Bạn có phải là người thích xê dịch khám phá những miền đất lạ không? Ngày nay có những bạn trẻ không cả cần tới túi tiền, cũng vẫn có thể lang thang khắp thế giới, trải nghiệm bao nhiêu nền văn hóa khác nhau, chiêm ngưỡng bao nhiêu cảnh quan đẹp trên thế giới. Gặp gỡ bao nhiêu người thú vị. Tuy nhiên, cái được của truyền thông hiện nay là: bạn ngồi nhà, đọc các bài viết của những kẻ ham rong chơi, hoặc xem tivi cũng có thể thấy được cả thế giới. Có thể mỗi tháng 1 lần, chúng ta cũng sẽ khám phá 1 miền đất không?
Mình cũng là một người thuộc “ chủ nghĩa xê dịch”. Trong những đất nước đã đặt chân đến, mình sẽ kể cho các bạn nghe về vùng đất Kashmir nhé.
Vẻ đa dạng của Bắc Ấn Độ
Tuy nhiên, trước khi đặt những bước chân đầu tiên tới du lịch Kashmir, hãy tạm gác đôi giày lại để tìm hiểu về đất nước lớn mạnh Ấn Độ. Đây là một quốc gia đa dạng về mọi mặt, từ dân số đông đúc đến ngôn ngữ, tôn giáo và thời tiết. Ấn Độ không chỉ nổi tiếng với Himalaya mà còn là một nơi giao thoa của các tôn giáo lớn trên thế giới.
– Là một quốc gia độc lập cổ đại ở Nam Á. Về dân số, đứng thứ hai thế giới, thứ bảy về quy mô lãnh thổ. Trong giai đoạn từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, Ấn Độ là thuộc địa của Đế quốc Anh. Giành được độc lập năm 1947. Cũng vì thế, là quốc gia có số lượng người nói tiếng Anh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Hoa kỳ.
– Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều có đại diện ở Ấn Độ. Có tới 5 tôn giáo được sinh ra trên lãnh thổ của đất nước này: Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jain, đạo Sikh và đạo Baha. Ngoài ra, đại diện của tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng có thể sống ở đây. Gần đây, thậm chí một nhà thờ Cơ đốc chính thống giáo đã được mở gần Chennai.
– Khí hậu của Ấn Độ trải dài khắp các đới từ xích đạo đến bắc cực. Điểm cao nhất ở Ấn Độ là núi Kanchejunga (8560 m), cao thứ 3 trên thế giới, sau Everest và Chogori (K2). Chênh lệch độ cao tuyệt đối ở Ấn Độ là 8500 mét. Từ mực nước biển đến đỉnh Kanchenjunga.
– Ở vùng xa nhất về phía bắc của Ấn Độ, tại thị trấn Dras, nhiệt độ thấp kỷ lục là -57 độ. Người theo đạo Hindu coi nơi này lạnh nhất trên thế giới sau Yakutia.
– Ấn độ theo lịch Hindu, có 6 mùa: Xuân, hạ , thu, đông , mùa gió mùa và mùa trước mùa đông. Những đổi thay từ tuyết trắng, cây xanh , biển biếc, đến cái nóng nung người và cảnh đẹp, muôn sự lạ đến phải bật lên xuýt xoa.
Hiểu về các điều này để bạn không bị bất ngờ trên cung đường, khi cảnh vật và khí hậu thay đổi dần rất khác biệt. Mỗi giây phút đi trên đường lại là những ngỡ ngàng thú vị khám phá những điều mới lạ khi du lịch Kashmir.
Người viết cùng cả đoàn khi đến sân bay Kashmir – Du lịch Kashmir
Trải nghiệm khám phá vùng Jammu & Kashmir
Chuyến du lịch Kashmir bắt đầu với sự chào đón ấm áp: "Welcome to Kashmir – Thiên đường trần thế." Đoàn chúng mình là nhóm bạn chơi với nhau khá lâu năm, cùng đồng hành trên nhiều cung đường. Chuyến đi theo kiểu du lịch tự túc với một hành trình linh động chứ không có mua tour. Hãy cùng khám phá vài địa điểm thú vị trên miền đất tươi đẹp này nhé.
Đầu tiên là thành phố Srinagar, tọa lạc dưới thung lũng Kashmir, được mệnh danh là chiếc vương miện của bang Jammu & Kashmir (Ấn Độ), nằm ở độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Từ tiếng Phạn, "Srinagar" bao gồm hai từ: "Sri" (có nghĩa là "dồi dào", "giàu có") và "Nagar" (có nghĩa là một "thành phố"). Do đó, Srinagar có nghĩa là một nơi giàu có và trù phú, cũng là tên của một vị nữ thần trong đạo Hindu.
Tiếp theo là lưu vực sông Jehlum và các thung lũng dọc sông Lidder, được gọi là "Apple Valley" với những cánh đồng trái cây ngọt ngào.
Chúng ta không thể bỏ qua Pahalgam – một thị trấn bên sông tuyệt đẹp và Paradise Kesar, nơi có những ngôi làng chuyên trồng Saffron (nghệ tây) loại gia vị đặc biệt đắt nhất thế giới.
Một góc tuyệt đẹp của Lưu Vực Sông Jehlum và các thung lũng dọc sông Lidder
Come as a tourist – Go as a friend
Jammu and Kashmir (J&K) tỏa sáng với ba vùng chính: Jammu, thung lũng Kashmir và Ladakh. Ở đây, bạn sẽ được đắm chìm trong vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời và thử nghiệm hương vị đa dạng của ẩm thực Kashmir.
Come As A Tourist Go As A Friend
(Hãy đến như một du khách – Đi như một bạn hữu)
Đây là câu khẩu hiệu được đăng ở các bảng hướng dẫn tham quan của du lịch Kashmir. Việc đọc các câu khẩu hiệu dí dỏm đăng khắp nơi về nhắc nhở công dân và du khách tôn trọng thiên nhiên, môi trường… là một cảm giác thích thú và quen thuộc. Ai từng đi sẽ rất nhớ Bhutan.
Để ví dụ một câu khác nè "We have forgotten how to be good guests, how to work lightly on the earth as its creatures do"… Tạm dịch “Chúng ta đã quên mất cách trở thành những vị khách tốt,làm những công việc nhẹ nhàng có ích trên trái đất này như những sinh vật khác đã từng làm”…
Kashmir cũng như các vùng khác của Ấn Độ sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ phổ thông, các bảng hiệu đều có tiếng Anh nên rất dễ quan sát tìm hiểu xung quanh.
Chúng tôi có 5 ngày để lang thang ở thung lũng Kashmir. Có quá nhiều thứ cần khám phá ở vùng này. Cần phải thưởng thức không khí của Kashmir như nhấm nháp món rượu vang hảo hạng, ngấm và say lúc nào không biết nhé.
Ngày 1: Hai chữ J&K sẽ luôn được lặp lại dày đặc trên các bảng hiệu, tranh tường, bảng chỉ dẫn. Đó là chữ viết tắt của bang Jammu & Kashmir, nơi có vùng tranh chấp lãnh thổ và chiến sự căng thẳng. Điểm nhấn của chuyến bay là cơ trưởng hạ thấp xuống và thông báo cho hành khách nhìn ngắm dãy núi Himalaya hoành tráng. Các đỉnh núi vẫn phủ băng trắng xoá, xen lẫn với những dãy núi đá xám trơ trọi không một ngọn cây. Cảm xúc là mình quá bé nhỏ so với thiên nhiên khi nhìn dãy núi mẹ vĩ đại, nóc nhà của thế giới.
Ấn tượng đầu tiên của điểm đến là khu vực quân sự nghiêm ngặt. Cứ đi vài bước là thấy trang phục quân đội xuất hiện khắp nơi.Đi đâu cũng phải khai báo, khám xét và canh gác. Tuy vậy lực lượng quân sự thái độ hiếu khách nhẹ nhàng chứ không hề hiếu chiến. Tất cả vẫn không ngăn cản mình làm quen, khám phá và cảm nhận thành phố xinh đẹp này, xanh ngắt và sôi động, với những hàng cây Phong già cổ thụ phủ bóng trầm ngâm kể về sự đa dạng văn hoá của J&K. Thấy rõ nhất là trang phục, các biển hiệu đặc trưng, ngôn ngữ địa phương từng nhóm người dân thể hiện ở từng khu vực. Có cả những kiến trúc đặc biệt đan xen, các khu vườn đậm chất Châu Âu như vườn Nishat Bagh hay các nhà thuyền Shikara trên hồ Dal; những ngôi nhà gỗ cổ điển đầy màu sắc hồi giáo của khu thị trấn cổ Srinagar, những cửa tiệm bán thảm dệt bằng lông cừu và khăn lụa nổi tiếng của con đường tơ lụa ngày xưa hoặc các món ăn đậm chất Kashmiri hoặc Tibetan tại nhà hàng địa phương…
Du lịch Kashmir đi đâu cũng thấy các thông điệp về bảo vệ môi trường, hoà bình và tôn trọng thiên nhiên.
Cả đoàn trên đường đi – người chụp Phan Quang Diệu
Ngày 2: Chúng tôi khởi hành đến thị trấn Pahalgam. Thị trấn có những rừng thông tuyệt đẹp nằm ở độ cao 2740m. Theo lý thuyết thì cách Srinagar chỉ gần 100km cho 2,5 tiếng đồng hồ lái xe. Nhưng thực tế mất cả nhiều tiếng vì còn say sưa với các điểm dừng chân bên đường. Thung lũng Kashmir tọa lạc tại phía tây bắc Ấn Độ, phía bắc của bang J&K. Vùng đất này nằm giữa dãy Himalaya và Pir Pa có một hệ sinh thái hết sức ấn tượng. Mình đã có một ngày dài lang thang ở Palgaham để trải nghiệm mạo hiểm với thử thách cưỡi ngựa vượt đồi dốc để vào thung lũng Baisaran. Nơi từ một ngôi làng của những người chăn cừu trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng được ví như "Thuỵ sỹ của Ấn Độ". Những triền dốc dựng đứng trước mắt tôi, ngựa chỉ theo dấu chân cheo leo cũ, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc hành trình này. Tôi nắm chặt cương ngựa, cảm nhận mỗi sự rung động của cơ thể con ngựa khi nó leo qua những dốc đồi đầy thách thức. Da của tôi rộp cả tay khi siết chặt dây cương chỉ sợ mình văng khỏi yên ngựa, nhưng tôi phải thả lỏng cơ thể để duy trì sự cân bằng. Những đoạn đường đầy thử thách này là một phần quan trọng của trải nghiệm du lịch Kashmir. Tôi cảm nhận mỗi sự vượt qua như một thành tựu mới, và cảm giác của sự mạo hiểm và phiêu lưu đang theo kịp từng bước chân của tôi. Cuối cùng, khi chúng tôi đối mặt với một triền dốc dựng đứng khó khăn, tôi biết đó là thời điểm để thể hiện sự quyết tâm. Cuộc phiêu lưu này không bao giờ có thể quên, và tôi sẽ luôn nhớ cảm giác của sự tự do và mạo hiểm khi cưỡi ngựa qua những dốc đồi đầy thách thức tại thung lũng Pahalgam. Để rồi mở ra một thung lũng với bãi cỏ xanh ngắt êm đềm bao quanh là các dãy núi trùng điệp.
Bạn nhớ đừng bỏ qua trải nghiệm này khi đến du lịch Kashmir.
Trải nghiệm cưỡi ngựa tuyệt vời
Ngày thứ ba: Khám phá các thung lũng dọc sông Lidder.
Con sông Lidder này bắt nguồn từ sông băng Kolahoi gần Sonamarg và nhờ có nó, thung lũng Lidder được hình thành. Nó chảy về phía nam băng qua những cánh đồng cỏ ở vùng núi cao của Lidderwat ở vùng Aru. Cái tên Lidderwat được đặt là vì con sông này đi qua nó. Sau đó, nó chạy thêm 30 km nữa (19 dặm) để đến một thị trấn du lịch tên là Pahalgam, tại đó, nó đổ vào hồ Sheshnag rồi chạy về phía tây cho đến khi nó gặp sông Jehlum tại Mirgund Khanabal, gần kề với huyện Anantnag.
Nước sông có màu pha lê hơi xanh đục. Bạn đồng hành cứ đùa là như pha bột vào ấy. Và để cho trọn vẹn thì bọn mình dành khá khá thời gian cho việc ngồi hít thở và ngắm núi, hay hưởng thú tiêu dao với vài ngụm bia bên dòng sông và rừng thông cổ thụ rêu xanh. Dọc lưu vực sông này có nhiều phong cảnh đẹp. Khu vực picnic site có cả những bãi cỏ dọc sông để cuối tuần người địa phương ra camping, nướng BBQ và cả tắm suối.
Thung lũng dọc sông Lidder – Du lịch Kashmir
Ngày 4: Thung lũng Aru tìm các em bé mắt xanh.
Lý do chúng tôi tìm đến thung lũng Aru là vì câu chuyện truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc của của chủng Aryan với nhóm sắc tộc Ấn-Arya và đặc trưng mắt xanh. Nó gợi nhớ tới câu chuyện những người Digan du mục xuất hiện ở Tây Âu vào khoảng năm 1000-1200 sau công nguyên và nói thứ ngôn ngữ Ấn – Aryan… Câu chuyện miên man trải dài về lại lịch sử hàng ngàn năm trước BC với đế quốc Ba Tư hùng mạnh. Dấu ấn của vùng này là đàn dê-cừu chăn thả trên núi đồi thung lũng, những em bé mắt xanh và những căn nhà cổ dọc khu phố chợ còn giữ nguyên các khung cửa sổ gỗ cũ kỹ cùng gạch trần.
Trong lòng vùng Kashmir, nơi tôi được tiếp xúc với những truyền thuyết và câu chuyện cổ xưa, có một truyền thuyết về nguồn gốc của chủng người Aryan mắt xanh. Đây là một câu chuyện kì diệu về sự hình thành và di cư của một dân tộc độc đáo.
Hồi xưa, ở một thung lũng xa xôi của vùng Kashmir, có một thổ dân nhiều mắt xanh và tên gọi là "Người Saphed Chashm," có nghĩa là "Người Mắt Xanh." Họ được cho là nguồn gốc của chủng người Aryan mắt xanh, một trong những dân tộc hiếm hoi trên thế giới.
Theo truyền thuyết, Người Saphed Chashm sống trong sự hòa bình và tương tác chặt chẽ với thiên nhiên. Họ là người yêu thiên nhiên và biết cách duy trì cân bằng với môi trường xung quanh. Mắt xanh của họ được cho là tượng trưng cho sự trong sáng và tinh khiết của tâm hồn.
Tuy nhiên, một ngày nọ, vùng Kashmir bị tàn phá bởi một trận động đất lớn và dòng nước lũ quét. Người Saphed Chashm phải rời bỏ vùng đất của họ để tìm kiếm nơi an toàn. Họ lên đường và di cư qua nhiều vùng đất khác nhau, vượt qua dãy Himalaya và tiến vào các vùng lân cận. Trong cuộc di cư, họ trải qua nhiều gian khổ và khắc nghiệt, nhưng tinh thần và tâm hồn của họ vẫn luôn mạnh mẽ. Cuối cùng, họ định cư ở những vùng đất mới và tiếp tục bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và mắt xanh đặc trưng của họ. Truyền thuyết về Người Saphed Chashm là một phần của di sản văn hóa độc đáo của vùng Kashmir và đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu về nguồn gốc của chủng người Aryan mắt xanh. Câu chuyện này không chỉ là một phần của lịch sử, mà còn là một phần của tinh thần và bản sắc của người Kashmir.
Em bé mắt xanh ở làng Aru – Du lịch Kashmir
Ngày 5: Trải nghiệm tiếp theo ở Srinagar là những ngôi nhà thuyền trên Hồ Dal.
Đi sâu vào lòng hồ, qua những con lạch nhỏ và chợ nổi trên sông, chúng tôi tiến vào một khu hồ sen tuyệt đẹp. Đã đọc rất nhiều về nhà hồ nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng về độ hoành tráng và dày đặc những con thuyền của nó. Từ cuối thế kỷ 19 loại nhà thuyền được cải tiến trông rất cuốn hút này đã được người Anh giới thiệu như nơi ở hoặc khách sạn độc đáo cho người châu Âu, bởi khi đó họ bị Vua Dogra (Vương triều tồn tại từ 1846-1947 ở Kashmir) cấm sở hữu đất đai trong vùng. Nhà thuyền to đùng, dài mỏi chân và lộng lẫy như ngàn lẻ một đêm.
Trước tiên phải nói về hồ Dal, hơi thất vọng vì ô nhiễm và rong tảo quá dày. Cũng đúng thôi, chừng đó căn nhà thuyền ăn ở dày đặc trên hồ thì hỏi sao mà không ô nhiễm được chứ. Nhưng một hệ sinh thái hài hoà vẫn được thiên nhiên điều chỉnh xung quanh. Đám chim quạ lele vẫn bình thản bơi lội trên hồ mặc kệ nhân gian hì hục chèo lướt. Nhưng nếu khéo lựa chọn thì vẫn được ngắm những góc tuyệt đẹp của nó. Hồ Dal – hồ nước nổi bật giữa thung lũng Kashmir được mệnh danh là một trong những hồ đẹp nhất Ấn Độ. Với ba mặt giáp núi nên du khách có thể ngồi trên thuyền chèo chầm chậm trôi trên hồ ngắm cảnh mây nước, núi non hữu tình. Những dãy núi hiện lên trong sương sớm được xem là tuyệt cảnh của thiên nhiên nơi đây mà ai cũng nên thưởng ngoạn một lần.
Và trải nghiệm du lịch Kashmir của chúng tôi là mưa gió sấm chớp đì đùng. Gió rất mạnh khiến tay chèo của các thuyền dạo cảnh hồ không trụ nổi đẩy sát vào nhà thuyền mình đang cư ngụ.Tình cờ như vậy mà làm quen được với một cô gái trong bộ trang phục truyền thống đủ phụ kiện nặng cỡ 20kg, giá tầm 60tr đồng VN đang dạo hồ quay Instagram 11k follower.
Cô gái trong trang phục truyền thống đang quay Instagram trên hồ Dal
Hương vị ẩm thực Kashmir
Ẩm thực của Kashmir là sự pha trộn của các nền văn hoá đa dạng. Vùng Kashmir theo hồi giáo, họ tuyệt đối không ăn thịt heo. Thuộc ấn độ bà la môn nên lại không ăn bò và toàn vị cà ri. Lại có một chút của cách chế biến món tàu. Và hương vị Tibetan cũng có luôn.
Có thể kể các món tạm như vầy:
– Cà ri gà và cừu. Món này ăn với bánh bột mì nướng Naan. Cà ri chọn loại bột butter chicken sẽ không quá nặng vị, ăn khá ngon.Từ nay trở đi lúc nào cũng sẽ gặp món này.
– Sốt mandarin cay kiểu tàu ăn với cơm trắng có cá và gà. Cơm hạt rời và dài. Hạt này chiên lên là đỉnh.
– Cá trout nướng. Một loại cá thuộc họ cá hồi nhưng thịt trắng. Đặc biệt sống ngược dòng ở vùng các con sông băng tan chảy của dãy Himalaya. Hên xui mới có mà ăn. Bữa nay tới nhà hàng thấy biển có cá trout mừng quá gọi luôn.
– Cừu thay bò nên làm đủ các món: viên lại như bò viên. Cuộn thành kebap. Sườn nấu cà ri.
– Món bánh hấp của Tibetan.
– Gà nướng tandoori.
– Rau chủ yếu là hành tây, dưa leo, cà rốt, đậu ve…
Nhớ là người Ấn ăn bốc bằng tay phải nhé. Nhóm mình có những bạn đã từng đi Ấn Độ, nên dặn nhau chuẩn bị sẵn những chiếc thìa nhựa. Tuy nhiên, nếu bạn muốn, nhà hàng vẫn thìa có để phục vụ bạn. Du lịch là phải thế.
Các bạn cũng sẽ làm quen với sữa chua và hạt thì là. Sau bữa ăn hay được dọn các món này để thơm miệng, hỗ trợ tiêu hoá.
Chúng tôi dần quen với bữa ăn phải có chút cà ri, tiếng ê a đọc kinh vào các giờ sáng trưa chiều từ thánh đường hồi giáo văng vẳng. Các công việc có tiếp xúc với du khách hoàn toàn chỉ có đàn ông xuất hiện…Bóng dáng những người phụ nữ mắt đen sâu thăm thẳm thật hiếm hoi.
Dù vậy, vẫn chưa tìm thấy được sự thân thiện hiếu khách, thứ rất khó tìm ở xứ Hồi giáo này.
Xung đột chính trị và tình hình hiện tại
Nhưng không phải chỉ có vẻ đẹp tự nhiên, chuyến du lịch Kashmir cũng dẫn chúng ta khám phá lịch sử và xung đột phức tạp của nơi đây. Từ một tiểu quốc độc lập, Kashmir đã trở thành nơi diễn ra các cuộc xung đột và đang đối mặt với sự phân chia giữa Ấn Độ và Pakistan.
Câu chuyện này không chỉ nói về vùng Kashmir, mà còn về sự phức tạp của tình hình chính trị và xung đột trong khu vực này. Vẻ đẹp và đa dạng của Kashmir song hành cùng sự phân chia và đoạn kết đang tiếp diễn, tạo nên một bức tranh đầy sắc màu cho cuộc hành trình này.
Kashmir từng là một tiểu quốc (princely state) nhỏ bé xinh đẹp nằm giữa Ấn Độ và Pakistan. Tháng 8-1947, khi Ấn Độ và Pakistan không còn là thuộc địa của Anh, theo Luật độc lập Ấn Độ, các tiểu quốc có quyền tự do lựa chọn hoặc sáp nhập vào Ấn Độ, hoặc thuộc về Pakistan.
Kashmir có đa số dân theo đạo Hồi, nhưng tiểu vương Maharaja Hari Singh lại là một tín đồ Hindu giáo.
Không muốn sáp nhập Pakistan cũng như Ấn Độ, tiểu vương Maharaja Hari Singh muốn giữ một Kashmir độc lập nên ký hiệp ước không xâm phạm với Ấn Độ và Pakistan. Thế nhưng cả Pakistan và Ấn Độ đều muốn sở hữu Kashmir nên xung đột xảy ra. Tháng 1-1949, nhờ vào sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến tạm dừng, một đường ranh giới ngừng bắn được lập ra. Nhưng đường ranh giới này vẫn chia Kashmir làm hai phần thuộc kiểm soát của Ấn Độ và Pakistan.
Những dòng lược sử cho thấy dường như trong sự lựa chọn tự do, Kashmir đã gặp định mệnh của mình. Cột mốc năm 1989 là phong trào ly khai, đòi tự trị của Kashmir bùng phát mạnh mẽ.
Hiệp ước độc lập theo điều 370 trong hiến pháp để trao quyền đặc biệt cho Kashmir bị huỷ bỏ bởi Quốc hội Ấn Độ đã thông qua với đa số phiếu tán thành quyết định của chính quyền liên bang. Theo đó chia bang này thành hai vùng lãnh thổ liên hiệp – Jammu và Kashmir, và Ladakh.
Các vùng lãnh thổ liên hiệp được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với các bang, và phải chịu sự cai trị trực tiếp từ Delhi.
Gần 98% dân số nơi này sẽ sống ở vùng lãnh thổ liên hiệp Jammu và Kashmir, gồm hai vùng là thung lũng Kashmir có đa số là người Hồi giáo, nơi có khoảng tám triệu người, và vùng Jammu có đa số dân là người theo Ấn giáo, khoảng sáu triệu người.
Vùng thứ ba, vùng lãnh thổ liên hiệp được thành lập, Ladakh, là một sa mạc trên cao, nơi rất thưa dân, chỉ có khoảng 300 ngàn người, gồm cộng đồng người Hồi giáo và Phật giáo Tây Tạng với số lượng gần như tương đương nhau.
Vào năm 2002, Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), tổ chức nòng cốt của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ấn giáo, đòi bang này phải bị chia thành ba phần: một bang Jammu riêng rẽ với đa số dân Hindu; vùng thung lũng Kashmir với đa số dân là người Hồi giáo; và vùng Ladakh, cần được trao quy chế lãnh thổ liên hiệp.
Trong chuyến du lịch Kashmir này, chúng ta đã được đưa vào một thế giới tuyệt vời của vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và ẩm thực độc đáo. Kashmir đã thực sự là một thiên đàng trần thế, nơi mà bạn có thể khám phá những cảm xúc mạnh mẽ qua từng đỉnh núi, từng cánh đồng mùa saffron và từng con đường dốc.
Tôi dành thêm phần cuối đặc biệt của bài viết để mô tả thêm về Hoa Nghệ Tây – Saffron, một sản phẩm đặc biệt của vùng Kashmir. Cây Saffron ở Kashmir thường sinh trưởng mùa thu và tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp giữa các thung lũng xanh tươi của dãy Himalaya. Những cánh đồng Saffron trải dài với hàng nghìn hoa nghệ tây nở rộ, tạo nên bức tranh màu tím và vàng rực rỡ giữa cảnh quan núi non. Những cây Saffron thường cao khoảng 15-20 cm và có lá mảng mỏng màu xanh xám. Tuy nhiên, điều đặc biệt và quý báu của cây Saffron nằm ẩn sau mặt đất. Gốc của cây chứa các củ rễ hoa nghệ tây, nơi sản xuất ra những sợi thụ phấn màu đỏ saffron đặc biệt.
Hoa Saffron nở vào khoảng giữa tháng 10, khi mùa thu đang vào đỉnh điểm. Những bông hoa màu tím phấn đỏ tinh tế nở rộ trên các cánh đồng, tạo nên một hương thơm ngọt ngào lan tỏa trong không khí. Mỗi bông hoa chỉ tồn tại trong vòng vài tuần, nhưng chúng tạo nên một tuyệt tác thiên nhiên và là nguồn nguyên liệu quý báu cho việc sản xuất nghệ tây, một trong những gia vị đắt giá nhất trên thế giới. Những cánh đồng Saffron ở Kashmir không chỉ là nơi sản xuất, mà còn là biểu tượng văn hoá và kinh tế của vùng này. Cảnh quan đẹp mắt và màu sắc tinh tế của hoa Saffron tạo nên một phần quan trọng trong lịch sử và danh tiếng của Kashmir, khiến cho việc trải nghiệm hoa và cây Saffron trở thành một phần không thể thiếu của du lịch ở đây.
Các đặc sản của vùng Kashmir
Hành trình du lịch Kashmir đã kết thúc, nơi đây là một bức tranh đầy màu sắc, tuyết trắng và đá đen của núi non, biếc xanh lung linh của sông hồ. Chúng ta rời khỏi vùng đất này với những kỷ niệm đẹp và những câu chuyện đầy ý nghĩa, và mong rằng Kashmir sẽ sớm thấy được hòa bình và thịnh vượng.
Cảm ơn bạn đã tham gia cùng chúng tôi trong chuyến – nơi kết nối thiên nhiên, văn hóa và lịch sử trong một hài hoà đáng kinh ngạc. Chúc bạn sẽ có những cuộc phiêu lưu tuyệt vời khắp nơi trên thế giới.