Ghé thăm 3 ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Tiên

35

Thành phố nhỏ Hà Tiên được nhắc tới nhiều trong văn thơ xưa nay, với mười cảnh đẹp nổi tiếng “Hà Tiên thập cảnh”, nhưng mình dừng lại tại Hà Tiên quá ít thời gian nên không đủ khám phá những cảnh đẹp nổi tiếng đó. Mình khám phá Hà Tiên theo cách của mình: viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng trong thành phố nhỏ xinh đẹp này.

Chùa Tam Bảo – một trong số “Hà Tiên thập cảnh” xưa

Chùa Tam Bảo là ngôi chùa được ban sắc tứ của triều Nguyễn trên đất Hà Tiên, vốn là một trong số những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Tiên, tương truyền được ông Mạc Cửu – người khai phá Hà Tiên – cho xây dựng vào năm 1730 để mẹ ông tu. Năm đó bà mẹ đã rất lớn tuổi, vì nhớ con nên đã từ Trung Quốc đến Hà Tiên với Mạc Cửu.

Chùa ở Hà Tiên

Chùa Tam Bảo – 75 Phương Thành, phường Bình San, Hà Tiên

Chùa bị phá hủy trong giai đoạn chiến tranh giữa Xiêm La với Hà Tiên giai đoạn sau đó, tới năm 1811, vua Gia Long lệnh dựng lại chùa và ban sắc phong của triều đình, ngôi chùa mang tên “Sắc tứ Tam Bảo tự” từ đó.

Trong lịch sử tồn tại, chùa Tam Bảo đã được trùng tu lớn vài lần, hiện tại chỉ còn lại chút dấu tích tường thành cũ, còn các kiến trúc đã được dựng lại từ đợt trùng tu năm 1930.

Chùa Tam Bảo

Chính điện chùa Tam Bảo

Từ năm 1974, chùa Tam Bảo được trụ trì bởi Ni sư Như Hải, và được Ni sư tiến hành nhiều hoạt động trùng tu, kiến tạo mới. Trong đó việc an vị Quán Thế Âm Bồ Tát cao 5m, nặng khoảng 7 tấn được tiến hành năm 1974, an vị tượng Đức Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề năm 1983, an vị tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn năm 1987, …

Chùa Tam Bảo

Ban thờ trong chính điện

Chùa Tam Bảo

Tượng Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn ở hậu điện

Chùa Tam Bảo

Tượng Bồ Tát bằng đá trắng, nặng 7 tấn

Chùa Tam Bảo

Tượng Đức Phật ngồi dưới cội bồ đề

Chùa Tam Bảo

Bảo tháp chùa Tam Bảo

Phù Dung cổ tự

Chùa cổ Phù Dung nằm dưới chân núi Bình San, trên đường Phù Dung, thành phố Hà Tiên, tương truyền được Tổng trấn Mạc Thiên Tích (con trưởng của ông Mạc Cửu) cho dựng vào năm 1750 để cho một bà vợ thứ của mình tu hành. Xung quanh ngôi cổ tự này có những huyền thoại về mối quan hệ giữa quan Tổng trấn và người thiếp này, thậm chí giai thoại còn cho rằng mộ của bà được táng tại khuôn viên chùa.

Phù Dung cổ tự

Phù Dung cổ tự dưới chân núi Bình San

Chùa được tu sửa nhiều lần bởi những hư hại do chiến tranh ở thế kỷ 18 – 19, đến năm 1910 được xây lại và được đặt tên là chùa Phù Dung – chính là căn chính điện nhỏ, kiểu nhà cổ 3 gian có đặt tượng Bồ Tát lớn bằng đá trắng phía trước hiện nay.

Chính điện với các cột trụ gỗ, lợp ngói rất mát mẻ, ban thờ Phật khá đơn giản mà trang nghiêm, ngay gần cửa, phía trước ban thờ Phật, có đặt một bức tượng Phật khá lớn nữa. Hai bên tường dọc chính điện có vẽ 4 bức bích họa mô tả về cuộc đời Phật Thích Ca. Phía sau tòa chính điện, xây trên sườn núi Bình San là Ngọc Hoàng Bửu Điện – một tòa tháp gỗ 2 tầng cổ kính đã nhuốm màu thời gian.

Phù Dung cổ tự

Ban thờ trong chính điện chùa Phù Dung

Phù Dung cổ tự

Ngọc Hoàng Bửu Điện ở lưng chừng núi phía sau chính điện

Hiện tại, chùa Phù Dung vẫn duy trì ngôi chùa cổ, nhưng đã xây thêm ngôi chính điện mới rất to lớn ở ngay sát bên cạnh, mới đi vào hoạt động thời gian gần đây. Cùng với đó, hệ thống tường bao phía trước cùng cổng chùa cũng được đầu tư xây dựng mới, khiến quần thể chùa Phù Dung vừa mang vẻ cổ kính từ ngôi cổ tự, vừa có dáng vẻ bề thế, hiện đại của ngôi chính điện mới. Đây là một trong số những điểm đến thu hút du khách nhiều nhất khi đến Hà Tiên.

chùa ở Hà Tiên

Cổng chính và chính điện mới của chùa Phù Dung (mái ngôi chùa cổ nằm hơi thấp bên phải bức hình)

Chùa Phật Đà (chùa Lò Gạch)

Chùa tọa lạc tại số 32 đường Mạc Cửu, ngay chân núi Bình San, cách không xa chùa Phù Dung và chùa Tam Bảo. Sở dĩ chùa có tên gọi khác là chùa Lò Gạch, vì trong khuôn viên chùa có một cái lò gạch cũ bỏ hoang. Tương truyền, chính chiếc lò gạch bỏ hoang này được sử dụng làm chính điện đầu tiên của chùa vào năm 1945.

Thời điểm mới được lập, chùa mang tên Tịnh Xá Chí Hòa, do Hòa thượng Thích Chí Hòa sử dụng chiếc lò gạch bỏ hoang làm chính điện và các công trình phụ trợ khác đều làm bằng cỏ cây.

Chùa Phật Đà

Chùa Phật Đà nằm trên đường Mạc Cửu, đúng ngã ba với đường Mạc Tử Hoàng

Cuối năm 1993, chùa được xây dựng mới và đổi tên từ Tịnh xá Chí Hòa thành chùa Phật Đà. Phía ngoài tường bao, ngay trước chính điện mới khang trang, là một cội cổ thụ khổng lồ có bộ rễ ngoằn ngoèo nổi lên, với tượng Phật bằng đá trắng đường tôn trí dưới gốc cây. Tán cây rất rộng, khiến ngã ba đường Mạc Cửu – Mạc Tử Hoàng luôn râm mát, bất kể những ngày nắng nóng, và người dân xung quanh thường ra ngồi hóng mát dưới bóng cây.

chùa ở Hà Tiên

Chiếc lò gạch cũ gần cổng bên phải phía ngoài nhìn vào, được bài trí tượng Phật

Chùa Phật Đà

Lò gạch cũ bên trái tòa chính điện trước sân chùa

chùa ở Hà Tiên

Tượng Bồ Tát bài trí bên phải chính điện, đối diện với lò gạch cũ.

Chùa Phật Đà

Lầu Trống bên phải chính điện

Chùa Phật Đà

Lầu Chuông bên trái chính điện

Chùa Phật Đà

Gian chính điện rộng rãi, cao thoáng với ban thờ Phật khá đơn giản mà trang nghiêm

Chùa Phật Đà

Ban thờ trong lò gạch cũ.

Hà Tiên quả thật rất thú vị, thành phố nhỏ yên bình bên dòng sông Giang Thành ngay cửa biển. Những đường phố đều nhỏ và đầy bóng cây xanh, núi Bình San nằm giữa thành phố cũng mang một màu xanh biếc của cỏ cây. Mình chỉ có mấy tiếng “quá cảnh” ở Hà Tiên rồi di chuyển ra Phú Quốc, nhưng vẫn may mắn đủ thời gian viếng thăm 3 ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Tiên, bởi chúng nằm khá gần nhau, khoảng cách đều chỉ từ vài trăm mét đến 1km mà thôi. Nếu có dịp đến thành phố yên bình này, các bạn đừng bỏ lỡ dịp thăm viếng những ngôi chùa tuyệt đẹp này nhé.