Ghé Hoài Nhơn thăm làng nghề làm chiếu cói

40

Bình Định, một vùng đất vốn dĩ được biết tới với vùng đất võ Tây Sơn và nhiều làng nghề nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến là làng nghề dệt chiếu cói tại xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đây là một nghề truyền thống của địa phương. Với lịch sử hình thành hơn 200 năm tại vùng đất xứ dừa Hoài Nhơn, làng nghề làm chiếu cói đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.

Hầu hết các hộ gia đình ở đây gắn bó với nghề trồng cói và dệt chiếu cói từ lâu, nghề dệt chiếu cói truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài thôn Chương Hòa, tại Hoài Nhơn còn có một số thôn có truyền thống dệt chiếu như chiếu Gia An, chiếu Quy Thuận, chiếu Gia An Đông,… Cũng từ đó người dân có câu:

“Chiếu Gia An anh trải em nằm
Phải duyên chồng vợ trăm năm anh chờ…”

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Cói bông nâu

Để có được những chiếc chiếu thành phẩm, người dân sẽ trồng cói và thu hoạch hai mùa mỗi năm nếu thuận lợi sẽ được ba mùa, trong đó vụ chiêm rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 và vụ mùa kéo dài từ tháng 7 đến giữa tháng 9. Những ngày mình ghé thăm, cánh đồng cói đang vào mùa phát triển nên chiều cao chưa đạt đến ngưỡng thu hoạch. Vì là một làng nghề nên khi đi trên đường quốc lộ 1 qua địa bàn của các xã, ngoài những ruộng lúa sẽ xen kẽ những cánh đồng cói trải dài.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Cánh đồng cói Gia An Đông

Cói còn gọi là lác, loại cây thân thảo, mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc trồng ở những ruộng bị nhiễm phèn chua. Cánh đồng cói ở Hoài Nhơn sẽ gây ấn tượng mạnh với mọi người bởi màu xanh xen lẫn màu nâu nhạt của hoa cói tựa như một tấm lụa. Với diện tích gần 50ha trồng cói, bạn sẽ cảm nhận được độ rộng lớn của khu vực trồng cói tại đây. Đứng giữa cánh đồng cói, bạn thấy một chút an yên, nhẹ nhàng với khung cảnh vùng quê yên bình Hoài Nhơn. Có thể thấy rằng người dân Hoài Nhơn đã có một hành trình biến vùng đất bị nhiễm phèn chua ở xứ dừa thành một cánh đồng cói bạt ngàn, vượt qua nghịch cảnh của thiên nhiên.

Cói sau khi thu hoạch sẽ được người dân chọn các sợi cói đảm bảo chất lượng đem chẻ và phơi khô dọc bờ hoặc lề đường hoặc bãi đất trống sẽ được trưng dụng cho tới khi sợi cói được phơi đủ nắng để sợi cói bền và chắc, thường thì khi sợi cói đã khô chừng 70% sẽ là lúc người dân bắt đầu thu gom lại. Nếu cói dính phải nước mưa thì sợi cói sẽ bị giảm giá trị và mất mã rất nhiều, không cho ra sợi cói bền nhất. Sau đó người dân sẽ chia cói ra để nhuộm hoặc không nhuộm.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Những sợi cói sót lại bên đường

Chiếu cói ở Hoài Nhơn có hai loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn thì được dệt từ cói trắng mộc mạc, bình dị. Còn chiếu hoa thì được dệt từ các sợi cói trắng xen kẽ các sợi cói đã được nhuộm màu để tạo ra một chiếc chiếu có hoa văn độc đáo, thậm chí là theo mẫu của người thu mua. Chiếu hoa ở làng chiếu cói Hoài Nhơn có các loại như: chiếu rằng, chiếu hoa râm, chiếu gấm, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu long phụng, và có một loại chiếu từng đạt giải thưởng tại Hội chợ toàn quốc năm 1986 là chiếu cổ lồi có hoa văn nổi.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Những bó cói của mùa vụ trước được bó lại

Các sợi cói được nhuộm các màu như: đỏ, vàng, xanh lá, tím là chủ yếu. Người thợ sẽ nấu phẩm màu trong một nồi to rồi nhúng từng bó cói vào đó cho màu đều và thấm vào từng sợi cói để lên màu đẹp nhất rồi mang đi phơi một lần nữa cho khô rồi sau đó mới mang đi dệt.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Một chiếc chiếu được dệt các ô vuông xen kẽ màu sắc và những bó cói đã nhuộm màu

Vốn dĩ nghề dệt chiếu cói được dệt thủ công, tuy nhiên nhờ máy móc phát triển nên các hộ gia đình ở địa phương đã dùng máy để tiết kiệm sức lao động với mối chiếc chiếu dệt máy chỉ khoảng 40 đến 50 phút, trung bình mỗi ngày một người thợ có thể làm ra 10 đến 15 chiếc chiếu mỗi ngày. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ dệt chiếu theo phương thức truyền thống nhưng số lượng rất ít.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Máy dệt chiếu của một hộ dân

Đối với các loại chiếu hoa, người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ ghép từng sợi cói đã được nhuộm màu để cho ra hình thù theo đúng các mẫu đã được đặt, hoặc tự làm ra những mẫu chiếu mới. Thật vậy, khi nhìn vào máy dệt với cả trăm cuộn chỉ được sắp xếp, phải là một người thợ lành nghề thì mới hiểu được cách thức hoạt động, cũng như đưa sợi cói vào sao cho đẹp. Thường chiếu hoa ở giữa sẽ có chữ thọ, chữ song hỷ hoặc chữ trăm năm hạnh phúc… ở bốn góc sẽ được dệt các hình tứ linh hay các hoa văn lớn, hoặc đơn giảm chỉ là các ô màu xen kẽ.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Những cuộn chỉ được sử dụng để dệt chiếu

Chiếu dệt xong sẽ được cắt biên cho gọn và đem chiếu đi phơi thêm vài nắng nữa cho chiếu khô ráo trước khi chào bán.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Một chiếc chiếu đang được dệt dang dở

Hiện nay, mỗi tấm chiếu cói thành phẩm được bán ra thị trường với giá dao động từ 80.000 đến 150.000 đồng tùy theo kích cỡ. Chiếu cói không đơn thuần có giá trị về mặt sử dụng mà còn có giá trị văn hóa và là một trong những sản phẩm đặc trưng của người dân Bình Định.

Các sản phẩm chiếu cói của Hoài Nhơn được khách hàng rất ưa chuộng, chiếu cói Hoài Nhơn đã được xuất sang các thị trường như Đông Âu, Đông Nam Á và các khu vực miền Trung, Tây Nguyên mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập tương đối.

Tuy nhiên với sự phát triển ngày nay, chiếu cói phải cạnh tranh với các loại chiếu khác như chiếu ni lông, chiếu trúc… Mặc dù lợi nhuận không cao, tuy nhiên vì muốn giữ được cái nghề, cái tinh hoa mà ông bà để lại tránh bị mai một mà người nông dân vẫn kiên trì bám trụ với nghề.

làng nghề chiếu cói Hoài Nhơn

Khu vực sản xuất chiếu của người dân

Nếu được đến đây vào đúng mùa thu hoạch cói, mọi người sẽ được trải nghiệm khung cảnh gặt cói từ tờ mờ sáng đến lúc màn đêm vừa buông xuống, tất thảy các công đoạn làm chiếu sẽ được người dân thực hiện không ngơi nghỉ.

Hiện nay, để phát triển du lịch tại Hoài Nhơn, các hoạt động tổ chức tour trải nghiệm, khám phá những cánh đồng và tham quan làng nghề truyền thống dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc là một trong những hoạt động nổi bật mỗi mùa gặt cói.

Trong kho tàng ca dao có bài cao dao về nghề dệt chiếu:

Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn
Công em rày mưa nắng gió sương
Chiếu này đi khắp tứ phương
Gởi người quân tử trải giường nghỉ ngơi