi của người dân Myanmar vào những ngày nóng nực. Bên cạnh đó, Myanmar còn là quốc gia với nguồn tài nguyên phong phú từ dầu mỏ cho tới những loại đá quý nên người dân thường cúng dường cho các ngôi chùa tài sản của họ bằng vàng hoặc kim cương, để khảm lên những bức tượng và ngôi đền, cầu phúc và cầu bình an cho cả gia đình, và một trong những ngôi chùa lâu đời, được người dân tôn kính và thờ phụng qua nhiều thế hệ, chính là chùa Shwedagon.

Chùa Shewdagon

Người dân tôn kính thánh địa linh thiêng này.

Lịch sử hình thành của ngôi chùa dát vàng Shwedagon

Có nhiều truyền thuyết và câu chuyện lịch sử liên quan đến ngôi chùa vàng linh thiêng này, có người nói nó có tuổi đời hơn 2.500 tuổi nhưng cũng có những tài liệu chỉ ra nó chỉ được xây cách đây vài trăm năm, song với xuất thân nhiều bí ẩn đó lại khiến cho Shwedagon càng linh thiêng, trở thành một địa điểm tâm linh từ xa xưa, là điểm đến cho những con dân ngoan đạo, dâng tặng cho chùa rất nhiều vàng và đá quý để tôn lên vẻ đẹp rực rỡ của tàn tích cổ này. Rồi dần dà theo thời gian, nó đã thành thông lệ và phong tục, người ta cứ nối bước nhau trang hoàng cho ngôi chùa bằng hàng chục tấn vàng để tỏ lòng thành kính. Tuy hiện tại vẻ đẹp của Shwedagon không phải là nét vốn có, do nhiều biến cố trải qua thời gian, từ động đất cho tới hỏa hoạn khiến phần lớn kiến trúc của ngôi chùa phải trùng tu lại. Nhưng dưới bàn tay của những nghệ nhân lành nghề và cả người dân góp sức, Shwedagon hiện tại nguy nga hơn bao giờ hết, là một điểm đến không thể không ghé qua khi đến thăm thủ đô Yangon, và có một luật lệ, đó là những ngôi nhà lân cận trong thành phố, không được phép xây cao hơn ngọn tháp của chùa để tôn kính biểu tượng linh thiêng này.

Chùa Shewdagon

Khung cảnh tuyệt đẹp trong nắng chiều của chùa Shwedagon.

Lối vào ngôi chùa cổ kính Shwedagon

Có thể nói chùa Shwedagon nằm ở vị trí khá nổi bật giữa lòng thành phố Yangon, gần một công viên xanh mát đầy cây xanh và ngay phía tây của hồ Kandawgyi. Khi đi từ xa, ta có thể thấy những ngọn tháp to lớn màu vàng óng, nằm sừng sững, hết sức nguy nga, được bao quanh bởi muôn vàn nhà dân và kiến trúc trong khu vực. Mà khi lại gần, kiến trúc này còn cao lớn và hùng vĩ hơn cả, với lối vào là hàng trăm bậc thang dựng đứng, kéo dài lên những tòa tháp trên cao với độ cao hơn một trăm mét. Kế bên lối ra vào là quầy bán vé với mức giá 5 USD/ người, cũng là nơi bỏ giày dép và căn dặn những quy định bạn phải tuân theo trước khi bước chân vào bên trong.

Chùa Shewdagon

Vé vào cổng tốn 10.000 Kyats tầm 5 USD cho một người

Chùa Shewdagon

Bên trong khuôn viên ngôi chùa cổ kính.

Thời gian mở cửa của chùa Shwedagon là từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nhưng thời điểm lý tưởng nhất để ghé chùa tham quan là gần xế chiều, khi những tia nắng nhạt dần trên đỉnh tháp cũng là lúc người dân kéo nhau đến đây, thực hiện các nghi lễ một cách ngoan đạo, họ có thể đi theo từng cá thể, hoặc gia đình hay thậm chí là một xóm làng tụ tập lại với nhau. Vì đối với người dân Myanmar việc đến ngôi chùa linh thiêng này là một niềm vui, họ cảm thấy hạnh phúc khi được thực hiện nghi lễ một cách đầy đủ và trọn vẹn, càng thi hành nghi lễ đều đặn, lòng họ càng bình an và hạnh phúc. Đó là lý do khi bạn đến đây vào chiều tối, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm ngọn nến sáng rực do những con người ngoan đạo thắp đến đây mỗi ngày, thay cho đèn điện và thậm chí hơn cả ánh mặt trăng vẫn hằng đêm soi bóng.

Chùa Shewdagon

Người dân Myanmar vào chùa đều đặn mỗi ngày.

Tham quan bên trong ngôi chùa Shwedagon

Khi bước vào không gian bên trong, thu hút ánh nhìn đầu tiên của du khách chính là tòa tháp chính hay còn gọi là phù đồ cao đến 99m nằm trên một nền đất vuông cao hơn mặt đất, xung quanh 4 góc của tòa tháp chính này lại có 4 tòa tháp nhỏ và 60 tòa tháp khác nằm rải rác khắp khuôn viên của chùa. Có thể nói phù đồ này chính là kiến trúc uy nghiêm bậc nhất trong khuôn viên chùa Shwedagon, nhờ lợi thế nằm ở vị trí trên cao mà ta có thể thấy được kiến trúc này từ khắp nơi trong thành phố. Trên cùng là phần mái có đỉnh nhọn được thiết kế theo hình dạng như một chiếc ô có gắn những quả chuông bằng vàng, được trang trí bằng những viên đá quý sắc màu hiếm có và tinh xảo, mà tầng cao nhất, được người dân Myanmar khảm hơn 1000 viên tạo nên một khung cảnh lấp lánh sắc màu kỳ lạ dưới cái nắng đổ lửa của Myanmar. Và để tạo nên ánh vàng rực rỡ trong đêm, thì ước tính người ta đã dát hơn 90 tấn vàng và đánh lên đó những chiếc đèn điện với công suất lớn, làm các kiến trúc và ngôi chùa càng nổi bật hơn khắp một vùng.

Chùa Shewdagon

Kiến trúc tinh xảo đẹp mắt đầy tự hào của người dân Myanmar.

Chùa Shewdagon

Phù đề vàng óng dưới cái nắng chiều vàng ươm của Myanmar.

Nếu quan sát xung quanh bạn có thể thấy những ngôi miếu nhỏ thờ hình ảnh Đức Phật mà mỗi hình trong đó tượng trưng cho một ngày trong tuần, riêng thứ tư được chia làm hai. Tương ứng với chiêm tinh học của phương Tây thì mỗi ngôi miếu nhỏ sẽ có một tinh cầu và linh vật gắn liền với tinh cầu đó. Khi người dân Myanmar đến ngôi chùa này, họ sẽ đến ngôi miếu tương ứng với ngày sinh của mình để chiêm bái, dâng những bông hoa vàng ươm rồi tưới nước trong bồn lên những bức tượng Phật một cách đầy tôn kính. Và dù đến vào bất kỳ thời điểm nào, bạn cũng sẽ thấy bóng dáng những người phụ nữ cần mẫn, chăm chú lau chùi và quét dọn khuôn viên chùa. Không một ai trả tiền và cũng không ai bắt họ phải làm điều đó nhưng nó là một nét văn hóa rất đẹp đã in sâu và tiềm thức của người dân Myanmar, khi họ coi trọng chùa, coi trọng nơi đất Phật trú ngụ như chính ngôi nhà của họ, nên dù là người dân hay nhà sư trong chùa, ai cũng có tinh thần bảo quản tài sản trong chùa một cách vẹn toàn nhất

Chùa Shewdagon

Người dân cúng bái trước những ngôi miếu ứng với ngày sinh.

Chùa Shewdagon

Những người dân ngoan đạo dâng hoa, tắm cho tượng Phật.

Chùa Shewdagon

Những người phụ nữ quét dọn cho chùa thường xuyên.

Chùa Shewdagon

Vào mỗi buổi chiều, ta lại thấy người dân tụ họp lại đây.

Những bảo vật được cất giấu bên trong chùa Shwedagon

Không chỉ là nơi lưu giữ nhiều cột mốc lịch sử quan trọng, chùa Shwedagon còn là nơi cất giữ những cổ vật, bảo vật có xuất xứ bí ẩn. Như truyền thuyết về hai anh em thương gia người Myanmar đã gặp được Đức Phật sau khi Người đạt đến cảnh giới giác ngộ, rồi họ được Người trao tặng 8 sợi tóc quý giá và mách nơi để cất giữ chúng. Hai anh em họ làm theo, cất các sợi tóc trong một căn phòng để thờ phụng rồi xây dựng ngôi chùa bao quanh đó canh giữ đến ngày nay. Tuy không ai biết hình dạng thật sự 8 sợi tóc của Phật Thích Ca nhưng ta biết rằng khu vực cất giữ đó rất tuyệt mật và không mở cửa cho công chúng ghé thăm.

Chùa Shewdagon

Nhà sư cùng người dân đang cầu nguyện trước các ngôi miếu nhỏ.

Ngoài phần phù đồ chính linh thiêng tuyệt mật, khu quần thể rộng lớn của chùa Shwedagon còn có những công trình đáng chú ý là điện Naungdawgyi, được biết là nơi chỉ cho phép nam giới được vào khu vực chính điện và sảnh Chuông là nơi có trưng bày chiếc chuông khổng lồ nặng tới 23 tấn. Ngoài ra, còn có một sảnh đường khác trưng bày hình ảnh cao 9 mét của Đức Phật đang ngồi với chiếc áo màu vàng kim khoác trên người, trong khi một sảnh khác có các câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật được kể lại qua các bức bích họa.

Những lưu ý khi tham quan ngôi chùa Shwedagon

Không gian tại Chùa Shwedagon có thể trở nên rất đông đúc vào các dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ của Phật giáo, do đó nếu có ý định đến thăm nơi này bạn hãy lên kế hoạch và chọn ngày khởi hành một cách cẩn thận nhé.