Được gì từ một chuyến đi Huế ngẫu hứng không tính toán?

35

Lần nào ghé thăm Huế, tôi cũng bị “mê hoặc” bởi cái nhẹ nhàng đến lạ. Không vội vã và hối hả, nhịp sống ở vùng đất cố đô cứ thế mà xuôi theo dòng Hương… Nhưng tôi đã nghĩ nhiều hơn thế, rằng Huế không chỉ đặc biệt bởi dòng sông của nó, mà Huế níu chân người bởi cái gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Một chuyến đi Huế không tính toán? Đó chính là chuyến đi tự dựng, không kế hoạch và cả không “dự báo thời tiết”. Ba giờ chiều, tôi đáp xuống sân bay Phú Bài, xứ mộng mơ đón tôi bằng một điều cũng rất mộng mơ, đó là trận mưa dầm dề do ảnh hưởng của bão Sơn Ca.

du lịch Huế

Mấy đoạn đường gần kênh ngập nặng.

Lội nước đến homestay, mình mẩy tôi ướt như chuột lột. Từ chiều cho đến tối chỉ biết ngủ chứ chẳng đi được đâu. Báo đài bắt đầu đưa tin về tình trạng ngập lụt nặng của Huế, ngập diện rộng, nhiều đoạn nước sâu chẳng thể đi. Tôi bàng hoàng tưởng chừng vỡ mộng về một chuyến đi Huế tuyệt vời… Nhưng mà nếu vậy thì còn gì để kể nữa đúng không? Mưa mãi đến tận chiều hôm sau cũng ngớt, trời có chút nắng, đường xá cũng dần hanh thông. Mừng thay, cuối cùng tôi đã có thể tận hưởng thành phố này rồi.

du lịch Huế

Một góc phố cũ.

Tôi liền xách mày đi bộ dạo phố, cái không khí của Huế sau mưa thích cực. Lành lạnh, tươi mát và thoáng đãng, một cảm giác rất Huế chẳng thể lẫn vào đâu. Bắt đầu từ ngã tư Nguyễn Trường Tộ với Phan Đình Phùng, tôi ghé quán Cà phê Gác Trịnh làm mưa làm gió từ tác phẩm “Em và Trịnh”. Thật như thước phim, không gian quán đậm chất vintage, từ chiếc ghế, cái bàn cho đến góc ban công nhỏ… như kéo ta về với thành phố của ngày xưa. Thơm lừng! hiện tại níu tôi lại bởi xe bánh ram, bánh chuối chiên phía bên kia đường.

du lịch Huế

Gác Trịnh bình yên.

du lịch Huế

Xe đồ chiên nghi ngút khói.

du lịch Huế

Sông Hương mùa nước nổi.

Ra đến Lê Lợi, con đường dọc sông Hương càng nên thơ với những hàng me xanh, thi thoảng có gió là lá rơi một trời. Mưa lớn nên nước sông Hương dâng cao và đục ngầu. Cũng nhờ dịp này mới thấy, nó chảy có vẻ dữ dội, khác hẳn cái đằm thắm hàng ngày. Từ xa đã trông thấy mái trường Quốc Học đo đỏ nổi bật hẳn. Trải qua hơn 120 năm lịch sử, Trường Quốc Học là di sản kiến trúc mang đậm dấu ấn Pháp vào đầu thế kỉ XX, luôn thu hút với vẻ đẹp độc đáo và cổ kính, trầm mặc.

du lịch Huế

Cổng trường Quốc Học Huế.

Về chiều, tôi ngồi xích lô ra nội thành. Không kịp để trải nghiệm hết một vòng Đại Nội Huế, nhưng chỉ nhìn từ bên ngoài thôi cũng đã thấy được sự đồ sộ của nó rồi. Nếu bờ Nam là sự nhộn nhịp với công trình hiện đại thì bờ Bắc là nơi của Kinh Thành, lăng tẩm tĩnh lặng và trang nghiêm. Cuộc sống trong thành có lẽ cũng vì vậy mà ít đi phần hối hả. Tôi có nghe được một điều rất hay, rằng mọi công trình bên trong thành từ nhà dân cho đến trường học… đều phải thấp hơn chiều cao của Hiển Lâm Các trong Đại Nội.

du lịch Huế

Đông Khuyết Đài – Kinh Thành Huế.

du lịch Huế

Cửa Hiển Nhơn.

du lịch Huế

Người dân thả vó cá ở Kim Thủy bao quanh thành.

Từ cửa Hiển Nhơn phía Đông thành rẽ phải, tôi ghé quán chè Mợ Tôn Đích trước Công viên Thương Bạc. Đây là một trong những quán chè nức tiếng ở xứ Huế, bởi hương vị đặc trưng khó quên. Thâm niên lâu năm, chè Mợ Tôn Đích bán chè Huế gia truyền với nhiều loại chè khác nhau. Đặc biệt nhất không thể không kể đến là món chè bột lọc heo quay. Một sự kết hợp giữa vị ngọt của đường với vị mặn của heo quay, vị bùi bùi của bột lọc, tất cả đã tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo. Chè khoai, chè bắp, chè thập cẩm, trái cây… của quán cũng thơm ngon không kém, giá thành lại vô cùng bình dân. Bạn còn có thể thưởng thức chè Mợ Tôn Đích ở chi nhánh hai – 45 Lê Lợi.

du lịch Huế
du lịch Huế

Chè Mợ Tôn Đích.

Ăn ly chè chưa thôi, Huế lại mưa. Mưa tháng mười là mưa đầu mùa, bởi vậy mà đỏng đảnh, khi dầm dề vài bữa, khi dội ào ào rồi tạnh ngay. Mà tranh thủ ngắm Huế mưa cũng có cái hay, trên những con đường lấm tấm mưa bay, càng cảm nhận được cái mộng mơ và đằm thắm. Vừa đi vừa như nghe văng vẳng câu hát quen: “Chiều mưa trên Kinh Đô Huế, tiếng mưa còn vương kỷ niệm. Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ, anh còn nhớ không?”.

du lịch Huế

Phố mưa nên cũng vắng hẳn người.

Bữa tối tôi ghé Quán Hương – Bèo Nậm Lọc Cung An Định Gia Truyền ở kiệt 177 Phan Đình Phùng. Đặc sản dân dã này của Huế đâu đâu cũng thấy, nhưng với tôi thì ngon và đúng điệu nhất vẫn là ăn ở chỗ này. Một mâm bánh dọn ra nóng hổi đầy đủ Bèo, Nậm và Lọc. Chiếc bánh Bèo nhỏ tròn được làm từ bột gạo, thêm vị ngọt của tôm cháy và giòn rụm tóp mỡ. Cũng từ bột gạo, Bánh Nậm mềm mềm với nhân tôm thịt băm nhỏ. Riêng với bánh Lọc lại deo dẻo bột năng và gói trong lớp lá chuối xanh. Tinh túy của cả ba chính là đều ăn kèm nước mắm ngọt cay chuẩn gốc Huế, nếu thiếu nó thì món bánh không thể trọn. Trong thì giống nhau đó, nhưng mỗi thức lại là một hương vị riêng biệt đặc trưng.

du lịch Huế
du lịch Huế

Món Huế dân dã mà tinh túy.

Nhanh thật, vài giờ nữa là phải rời Huế rồi. Tranh thủ còn làm gì được thì làm, tôi với mấy đứa bạn ra ngồi ở một góc phố ăn đêm. Khúc này ở sau Lưng Nhà Hát Lớn Thành phố, đủ quán đủ món dọc vỉa hè. Thích thật! Khoai lang nướng, cá nướng và hột gà… thêm ly sữa đậu nành nong nóng béo ngậy, cứ thế nhâm nhi chuyện trò thì còn gì tuyệt vời hơn.

du lịch Huế
du lịch Huế

Quả là mấy gánh hàng vặt vỉa hè luôn có sức hút.

du lịch Huế

Ta nói đồ ăn Huế vừa rẻ lại vừa ngon!

Dưới bóng cây sứ cùng ánh đèn mờ, trong làn gió se lạnh và màn đêm Huế, lòng tôi bắt đầu bồi hồi không nguôi. Có chút giận hờn vì không thể đi nhiều như dự định, có chút nuối tiếc thành phố tuyệt vời này, nuối tiếc cả một đêm Huế còn dở dang.

11h30 phút, qua ô cửa máy bay, Huế mờ dần, mờ dần rồi vụt mất. Bây giờ, tất cả chỉ còn là những kí ức rất đỗi thân thương. Kí ức về cảnh quan, không khí và cả hương vị của riêng Huế, mà chẳng thể tìm được ở bất cứ nơi nào!