“Rừng rú và khung cảnh ở đây anh thấy quyến luyến quá. Những con ngựa trắng kéo xe thổ mộ qua mưa quá âm thầm.
Từ Blao lên đến đây mất đi 120 km. Bằng đường đi Đà Lạt. Cùng một đường đi nhưng rẽ vào hai lối khác nhau. Miền Dran này chỉ toàn là nông trại. Ở đây có thể đi săn thú hay chim ở khu rừng bao quanh. Vượn hú suốt ngày trên đó.”
Đó chính là D’ran năm 1964 qua lời thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh. Không là thành phố mộng mơ, gây thương nhớ sâu đậm như Đà Lạt, cũng không là “miền xứ bỏ hoang” như Blao, D’ran khi ấy chỉ là một vùng đất hẻo lánh, hoang sơ, nhưng hiền lành và dịu dàng.
Thị trấn D’ran nhìn từ trên cao – Du lịch D’ran
D’ran của hiện tại cũng không hề mất đi sự nên thơ của mình. Cách thành phố Đà Lạt khoảng 40km xuôi theo QL27, D’ran là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Do nằm giữa hai con đèo D’ran và Ngoạn Mục, D’ran còn được gọi là “thị trấn lưng đèo”.Ngay từ khi đổ đèo D’ran, du khách đã có thể nhìn thấy thị trấn nhỏ nằm yên bình dưới thung lũng, cạnh hồ Đa Nhim một màu xanh ngọc. Nơi có trái cây ngon ngọt, khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh quan hiền hòa – dễ tạo nên một nỗi nhớ dịu dàng trong lòng lữ khách.
D’ran nằm tại ngã ba QL20 và QL27, giữa hai ngọn đèo D’ran và Ngoạn Mục
D’ran không lớn, đa phần dân cư sinh sống tập trung gần chợ Lạc Nghiệp hoặc gần QL27. Từ Đà Lạt muốn đi Phan Rang – Tháp Chàm phải qua D’ran, nên thị trấn cũng là nơi nhiều du khách dừng chân nghỉ ngơi giữa hai con đèo. Vậy có điều gì đặc biệt tại “thị trấn lưng đèo” này khiến du khách phải nhớ nhung chuyến du lịch D’ran?
Dạo một vòng D’ran, kể cả ở nơi nhộn nhịp nhất là chợ Lạc Nghiệp, nhịp sống của mọi người cũng rất thong thả, chậm rãi. Buổi sớm nếu có thời gian, bạn có thể ghé một quán cà phê địa phương nào đó ngồi lại nghe nhịp sống sinh hoạt trầm lặng của những cư dân lâu đời nơi đây, trước khi họ bắt đầu một ngày làm việc.
Nhịp sống êm đềm của người D’ran
Về công việc, đa phần cư dân D’ran làm nông trong các nông trại ở địa phương. Nông sản D’ran nói riêng và Đơn Dương nói chung rất được ưa thích vì độ tươi ngon và lành tính. Nhìn những quả cà chua chín mọng, những ruộng bắp cải đều tăm tắp, những vườn hồng chín đỏ,… nào ai có thể kiềm lòng được.
Khắp D’ran là những nông trại hiền lành, mát mắt
Những rổ cà chua chín mọng mới được thu hoạch trong buổi sáng
Xung quanh khắp thị trấn là những ngôi nhà cổ, nhà gỗ với kiến trúc cổ điển, xinh xắn và khiêm tốn. Đặc biệt, sắc hoa đa dạng có thể bắt gặp ở khắp nơi trong thị trấn, hầu như nhà nào cũng trồng hoa. Dường như, mọi người ở D’ran thật sự rất yêu cây cỏ, yêu thiên nhiên.
Trong thị trấn là những ngôi nhà cổ xinh xắn, giản dị và được trồng rất nhiều hoa lá
Khi tới du lịch D’ran, ngoài việc dạo quanh phố xá, vườn tược, du khách còn có nhiều điểm tham quan hay ho khác. Nếu bạn muốn có một tầm nhìn cao hơn, hãy đi theo đường 412 để lên đồi Kankin – một ngọn đồi nhỏ, đủ để bạn phóng tầm mắt ra xa, nhìn ngắm D’ran từ trên cao.
Khám phá D’ran từ những góc nhìn khác nhau – Du lịch D’ran
Nếu bạn thích rừng và muốn trekking/hiking, quanh thị trấn D’ran có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh và đường mòn để vào rừng. Đa số những tuyến đường và rừng dễ đi nằm ở phía QL20 hướng về đèo D’ran, hoặc dọc theo sông Đa Nhim cũng có vài con đường mòn cho người thích off-road.
Đi xuôi về hướng Hành Rạc, gần đổ đèo Ngoạn Mục cũng có rất nhiều cánh rừng rậm hoang sơ, chưa được khai thác. Tuy nhiên, địa hình khu vực này cũng không mấy dễ đi, du khách nên đi cùng người địa phương hoặc tour guide chuyên nghiệp. Trong rừng không có sóng điện thoại và thưa nhà dân, bạn nên chuẩn bị kỹ phương tiện và bản đồ trước khi đi.
Những con đường mòn băng qua những cánh rừng thông – Du lịch D’ran
Tại D’ran còn có Tổ Đình Sắc Tứ Giác Nguyên Tự, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1923 và phong Sắc Tứ vào thời vua Bảo Đại. Chùa có kiến trúc độc đáo, địa thế đẹp, nằm tựa vào núi và nhìn ra hồ Đơn Dương, là nơi thờ phụng tôn giáo và nuôi dưỡng nhiều trẻ em cơ nhỡ trong vùng.
Đặc sản ẩm thực ở D’ran cũng khá khiêm tốn và bình dân, chủ yếu phục vụ khách hàng là người địa phương. Khi du lịch D’ran, ngoài khám phá ẩm thực địa phương trong chợ Lạc Nghiệp, bạn có thể ghé qua một số quán ăn nổi tiếng được nhiều người địa phương lẫn du khách ủng hộ như là:
Một số quán cà phê địa phương để bạn trải nghiệm khi tới du lịch D’ran, đa số đều có không gian nhỏ, ấm cúng và giá cả bình dân:
Bên cạnh thưởng thức tại chỗ, bạn còn có thể mua cà phê hạt về làm quà.
Để đến D’ran, bạn có thể đi đường bộ từ Đà Lạt theo QL20 qua đèo D’ran, hoặc từ hướng Phan Rang – Tháp Chàm theo QL27 qua đèo Ngoạn Mục. Nếu khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể đi xe khách giường nằm, trả khách tại chợ Lạc Nghiệp, thời gian mất từ 8-9 giờ.
D’ran đẹp bình dị và hiền lành, đi vào lòng du khách
Với một vùng đất đẹp và nên thơ như D'ran, không có gì ngạc nhiên khi đây là điểm dừng chân lý tưởng với nhiều du khách khi di chuyển giữa Đà Lạt và Phan Rang – Tháp Chàm. Từ cảnh quan thiên nhiên yên bình cho đến đời sống hiền hòa và các điểm tham quan thú vị, D’ran đã làm phải lòng rất nhiều lữ khách với vẻ dịu dàng của mình.
Giống như cách trước đây, D’ran đã đi vào thơ văn và tranh của họa sĩ Đinh Cường (bạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
Trả tôi về Lạc Lâm/ thời giang hồ mộng mị/ trả tôi về chiều nay/ thì thầm lời nguyện nhỏ (Trích thơ của Đinh Cường)