Du lịch Đà Nẵng xây dựng hình ảnh năng động để thu hút du khách

79

So với các tỉnh xung quanh, nguồn tài nguyên du lịch Đà Nẵng không có nhiều thuận lợi, nhất là về khía cạnh văn hóa di sản. Song, với lợi thế là tâm điểm giao thương khu vực, điểm đến thuận lợi của các mặt giao thông bộ, thủy, hàng không và cả đường sắt, Đà Nẵng lại có đủ tiềm lực xây dựng một ngành du lịch phát triển.

Thành phố tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch

Nếu dạo bước trên những con phố của Đà Nẵng vào buổi tối, đặc biệt là dọc theo bờ sông Hàn chắc hẳn bạn sẽ phải giật mình vì sự phát triển vượt bậc của thành phố những những năm gần đây. Sự thành công trong định hướng phát triển du lịch không chỉ là sự gia tăng chóng mặt các tòa nhà chọc trời, khánh thành nhiều công trình mang tính biểu tượng như cầu Rồng và tổ chức thành công nhiều lễ hội mang tính quốc tế. Mà còn ở việc tập trung xây dựng những khu nghỉ mát tầm cỡ so với khu vực.

Ảnh: Goasiatravel

Với thế mạnh sở hữu một bãi biển đẹp, với cảnh sắc thiên nhiên phong phú, cũng dễ hiểu vì sao những khu nghỉ mát ở Đà Nẵng luôn đạt thứ hạng cao trong các bình chọn quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là Furama Resort Đà Nẵng, một khu nghỉ dưỡng sang trọng đã đi vào hoạt động được 16 năm. Ngoài ra còn phải kể đến những cái tên “đình đám” khác như: Centara Sandy Beach Resort, Hyatt Regency, Pullman, Sun River, Vinpearl và gần đây nhất là Intercontinental. Đà Nẵng hiện tổng cộng có hơn 410 khách sạn, với hơn 14.000 phòng, trong đó có 19 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 và 5 sao với gần 4.000 phòng.

Một góc xinh đẹp của Furama Resort Đà Nẵng. Ảnh: iVIVU.com

Khách du lịch tới Đà Nẵng tăng mạnh qua các năm

Thành phố Đà Nẵng với dân số khoảng 1,5 triệu dân và là thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997. Qua các năm, thành phố luôn có nhiều chính sách mới để góp phần xây dựng một hình ảnh Đà Nẵng năng động và phát triển. Bà  Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Một trong những tầm quan trọng trong chiến lược phát triển của Đà Nẵng là chúng ta đang nằm ở cuối phía Đông của hành lang Đông – Tây, đó là sự kết nối của các vùng thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, gồm Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và Lào. Từ năm 2000, ngành du lịch thành phố đã tăng 280%, trong khi đó chính phủ cũng đang bắt tay vào thực hiện một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nhiều tham vọng”.

Ảnh: ST

Chỉ cần nhìn vào con số, chúng ta cũng có thể nhận thấy du lịch Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc, từ 770.000 lượt khách ghé thăm, trong đó có 260.000 lượt khách quốc tế, thì trong năm 2013 con số này đã tăng lên 3,12 triệu lượt khách, trong đó có tới 750.000 lượt khách quốc tế.

Trong số lượng du khách quốc tế đến Đà Nẵng, phần lớn là du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. “Chúng tôi rất tự tin có thể đạt được số lượng 4 triệu lượt khách ghé thăm vào năm 2015, và 8 triệu lượt khách vào năm 2020” – bà Nguyễn Thị Hoài An cho biết thêm.

Mở rộng thêm các chuyến bay thẳng tới Đà Nẵng

Một trong những chiến lược quan trọng để thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng là cung cấp các chuyến bay thẳng nhiều hơn. Cho đến nay, sân bay quốc tế Đà Nẵng có lẽ sân bay có cơ sở hạ tầng tốt nhất, trong các quốc gia có đường bay liên quan trực tiếp đến ba trung tâm hàng không quốc tế là: Hong Kong, Incheon Seoul, Singapore cũng như từ khu vực đến Siem Reap.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: En.wikipedia

Do vậy, hiện nay thành phố đang tập trung vào việc mở thêm các tuyến bay mới đến Đà Nẵng, Phó giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp nhận một tuyến bay mới đến sân bay Narita Tokyo vào mùa hè này, với tần suất 2 chuyến một tuần của Việt Nam Airlines, và trong tháng 8, AirAsia sẽ có 3 đến 4 chuyến bay trong một tuần, đến Kuala Lumpur”. Có lẽ, khoảng cách lớn nhất trong mạng lưới kết nối của Đà Nẵng là đến Bangkok – thành phố được xem như là cửa ngõ để vào khu vực Đông Nam Á. Bà Nguyễn Thị Hoài An cũng có biết thêm: “Chúng tôi cũng đang tiến hành chuẩn bị ký kết thỏa thuận hợp tác với hãng hàng không giá rẻ Thai Smile, tuy nhiên sự bất ổn chính trị tại Thái Lan khiến thỏa thuận bị trì hoãn”.

Đẩy mạnh phát triển du lịch trên tất cả các lĩnh vực

Sức mạnh của du lịch Đà Nẵng cho khu vực châu Á, chủ yếu nằm ở những bãi biển đẹp, trải dài hơn 30km dọc theo thành phố. Trong đó, nổi tiếng nhất là bãi biển Mỹ Khê dài khoảng 6km, nằm ở phía Đông của Đà Nẵng trên cung đường đến Hội An. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại với những nguồn lợi tự nhiên sẵn có, hiện nay thành phố cũng đang tập trung xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí, với các dịch vụ đặc biệt kèm theo đó là việc tổ chức các lễ hội, mà trong đó cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm đã trở thành “thương hiệu” riêng của du lịch Đà Nẵng.

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đã trở thành một “thương hiệu” của du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Asiaholiday

Bên cạnh việc phát triển các dịch vụ du lịch thư giãn và giải trí, chính quyền thành phố cũng rất quan tâm thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến đó là khu du lịch sinh thái Suối Hoa, với những khu vườn và thác nước. Hay những cảnh quan hùng vĩ của đèo Hải Vân là một số trong những điểm du lịch thu hút dành cho những người yêu thiên nhiên. Thành phố hiện cũng đang khôi phục lại những di sản có từ thời kỳ thuộc địa, cũng như tiến hành một dự án bảo tồn bảo tàng Chămpa.

Là cửa ngõ chính để ghé thăm các di sản thế giới là Hội An và Huế, Đà Nẵng hiện đang nổi lên như là một trung tâm du lịch năng động và nổi bật của Việt Nam, và luôn có nhiều cơ hội để khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch khu vực.

Theo Traveltimes.vn

Xem thêm bài viết

Du lịch Đà Nẵng khám phá top 3 khách sạn xuất sắc được TripAdvisor bình chọn

Vòng quay Mặt Trời – Sun Wheel Đà Nẵng trước ngày khai trương

Cầu Rồng – Đà Nẵng được CNN hết lời ca ngợi