xưa (Tiền Giang) – Nay gồm huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây, được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ ở phía Bắc, sông Chợ Gạo (sông Trà) ở phía Tây, sông cửa Tiểu ở phía Nam và biển Đông – vốn là căn cứ địa chống Pháp của người anh hùng dân tộc Trương Công Định, cũng là nơi ông đã hy sinh. Bởi vậy, tại vùng đất này ông được nhân dân đặc biệt tôn kính, lập đền thờ.
Bức tranh anh hùng Trương Định được nhân dân tôn làm Bình Tây Đại nguyên soái
Các đền thờ Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định ở đất Gò Công
Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông
Từ Tp. Hồ Chí Minh theo QL50 vượt qua cầu Mỹ Lợi trên sông Vàm Cỏ là vào đất Thị xã Gò Công. Qua khỏi trạm thu phí cầu Mỹ Lợi khoảng 6km là đến ngã ba đường vào Khu công nghiệp Gia Thuận, rẽ trái vào đường khu công nghiệp và đi hết 7km đường đôi, rẽ trái vào đường nhựa nhỏ, đi thêm 1.5km là đến Đền thờ Trương Định.
Cổng đền thờ Trương Định ở Gia Thuận, Gò Công Đông – Du lịch Gò Công
Gia Thuận là vùng đất có tới 3 di tích lịch sử gắn với cuộc đời hiển hách của anh hùng dân tộc Trương Định: di tích Đám lá tối trời (bản doanh của nghĩa quân Trương Định) – di tích ao Dinh (nơi Trương Định hy sinh) – đền thờ Trương Định (nơi nhân dân thờ ông). Tiếc rằng di tích Đám lá tối trời – vốn là một khu rừng dừa nước rậm rạp mênh mông – đã bị san lấp để làm khu công nghiệp Gia Thuận ngày nay. Còn ao Dinh, nơi ông hy sinh, người ta cũng giữ nguyên trạng và chỉ tôn tạo để nó khỏi hư hỏng theo thời gian, chỉ dựng một tấm bia ghi lại sự kiện người anh hùng dân tộc hy sinh mà thôi – bởi ông luôn sống mãi với sự tôn kính trong lòng người dân nơi đây.
Khuôn viên đền thờ Trương Định ở Gia Thuận – Du lịch Gò Công
Sau khi Trương Công Định hy sinh (ngày 20/8/1864), nhân dân nơi đây đã dựng một ngôi miếu để thờ ông. Sang đầu thế kỷ XX, nhân dân Gia Thuận lại đóng góp tiền của xây lại ngôi miếu thành một đền thờ lớn hơn với bộ mái lợp ngói âm dương, kèo cột bằng gỗ quý. Sau năm 1975, ngôi đền được trùng tu lại khang trang như ngày nay. Đền thờ Trương Công Định tại Gia Thuận được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 2004.
Án thờ Trương Định trong chính điện
Trong khuôn viên đền thờ còn có nhà trưng bày, với các di vật quý giá của nghĩa quân Trương Định, là những thanh gươm, vật dụng hàng ngày,… và bức tranh anh hùng Trương Định được nhân dân tôn làm “Bình Tây Đại nguyên soái” được treo trang trọng ở đây.
Một số hiện vật của nghĩa quân được trưng bày tại Nhà trưng bày
Đền thờ và lăng mộ Trương Công Định tại thị xã Gò Công
Từ đền thờ Trương Công ở Gia Thuận (Gò Công Đông) trở ngược theo đường khu công nghiệp ra QL50 để đi vào trung tâm thị xã Gò Công, quãng đường khoảng 15km là đến một đền thờ khác của Trương Công Định tọa lạc tại số 1 đường Phan Đình Phùng, Phường 1, thị xã Gò Công. Lăng mộ của người anh hùng dân tộc cũng tọa lạc ngay trong khuôn viên đền thờ này.
Đền Trương Định ở P.1, thị xã Gò Công – Du lịch Gò Công
Sau khi Trương Công Định tuẫn tiết, người vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh đã đưa thi thể của ông về an táng tại mảnh đất của gia đình bà, nhưng tới năm 1873 (gần 10 năm sau đó) bà Sanh mới được chính quyền địa phương (thuộc địa Pháp) cho phép xây lại mộ ông khang trang, tuy nhiên họ đã đục bỏ chữ trên bia mộ ông. Mãi đến năm 1945, nhân dân Gò Công mới có thể trùng tu mộ ông và khắc trên bia mộ người anh hùng dòng chữ “ Đại Nam thần dõng, Đại tướng quân, Truy tặng Ngũ quân, Ngũ Quận công, Trương Định chi mộ”.
Lăng mộ Trương Định trong khuôn viên đền thờ ở thị xã Gò Công
Bao quanh lăng mộ là bức tường bao, cao 70cm với 4 trụ đá lớn ở 4 góc và 2 trụ ở cổng vào lăng mộ. Mộ Trương Công Định được xây dựng bằng hợp chất ô dước – gồm mật đường, vỏ sò nghiền nhuyễn, nhựa cây ô dước hoặc nhựa dây tơ hồng, bởi cây ô dước khá hiếm – mang đậm lối kiến trúc đặc trưng Nam bộ, với phần mộ có hình dáng voi phục.
Mộ anh hùng dân tộc Trương Định, đắp hình voi phục
Án thờ Trương Định trong chính điện đền thờ
Đền thờ Trương Định được xây dựng năm 1972 ngay cạnh lăng mộ ông, với kiến trúc đặc trưng phương Đông trang nghiêm, cổ kính cùng án thờ sơn son thêp vàng. Trong đền có trưng bày một cuốn sách đặc biệt, độc bản bằng gỗ, nói về tiểu sử vị anh hùng dân tộc Trương Định. Đền thờ và lăng mộ Trương Công Định tại thị xã Gò Công được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào ngày 30/8/1987.
Tuyên bố nổi tiếng của Trương Định, cùng cuốn sách gỗ về cuộc đời ông được trưng bày tại đền thờ ở thị xã Gò Công
Một số di tích nổi tiếng khác ở Gò Công
Lăng Hoàng gia, với tấm bia đá có số phận đặc biệt
Một trong những địa điểm nên ghé thăm khi du lịch Gò Công là Lăng Hoàng gia, nằm ven QL50 bên tay trái (theo hướng di chuyển từ Gò Công về Tp. Hồ Chí Minh), cách trung tâm thị xã Gò Công chỉ khoảng 2km, tại ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Đây là khu lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng, cha của bà Thái hậu Từ Dụ, ông ngoại của vua Tự Đức. Ông được vua Tự Đức (cháu ngoại) truy phong tước Đức Quốc công.
Cổng Lăng Hoàng gia có ghi số điện thoại người coi lăng để liên hệ vào ngày nghỉ
Đền thờ Đức Quốc công gần 200 năm tuổi – Du lịch Gò Công
Lăng Hoàng gia được xây dựng từ năm 1826, được trùng tu vào các năm 1888 (triều vua Thành Thái), năm 1921 (triều vua Khải Định) và đại trùng tu vào năm 1998. Đền thờ Đức Quốc công được các nghệ nhân từ Huế vào kết hợp với nghệ nhân địa phương xây dựng, với kiến trúc mang đậm chất cung đình.
Đền thờ với kiến trúc kiểu cung đình, nguyên vật liệu dùng nhiều gỗ quý
Lăng mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Tấm bia đá đặc biệt ở nhà bia bên trái
Mộ Đức Quốc công được xây kiểu dáng đỉnh trụ hình bát giác, phía sau mộ có bình phong hình bán nguyệt, chạm trổ hình 4 con rồng bên trên và 5 con kỳ lân bên dưới. Tại lăng Hoàng gia có một tấm bia đá đặc biệt, với số phận rất ly kỳ, hiện được đặt tại nhà bia bên trái mộ theo hướng từ phía ngoài nhìn vào. Năm 1858, vua Tự Đức cho lập bia đá ca ngợi công đức của Đức Quốc công và đưa xuống thuyền chở từ Huế vào Gò Công. Khi thuyền đến cửa Cần Giờ thì bị toán quân Pháp do viên đại úy Nicolas Barbé chặn lại, tấm bia đá bị Barbé thu giữ và đưa về nơi đồn trú ở Gia Định. Ngày 7/12/1860, Nicolas Barbé bị quân Nam ám sát tại Gia Định, đồng đội của y dùng chính tấm bia đá lớn đó làm bia mộ cho y, họ khắc chữ Pháp đè lên những dòng chữ cũ, và dựng tại mộ Barbé tại nghĩa trang lính pháp tử trận tại Gia Định.
Từ bia ca ngợi công đức Đức Quốc công, biến thành bia mộ của kẻ xâm lược
Năm 1983 khi giải tỏa nghĩa trang để lập công viên Lê Văn Tám ngày nay, người ta tìm thấy tấm bia mộ của Barbé và đưa về bảo quản, nghiên cứu tại Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh. Đến năm 1998, tấm bia được Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh tặng lại cho khu di tích Lăng Hoàng gia. Như vậy mất đúng 140 năm, tấm ngự bia của vua Tự Đức mới về đến nơi cần đến.
Đình Tân Đông (Gò Táo), được ôm bọc bởi hai cội bồ đề
Một địa điểm khác không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Gò Công đó là Đình Tân Đông (ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông), cách Lăng Hoàng gia khoảng 6km chếch về phía Đông. Đình xưa vốn mang tên là đình Gò Táo, được xây dựng từ năm 1901 cách vị trí hiện tại khoảng 1km. Sau đó bị bão phá hỏng và được xây dựng lại hoàn thiện vào năm 1907 tại vị trí hiện nay.
Cổng đình Tân Đông
Điểm vô cùng đặc biệt là có 2 cây bồ đề lớn với 2 bộ rễ ôm trùm lên ngôi đình. Theo những vị cao niên ở đây kể lại, năm 1986 có 3 cây bồ đề mọc lên ở trước đình, sau đó 1 cây được những người chơi cây cảnh bứng đi, hai cây còn lại phát triển rất nhanh, bộ rễ vươn dài bao trùm lên các cột trụ. Chính điều đó lại góp phần giữ cho ngôi đình vốn đổ nát bởi chiến tranh lại đứng vững mà không đổ sập, mặt khác lại tạo ra một vẻ đẹp đặc biệt cho ngôi đình cổ, thu hút đông đảo du khách tham quan ngôi đình.
Hai cây bồ đề với bộ rễ ôm trùm lên ngôi đình
Chính bộ rễ này lại góp phần giữ cho ngôi đình đứng vững
Năm 2010, đình Tân Đông được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, và được nhiều lần trùng tu, tôn tạo.
Một vài lưu ý về đường đi, giờ giấc mở cửa ở các di tích
– Đường bộ từ Tp. HCM về thị xã Gò Công chỉ khoảng 60km theo QL50, đường tốt và dễ đi, tuy nhiên vào các dịp nghỉ lễ thì hay kẹt xe ở khu vực địa phận Bình Chánh.
– Đền thờ Trương Công Định ở Gia Thuận, Gò Công Đông và đình Tân Đông mở cửa cả ngày. Hai điểm này đều thuộc huyện Gò Công Đông và tương đối gần nhau.
– Lăng Hoàng gia và khu đền thờ – lăng mộ Trương Công Định ở thị xã Gò Công thì đóng cửa nghỉ trưa từ 11g30 – 13g30, nên phải căn giờ trước khi đến hai điểm đó. Người trông coi Lăng Hoàng gia hiện ở luôn trong khuôn viên lăng và có để lại số điện thoại ngoài cổng khu lăng, để vào ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày lễ, du khách muốn đến viếng lăng thì gọi điện để ông ấy ra mở cổng. Hai di tích này đều đóng cửa lúc 17g hàng ngày trong tuần.