Nguyễn Thu Hương (24 tuổi, ở Hà Nội) vừa kết thúc chuyến đi Hà Giang 4 ngày 3 đêm đầu tháng 11. Để khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc, Hương và nhóm bạn lên lịch trình những điểm cần đến trước chuyến đi nhiều ngày để có sự chủ động.
Ba người bạn của Hương đi xe máy từ Hà Nội lên TP Hà Giang, riêng cô và 2 người bạn khác di chuyển xe khách giường nằm. Cả nhóm tập hợp ở TP Hà Giang để cùng đến cột mốc số 0.
Hương đi theo lịch trình nhiều người lựa chọn: TP Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc. Hà Giang đang vào mùa hoa tam giác mạch nên dọc đường đi, Hương cùng nhóm bạn dừng tại nhiều điểm để chụp ảnh, ngắm nhìn cảnh sắc núi đồi phủ kín những bông hoa nhỏ li ti.
“Ngồi xe máy khá mỏi nhưng không khí trong lành khiến tôi có thêm hứng khởi khám phá các điểm tham quan nổi tiếng”, Hương chia sẻ.
Một trong những điểm đến Hương ấn tượng nhất đó là sông Nho Quế. Mùa này, du khách khắp nơi đổ về Hà Giang rất đông nên bến thuyền luôn nhộn nhịp. Sau khi mua vé, nhóm của Hương chờ hơn nửa tiếng để được lên thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng sông xanh biếc chảy xuyên qua những dãy núi đá vôi.
Ngày thứ 3 của chuyến đi, cô gái đến thăm Dinh vua Mèo, Nhà của Pao. Hương đánh giá đây làm điểm đến mà khách “đứng ở đâu cũng có ảnh đẹp”.
Thu Hương còn chia sẻ, cô rất hài lòng vì dịch vụ lưu trú ở Hà Giang khá tốt. Nhiều căn phòng có view (hướng nhìn) thoáng đãng bao trọn núi đồi nhưng giá thuê rất phải chăng. Những người kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng rất thân thiện, chu đáo. Đây là một điểm cộng rất lớn cho du lịch Hà Giang.
“Hà Giang rất đẹp, dịch vụ lại tốt và giá cả không đắt đỏ. Tổng mọi chi phí trong chuyến đi của tôi chỉ hết 3 triệu đồng”, Hương cho hay.
Trong chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tại Hà Giang, Thu Hương thưởng thức nhiều món ngon địa phương như lẩu gà đen, phở ngô, bánh tam giác mạch… Đặc biệt, cô gái 24 tuổi còn có trải nghiệm khó quên khi thử món cháo ấu tẩu.
Cháo ấu tẩu từ lâu được xem là đặc sản ở Hà Giang, người dân trong vùng gọi đây là “cháo độc dược”.
Ấu tẩu là loại củ được trồng nhiều ở vùng cao Hà Giang. Củ ấu tẩu có độc tính, lượng độc trong củ ấu tẩu có thể làm tê cứng tay chân, nhưng nếu biết chế biến củ ấu tẩu lại trở thành một món ngon bổ dưỡng.
Thu Hương tìm hiểu và được biết, người Hà Giang có bí quyết “hóa giải” độc dược trong ấu tẩu để tạo nên món cháo bổ dưỡng với cách chế biến kỳ công.
Củ ấu tẩu sau khi được sơ chế bỏ vỏ sẽ được ngâm trong nước gạo một đêm. Người nấu sẽ ninh ấu tẩu trong nhiều tiếng liền cho củ này mềm, bở bung ra, thành chất sền sệt rồi nấu với gạo tẻ ngon hay gạo nếp. Cháo ấu tẩu ăn trộn thêm chân giò, thịt băm, trứng gà, ăn kèm một số loại rau thơm như hành, tía tô và ăn nóng.
“Cháo ấu tẩu có vị đắng nhẹ, ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với nước xương, thịt và trứng tạo nên mùi thơm đặc trưng, cảm giác ăn vào miệng rất lạ. Nếu ai ăn được vị đắng và thích vị thuốc thì có lẽ sẽ hợp với món ăn này.
Tôi thường ngày không thích vị đắng nhưng vì đây là một món đặc sản của Hà Giang nên cũng nếm thử để có thêm trải nghiệm chia sẻ với mọi người”, Thu Hương cho hay.
Cũng theo nữ du khách này, cháo ấu tẩu là món ăn phổ biến ở Hà Giang thường được bán vào buổi tối ở khu vực thành phố Hà Giang, thị trấn Đồng Văn. Mỗi bát cháo ấu tẩu có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng.