Ngày còn là một cô nhóc tiểu học, trên chiếc xe khách bon bon tiến về thủ đô, Hà Nội trong tâm trí mình là những ngày trời nắng chan hòa, cây cỏ reo vui và lòng đầy rạo rực. Mình chỉ có vỏn vẹn gần một ngày để tham quan lăng Bác, khám phá hồ Gươm, tranh thủ chụp vài tấm ảnh bên hồ Tây lộng gió. Đó là một thước phim nhuốm màu kỷ niệm xưa cũ với những địa danh, những đoạn hồi ức lịch sử mà lần đầu mình được chạm tới trong chuyến hành trình cùng trường tới xứ kinh đô. Hơn một thập kỷ sau, khi quay trở lại nơi này, dành một ngày thong dong khắp chốn cũ, cảm xúc của mình vẫn vẹn nguyên như thuở ngày xưa.
Có một mặt trời trong lăng rất đỏ
Phải rồi, nhắc đến Hà Nội người ta chẳng thể nào thôi tự hào bởi có lăng chủ tịch Hồ Chí Minh nơi vị cha già kính yêu của dân tộc đang nằm nghỉ. Mình bất giác nhớ lại mùa xuân năm ấy, dưới cơn mưa phùn nhẹ, cả đoàn người đủ cả những vị lão thành cách mạng, tới những em học sinh, và các thầy cô giáo xếp thành hàng dài ngay ngắn trang nghiêm, ai nấy đều không giấu nổi niềm xúc động ngập tràn trên gương mặt khi vào lăng viếng Bác.
Quảng trường Ba Đình và lăng Bác dưới vòm trời xanh trong vắt
Đứng giữa quảng trường Ba Đình lịch sử, mình như nghe đâu đây tiếng vọng ở một thời kỳ đầy gian truân của dân tộc. Ngày 2/9/1945, khi chuông đồng hồ điểm 14h, hơn nửa triệu đồng bào Hà Nội và các vùng lân cận vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi lắng nghe chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam ngày nay. Cứ mỗi lần có dịp đi qua nơi này, mình lại đi chầm chậm, ngoái lại ngắm nhìn thật kỹ, thật lâu lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Hà Nội.
Đêm thiêng liêng và rực rỡ
Khi bóng tối bao trùm cũng là lúc lăng Bác lên đèn, lễ hạ cờ diễn ra thật trang trọng và hào hùng. Trong một khoảnh khắc nào đó, đứng giữa biển người mà mình vẫn thấy lòng thật tĩnh tại và thư thái khi cảm nhận được sự đồng điệu của tâm hồn.
: 8 Hùng Vương, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội
: Lăng Bác mở cửa vào tất cả các buổi sáng trong tuần, trừ thứ 2 và thứ 6.
: miễn phí cả khách Việt và khách quốc tế khi vào viếng Lăng Bác. Đối với du khách quốc tế muốn thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc khu nhà sàn thì giá vé là 25.000 VND/người/điểm đến.
Tìm về chốn quê thanh bình nơi có nhà sàn, ao cá Bác Hồ
Bước vào không gian này, mình thấy như cả làng quê Bắc Bộ hiện lên thật sống động trước mắt với ngôi nhà sàn gỗ, trước mặt nhìn ra một ao cá xanh trong và cả khu vườn ướp đẫm mùi hương hoa bưởi. Mình giống như đang trở về ngôi nhà thân thuộc để gặp lại cố nhân đã đi xa lâu ngày.
Nhà sàn được xây dựng hai tầng, tầng dưới để trống, đây là nơi diễn ra các cuộc họp bàn vấn đề quốc gia đại sự của Bác Hồ cùng các cán bộ đồng thời, Người cũng chọn nơi này để tiếp đón các vị khách quý. Tầng trên có hai phòng, một phòng làm việc và một phòng ngủ lúc nào cũng lộng gió và thoang thoảng hương thơm của các loài hoa, trong đó nổi bật hơn cả là sắc hương hoa huệ.
Ao cá của Bác với rất nhiều cá khiến du khách không khỏi trầm trồ
Một khu vườn trong mơ phủ đầy màu xanh của cây cỏ thật sự đã giúp mình tìm lại được sự bình yên trong tâm hồn, ở đó nhà sàn Bác Hồ đã phản ánh rõ tính cách giản dị và tâm hồn rộng mở của Người; đó là khu vườn địa đàng nơi con người và thiên nhiên giao hòa làm một.
Vườn bưởi sai trĩu quả
Hoa đèn lồng
Trong cái nắng hè chói chang, mình bắt gặp một bóng râm của tán cây hoa “đèn lồng”, đó là cái tên mình tự đặt cho loài hoa này bởi nó y hệt từng chùm đèn nhỏ đỏ rực treo đung đưa trước gió làm bừng sáng cả bầu trời xanh.
Búp chè mơn mởn thi nhau vươn cao đón ánh sáng
Một góc sân vàng ươm nắng sau khu vườn với khung cửa sổ màu xanh thân thuộc
Số 1 Bách Thảo, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
Thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 7 và chủ nhật.
miễn phí đối với khách Việt, 25000 đồng/vé với du khách nước ngoài.
Chùa Một Cột tựa bông sen trên mặt nước
Tiếp tục rảo bước, mình tới chùa Một Cột hay còn có tên gọi khác là chùa Diên Hựu. Ngôi chùa với kiến trúc độc nhất vô nhị là nơi thờ phật bà nghìn mắt nghìn tay. Mái chùa nổi bật với màu ngói đỏ, bốn góc là bốn đầu đao cong vút được chạm trổ, ở trên đỉnh mái trang trí họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” dễ dàng bắt gặp trong các chùa, chiền, đình, miếu. Hai con rồng tượng trưng cho phần dương, mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm, nét kiến trúc này biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, hài hòa giữa hai yếu tố âm dương.
Chùa Một Cột mùa sen tàn
Dáng chùa in bóng nơi đáy nước
: 7h – 18h tất cả các ngày trong tuần
: miễn phí đối với du khách Việt Nam, người nước ngoài sẽ là 25.000đ/ vé vào /1 lượt.
Có nét thâm nghiêm nơi đền Quán Thánh
Tiếp tục dạo bước theo theo trục dọc, mình đặt chân tới một trong bốn ngôi đền thiêng xưa kia được mệnh danh là “Thăng Long tứ trấn”. Thăng Long Tứ Trấn bao gồm: Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh được dựng lên để thờ 4 vị thần cai quản và bảo vệ các vị trí huyết mạch của kinh thành Thăng Long.
Đền Quán Thánh – ngôi đền trấn giữ phía bắc thủ đô
Đền Quán Thánh được lập từ khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010).
Theo truyền thuyết dân gian, Huyền Thiên Chân Vũ lập được rất nhiều công lao với dân vùng Giao Chỉ (trước đây là Thăng Long) nên được coi là thành hoàng phía bắc của thành Thăng Long. Huyền Thiên Chân Vũ là vị thần cai quản phương bắc đã sang nước Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm 3 lần.
Phía bên trong ngôi đền
Thì ra câu thơ “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn vũ, canh gà Thọ Xương” là từ nơi này mà có.
Nơi đặt đồ cúng dường, sắp lễ và thắp hương ở Trấn Vũ Quán
số 190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình
: từ 8h00 đến 17h00 hàng ngày
: 10.000 VND/ người, miễn phí vé cho trẻ nhỏ
Chùa Trấn Quốc nép mình tĩnh tại bên con đường Thanh Niên nhộn nhịp
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, sau này được đổi tên thành tên gọi như bây giờ với ước vọng nơi đây sẽ là nơi giúp dân tránh khỏi tai ương, dân chúng được hưởng thái bình, yên ấm.
Cổng tam quan dẫn vào chùa Trấn Quốc
Ngôi chùa này là cảnh đẹp của Hồ Tây “lên cao ngắm cảnh, mây nước mênh mang, nước hồ óng ánh trong suốt khiến lòng người không hư, tiếng chuông chùa gọi tỉnh mộng trần tục…..Tấm bia rêu phong còn đó, lối xưa cỏ nay đâu? Ngày tháng là bao, bỗng trở thành dấu cũ, khiến cho con người chạnh lòng cảm khái với cảnh vật xưa nay’ (Theo Văn bia năm 1815).
Khung cảnh đậm chất bình yên, thanh tịnh của ngôi chùa cổ tọa lạc bên cạnh hồ Tây
Bảo tháp lục độ đài sen phía bên trong chùa Trấn Quốc
Ở mỗi tầng của bảo tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà màu trắng bằng đá quý. Trên đỉnh có một tháp sen 9 tầng gọi là cửu phẩm liên hoa cũng được tạo tác bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng. Mình được nghe chia sẻ rằng ngôi Bảo Tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề do đích thân tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cách đây hơn 25 thế kỷ, cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca đắc đạo.
46 đường Thanh Niên, Trúc Bạch, Tây Hồ, Hà Nội
: từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều
: 5.000đ/người/lượt.
Hồ Tây thơ và tình
Hồ Tây lộng gió với mình giống như một bài thơ tuyệt mĩ mà ở đó đủ cả mọi chất liệu thi vị với non nước, mây trời, hoa cỏ, con người vừa hay có mối giao cảm.
Buổi sáng tinh sương, nhiều người thích chạy bộ, đạp xe hoặc đơn giản là dạo quanh hồ hít thở cái không khí trong lành để có năng lượng bắt đầu một ngày làm việc mới. Những đôi nam thanh nữ tú chọn nơi đây để gặp gỡ bạn bè, hay hò hẹn, lưu giữ kỷ niệm tình yêu. Có người thích tìm cho mình một góc ở bên hồ để nhâm nhi tách cà phê ngắm nhìn nhịp sống chảy trôi, thưởng thức món bánh tôm hồ Tây nức tiếng và thử một ly kem tươi mát lạnh.
Đài kỷ niệm nơi chiếc máy bay của thiếu tá John McCain bị bắn rơi bên hồ Trúc Bạch. Ông cũng là vị thượng nghị sĩ đã có những đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Hồ Tây – nét chấm phá thơ mộng giữa lòng Hà Nội
Hoàng hôn buông giống như một bức họa bằng màu nước tuyệt diệu
Trời tắt nắng rồi, về nhà thôi, Hà Nội luôn là một phần kí ức đẹp trong lòng mình, càng đi, càng tìm hiểu thì càng thấy đẹp, càng yêu. Mình thích dành cả ngày đi dọc, đi ngang, len lỏi vào từng góc phố cũ để lắng nghe chút dư vị thời gian còn đọng lại trên những mái ngói, những con đường. Cũng là mình, có thể dành cả ngày bên những trang văn mang tựa đề “Hà Nội” một cách say sưa. Ở Hà Nội, đúng thật là, không vội được đâu!