Ở những đô thị lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh những toa tàu lèn kín người giờ tan tầm, những con phố nhậu với ánh đèn xanh đỏ không bao giờ tắt hay những đoàn người hối hả rảo bước chân khi qua đường ở những ngã tư lớn,… Sống ngót nghét gần hai chục năm tại Hà Nội, mặc dù không thể sánh với những thành phố lớn tại Nhật Bản như Tokyo, Osaka hay Nagoya, nhưng khói bụi thành phố và những kiến trúc bê tông đã khiến mình mất dần kết nối với thiên nhiên. Nhưng thật may mắn rằng ở những năm tháng tuổi trẻ cuộc đời, mình được trao cơ hội “healing” chữa lành tận 1 năm tại một vùng miền quê tại Nhật Bản, đó là . Tại một năm học trao đổi này, mình đã được sống gần thiên nhiên, mỗi ngày trôi qua đều thật ý nghĩa và yên bình. Sau nhà là rừng và trước mặt là sông, mỗi ngày đều đạp xe đi học, thi thoảng đi đây đó và trải nghiệm văn hóa tại địa phương.
Thành phố Kumamoto rất bé, nếu so sánh chắc chỉ bằng một quận tại Hà Nội. Cả thành phố chỉ có một khu Shotengai (khu phố bao gồm các cửa hàng mua sắm, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi,…) sầm uất nhất, và nếu so sánh thì chắc cũng chỉ bằng một phố shotengai bất kì trong vô vàn những con phố Shotengai ở Tokyo. Thế nhưng, thành phố Kumamoto lại là nơi đầu tiên mình tới khi đặt chân đến Nhật Bản, vậy nên với mình, Kumamoto chính là một xã hội Nhật Bản thu nhỏ dù chưa lột tả được hết. Trong bài viết lần này, mình muốn giới thiệu đến mọi người một số địa điểm không nằm ở trung tâm thành phố Kumamoto, và những địa điểm này đều mang lại cảm giác vô cùng thôn quê, dù chỉ cách khu phố shotengai sầm uất kia chỉ tầm 3 đến 4 km.
Tòa nhà gạch đỏ, nay là Đại học quốc lập Kumamoto, đại học danh giá nhất tại tỉnh
Sông Shirakawa
Một địa điểm đầu tiên phải kể đến ở thành phố Kumamoto chính là con sông dài Shirakawa bắc ngang qua thành phố. Ngay trước cổng nhà mình ở chính là sông Shirakawa. Điểm đặc biệt ở đây là màu nước mỗi ngày sẽ thay đổi hệt như dòng sông cũng thay quần áo mỗi ngày vậy. Đôi khi sáng và chiều là hai bộ khác nhau, nên mỗi lần đi học mình đều chọn đạp xe ở con đường quanh bờ sông để xem hôm nay sông có màu gì. Thi thoảng buổi chiều khi đi học về, mình cũng hay dựng xe đạp một chỗ và mua sandwich ở cửa hàng tiện lợi gần đó rồi ngồi bên sông ngắm hoàng hôn. Khi xem những bộ phim tình yêu học đường của Trung hay Nhật, nhìn những cặp đôi chở nhau bằng xe đạp dọc quanh bờ sông, hay những chỗ trốn thế giới bí mật của nhân vật chính trong phim thì mình rất ngưỡng mộ và ghen tị. Khi ở Hà Nội, mình khó có thể tìm được những nơi như thế, nhưng khi ở Kumamoto, những nơi như thế rất dễ tìm bởi nơi đây đất rộng nhưng không có quá nhiều người sinh sống. Vậy nên nếu ai muốn đi trốn thế giới, “tắm rừng” ở nơi thôn quê thì Kumamoto rất phù hợp.
Sông Shirakawa và bầu trời buổi chiều những ngày đầu đông. Bên bờ bên kia là rặng cây ginkgo (rẻ quạt) chuẩn bị thay lá – Du lịch Kumamoto.
Sông Shirakawa và bầu trời buổi sáng những ngày đầu đông. Bầu trời trong xanh nên nước sông cũng phản chiếu màu xanh như nước biển, dương mắt nhìn xa có thể nhìn thấy cả dãy núi Aso.
Khu vườn Suizenji Jojuen
Địa điểm: Số 8-1 Suizenji Koen, quận Chuo, thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto.
Khuôn viên khu vườn mang đậm lối trang nhã kiểu vườn truyền thống của Nhật Bản – Du lịch Kumamoto.
Một địa điểm không thể bỏ qua khi Du lịch Kumamoto đó là khu vườn Suizenji Jojuen. Đây là một khu vườn này được xây dựng theo yêu cầu của lãnh chúa Hosokawa Tadatoshi (1586–1641), người nắm quyền kiểm soát vùng đất Higo ( xưa kia có bao gồm tỉnh Kumamoto) vào năm 1632. Ông đã cho xây dựng một ngôi chùa Phật giáo tên là Suizenji và một trà quán ở đây vào những năm 1630. Chính vì vậy, khu vườn này được lấy theo tên của ngôi chùa, và ngày nay trong khuôn viên vườn vẫn còn một phòng trà được bài trí vô cùng trang nhã.
Đền Izumo bên trong khuôn viên khu vườn. Mình đến đây vào một ngày khá âm u nên những bức ảnh được chụp tại đây khá tối – Du lịch Kumamoto
Lối dẫn đến khu xem kịch Noh truyền thống. Mỗi năm vào dịp hè tháng 8, sẽ có buổi biểu diễn kịch Noh, loại kịch ra đời sớm nhất và cổ xưa nhất của Nhật Bản. Khách với kịch Kabuki, kịch Hyogen mang tính giải trí nhiều hơn thì kịch Noh thấm đẫm tư tưởng, giá trị tôn giáo. Rạp kịch chỉ mở cửa vào tháng 8, nên những ngày thường đến sẽ không thể thấy sân khấu bên trong.
Bảo tàng hai thiên tài văn học tại Kumamoto
Địa chỉ: Bảo tàng tưởng niệm trường trung học (Memorial museum of Fifth high school): Số 2-40-1 Kurokami, quận Chuo Ward, thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto.
Căn nhà cũ Oe của Natsume Soseki (Former Oe Residence of Natsume Soseki)
Kumamoto trong quá khứ là vùng đất được nhiều nhân tài văn chương chọn lựa làm nơi sinh sống, một trong số đó phải kể đến nhà văn Lafcadio Hearn và nhà văn Natsume Soseki. Mặc dù có xuất thân, gốc gác khác nhau nhưng cả hai thiên tài văn chương đều có những nỗi niềm riêng đầy đau đớn về thời đại khi chuyển đến sinh sống tại vùng đất này.
Tòa nhà gạch đỏ được phục dựng lại sau ảnh hưởng nặng nề của trận động đất, là nơi diễn ra những bài giảng của hai nhà văn nổi tiếng là Lafcadio Hearn và nhà văn Natsume Soseki (Ảnh chụp tại Memorial museum of Fifth high school).
Bên trong căn nhà gỗ là những bức tranh thư pháp, những bản thảo văn chương và những bức tranh chân dung những vị thầy giáo nổi tiếng tại vùng (Ảnh chụp tại Former Oe Residence of Natsume Soseki).
Nhà văn Lafcadio Hearn, nhà văn người Mỹ gốc Hy Lạp đã sống 15 năm ở Nhật Bản, nổi tiếng với tác phẩm “Kwaidan” (câu chuyện về yêu ma quỷ quái trong văn hóa dân gian Nhật Bản), là một người yêu thích và ham mê những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa. Ông đã kết hôn với một người phụ nữ Nhật, nhập quốc tịch Nhật và có bút danh tiếng Nhật là Koizumi Yakumo.
Trước khi chuyển đến sống tại Kumamoto, Hearn đã có thời gian sinh sống tại Matsue tỉnh Shimane, nơi được mệnh danh vùng đất của các vị thần bởi đây là bối cảnh khai sinh ra những câu chuyện thần thoại về các vị thần cổ đại. Tỉnh Shimane là nơi vô cùng thích hợp để nhà văn tìm hiểu văn hóa truyền thống Nhật Bản, tuy nhiên nơi đây có khí hậu rất khắc nghiệt về mùa đông. Chính vì vậy, sau khi kết hôn, ông đã nảy ra ý tưởng chuyển đến vùng đất phía nam, nơi có khí hậu ấm áp hơn Shimane. Tại đây, ông phụ trách dạy tiếng Anh và tiếng Latinh tại trường trung học (The Fifth high school, nay là đại học Kumamoto). Những tưởng đó là một vùng đất hứa hẹn cho tương lai, nhưng khi chuyển đến nơi, Lafcadio Hearn đã vô cùng bối rối khi nhận ra đây là một thành phố đang trong quá trình hiện đại hóa, là nơi có sự lộn xộn, pha trộn giữa những giá trị cũ và mới, văn hóa phương Tây và phương Đông.
Đại văn hào Natsume Soseki, một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản, cũng không tránh khỏi những nỗi niềm riêng về vùng đất này.Nhà văn đã sống ở 6 ngôi nhà khác nhau trong suốt 4 năm 3 tháng sinh sống tại Kumamoto. Ochiai Tokaku, một người bạn đã cho Soseki mượn căn nhà này khi ông đang làm việc ở Tokyo. Chuyến đi của Soseki từ ngôi nhà này đến thành phố Tamana đã trở thành chủ đề cho cuốn tiểu thuyết “Kusamakura” (Gối đầu lên cỏ) của ông. Tuy nhiên, trái ngược với Lafcadio Hearn phản đối Kumamoto vì nơi đây đã lãng quên những giá trị truyền thống khi tiếp nhận nền văn minh mới, thì đối với Natsume Soseki, ông chỉ đơn giản không thích Kumamoto vì nơi đây không phát triển, nhộn nhịp như ở Tokyo hay Osaka. Soseki rất tuyệt vọng muốn được quay lại vùng thủ đô để tập trung cho sự nghiệp sáng tác của mình.
Ở phía góc dưới cùng bên trái bức ảnh có bức chân dung của Lafcadio Hearn và Natsume Soseki có mũi tên hướng đến Bảo tàng tưởng niệm trường Trung học.
Bảo tàng Thủ công Dân gian Quốc tế Kumamoto (Kumamoto International Folk Craft Museum)
Địa chỉ: Số 1-5-2 Tatsuta, quận Kita, thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto (Phía sau bãi đậu xe của đền Sannomiya).
Thời gian: 10h00 ~ 16h00
Giá vé: 400 yên (~ 68.000 VND)
Ngày nghỉ: Thứ hai hàng tuần, Tháng 1, Tháng 8, Tháng 12
Bảo tàng khá khuất nên mọi người hay tìm đền Aso Sannomiya trước, đền nổi bật với cổng Torii vô cùng cao lớn màu cam nâu. Sau khi đi qua cổng Torii, đi được một đoạn sẽ thấy có biển chỉ dẫn lối sang bảo tàng.
Bảo tàng Thủ công Dân gian Quốc tế Kumamoto sẽ là một điểm đến tuyệt vời cho chuyến du lịch Kumamoto. Bảo tàng trưng bày những món đồ gia dụng hàng ngày vô cùng đẹp, có tính thẩm mỹ cao và được chế tác bởi những người bình thường trong cuộc sống,không phải là nghệ nhân. Ngày xưa tại Nhật Bản, cụm từ 民藝 mingei (民: dân thường, dân đen; 藝: nghệ thuật) không được mọi người biết đến rộng rãi, tuy nhiên nhờ có trào lưu tư tưởng của Yanagi Soetsu mà trở nên phổ biến. Ông là một nhà triết học, mỹ hoc; người nâng niu vẻ đẹp, trân trọng tính thẩm mỹ của những giá trị tầm thường được tạo ra bởi những con người vô danh. Cụm từ Mingei Movement, Beauty of use(用の美) cũng rất phổ biến khi nhắc đến Yanagi Soetsu. Bảo tàng này do Kichinosuke Tonomura xây dựng. Là người rất ngưỡng mộ tư tưởng của Yanagi và đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và học hỏi.
Bảo tàng khá nhỏ, vật trưng bày hầu hết là đồ sư tập cá nhân. Đây là khu trưng bày các loại đồ chơi đến từ các quốc gia khắp nơi trên thế giới.
Đồ chơi truyền thống của trẻ em Nhật Bản ngày xưa – Du lịch Kumamoto
Nhân đây mình cũng muốn kể lại mối nhân duyên ấn tượng nhất khi mình đến đến bảo tàng này. Hôm mình đến thăm bảo tàng, do đã đọc trước những thông tin về tư tưởng của Yanagi Soetsu nên mình rất hào hứng. Bảo tàng rất vắng và ít khách thăm quan, nhân viên lễ tân, chắc phải ngang tuổi bà mình, nhận thấy mình là người nước ngoài nên đã dẫn mình đi khắp bảo tàng và tìm kiếm món đồ được gia công tại Việt Nam. Khi mình hỏi một số thông tin về sản phẩm trưng bày thì bà không nắm được nhiều. Tuy nhiên, có một ông bác đang ngồi gần đó đứng dậy và giải thích những sản phẩm đó ngày xưa được dùng làm gì, dùng như thế nào. Hai bà cháu lại lẽo đẽo theo chân ông bác khắp bảo tàng để nghe thuyết minh và gật gù trước kiến thức siêu uyên bác đó. Sau khi trò chuyện mới biết ông bác cũng rất ngưỡng mộ những nét đẹp truyền thống và có một xưởng nhuộm vải kimono tại Kyoto. Ông bác đưa danh thiếp mời mình lên Kyoto chơi và còn tặng mình một chiếc cốc gốm khá đắt mà mình không dám chi mạnh tiền đến vậy.
Trải nghiệm làm quả bóng Higomari (nên gọi điện đặt trước với nhân viên bảo tàng để họ chuẩn bị dụng cụ cũng như liên lạc với giáo viên hướng dẫn). Những sợi chỉ được nhuộm bằng thuốc nhuộm thực vật tự nhiên, được quấn quanh lõi vỏ cây linh sam để tạo ra những họa tiết hình bông hoa phức tạp.
Thành quả đây!!! Higomari được sử dụng làm đồ chơi và đồ trang trí năm mới cho lễ hội Hinamatsuri (Lễ hội búp bê, hay ngày của bé gái). Ban đầu chỉ là một quả bóng trắng tinh, sau đó các mui kim sẽ được cắm ở những điểm cố định trên quả bóng và từ đó lặp lại việc móc nối các sợi chỉ để được họa tiết như trong hình.
Higomari được trưng bày bên trong bảo tàng. Bên trên chỉ là trải nghiệm làm Higomari cho những người mới nên họa tiết không quá phức tạp như trên hình.
Khi tra cứu những thông tin bằng tiếng Việt, mình nhận thấy có rất ít thông tin và có vẻ như đây là một tỉnh thành chưa quá phổ biến với người Việt. Mình hy vọng qua những bài viết về tỉnh Kumamoto, mọi người sẽ có thêm cho mình những lựa chọn hay ho, những trải nghiệm văn hóa mới mẻ khi du lịch Nhật Bản.