Du lịch Đà Nẵng nhất định phải nghe hát bả trạo
Sau Tết Nguyên đán, ngư dân ven biển thường tổ chức Lễ hội Cầu ngư cho mưa thuận gió hòa, trong đó có hát bả trạo, một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống lâu đời. Hát bả trạo còn gọi là chèo bả trạo, hò hầu linh, hò đưa linh…
Hát bả trạo sẽ đi kèm với các động tác múa. “Bả” có nghĩa là nắm chắc, “trạo” nghĩa là mái chèo. Hát bả trạo trong Lễ Cầu ngư là cách để ngư dân cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang. Vì thế hát bả trạo không chỉ là hình thức giải trí đơn thuần, mà còn là nét văn hóa tín ngưỡng của ngư dân.
Nội dung và nhịp điệu của bài hát truyền tải tinh thần lạc quan, yêu nghề, yêu cuộc sống và mong muốn chế ngự thiên nhiên. Bài hát bả trạo được xây dựng đúng làn điệu cho từng tình tiết, phổ lời vần với ca dao, thơ lục bát, luôn thấm đẫm chất thơ dân gian.
Lời ca của bả trạo thật hoàn hảo bởi nó kết tinh sự lãng mạn, thăng hoa của những “nghệ sĩ ngư dân” trước cái đẹp huyền bí, mênh mông của biển khơi. Hàm lượng văn hóa trong các câu hát bả trạo là kho báu vô giá cho thế hệ mai sau.
Hát bả trạo đòi hỏi người học phải dạn dĩ, khổ công để thuộc lòng nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu. Vì đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính linh thiêng, nghi lễ, không chấp nhận sai sót.
Đội hát bả trạo gồm tổng mũi (tổng thuyền) hai tay cầm cặp sênh để gõ chỉ huy đội hát bả trạo; tổng khoang (tổng thương) đứng ở khoang thuyền, khi thuyền neo lại thì canh gác, tay cầm cần câu và gàu tát nước; tổng lái (tổng hậu) đứng cuối đuôi thuyền, hai tay nắm chèo lái để điều khiển con thuyền đi đúng hướng.
Trước năm 1975, trang phục của ba ông Tổng rất đơn giản, áo dài đen, quần trắng, chân đi tất. Sau này để buổi biểu diễn trở nên sống động nên trang phục cũng nhiều màu sắc hơn.
Tổng mũi mặc áo dài xanh, quần tím, đầu đội mão, chân quấn xà cạp, đi giày vải. Tổng khoang mặc áo ngắn xanh nước biển viền cổ trắng xanh, quần xanh nước biển, chân quấn xà cạp, đi giày vải, đầu đội nón lá. Tổng lái đầu đội mão, áo dài tím nhạt, lưng thắt đai xanh nước biển, quần dài tím, chân quấn xà cạp, mang giày vải.
Con trạo gồm 12 đến 16 người. Trước năm 1975, con trạo thường là thanh niên còn trẻ, từ 17 đến 20 tuổi, chưa vợ. Hiện nay, con trạo là các em nữ, độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi. Con trạo mặc trang phục xanh lá cây, đầu đội nón lá, chân mang xà cạp, tay cầm mái chèo sơn đỏ, vàng.
Trong buổi biểu diễn, ông Tổng mũi sử dụng cặp sênh điều khiển cả đội. Theo hiệu lệnh, các con trạo có sự phối hợp nhịp nhàng, các con trạo nghiên mình tư thế giống như đang chèo thuyền, vừa hát vừa múa mái chèo. Dàn nhạc cụ biểu diễn có trống, chiêng, kèn, đàn cò, sênh.
Phải mất rất nhiều công sức và thời gian luyện tập, nhưng hát bả trạo không thể làm giàu cho người hát, thậm chí gánh lo cơm áo gạo tiền còn nặng nề hơn. Do đó, hiện nay người hát bả trạo còn lại rất ít, chỉ là những bô lão. Giới trẻ ngày nay đã không còn mặn mà gì với hình thức diễn xướng dân gian cũ kỹ này. Hát bả trạo ở Đà Nẵng vì vậy có nguy cơ mai một, không có người thừa kế phát triển.
Lý giải cho sự tàn lụi của loại hình này, có thể nói rằng hát bả trạo xuất phát từ đời sống của ngư dân, mô phỏng cuộc sống qua lời ca, tiếng nhạc. Do đó người hát bả trạo phải đồng thời là ngư dân dãi dầu mưa nắng, bám biển đến độ yêu và hiểu biển.
Thế nhưng, nghề đi biển hiện nay đã khác trước rất nhiều, ngư dân thường đóng tàu và thuê người đi biển chứ không trực tiếp ra khơi. Thế hệ trẻ không tiếp nối truyền thống đi biển nên không hiểu được giá trị văn hóa trong làn điệu bả trạo.
Thiết nghĩ, chỉ khi sống bám biển, gắn bó mật thiết với biển, đối mặt với bao hiểm nguy giữa không gian bao la của biển thì mới cảm nhận được và trân trọng ý nghĩa của sự linh thiêng, khoáng đạt, gần gũi mà vô cùng sôi nổi của lời ca tiếng hát điệu múa bả trạo.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết
Tham quan đình làng Hải Châu – Ngôi đình cổ nhất thành phố Đà Nẵng
Cầu Rồng Đà Nẵng – Biểu tượng mới của thành phố trong thời hội nhập
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng – Nơi lưu giữ quá khứ vàng son của người Chăm Pa