Du lịch Đà Nẵng: Cẩm nang từ A đến Z (update thông tin mới nhất năm 2024)

90

Du lịch Đà Nẵng: Cẩm nang từ A đến Z (update thông tin mới nhất năm 2024)

Cùng tham khảo cẩm nang du lịch Đà Nẵng thường xuyên được cập nhật thông tin mới tại iVIVU.com nhé!

Giới thiệu du lịch Đà Nẵng

Nằm ở vùng Nam Trung Bộ, Đà Nẵng có cả núi, đồng bằng và biển. Các điểm tham quan du lịch nổi tiếng khi du lịch Đà Nẵng bao gồm khu du lịch Bà Nà, bãi biển Mỹ Khê, và khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy Park lớn nhất châu Á. Đà Nẵng còn có nhiều thắng cảnh đẹp mê hồn như đèo Hải Vân, rừng nguyên sinh ở bán đảo Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, Đà Nẵng được bao quanh bởi 3 di sản văn hóa thế giới. Bao gồm Huế, Hội An và Mỹ Sơn, và xa hơn chút nữa là Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Hàng năm, Đà Nẵng tổ chức Lễ hội pháo hoa thu hút rất nhiều du khách muôn phương đến tham dự.

Ảnh: phunugioi

Ảnh: Thanh Hoa

Di chuyển: phương tiện, di chuyển khi du lịch Đà Nẵng

Bất cứ phương tiện nào cũng có thể đưa bạn du lịch Đà Nẵng. Bên cạnh những lợi thế về cảnh quan, sự thuận tiện di chuyển cũng là một ưu thế của thành phố này. Bạn có thể đi máy bay, xe lửa, xe khách, xe máy,…

Xe lửa

Du lịch Đà Nẵng bằng xe lửa từ Hà Nội hoặc Sài Gòn đến Đà Nẵng mất khoảng 14 – 20 tiếng tùy thuộc vào chuyến tàu chậm hay nhanh. Đi từ Sài Gòn thì lâu hơn vì khoảng cách xa hơn.

Giá vé từ Hà Nội đi Đà Nẵng: tùy thuộc vào các loại ghế, có các mức giá khác nhau.

Bảng giá Vé Hà Nội Đà Nẵng của tàu SE7

 

Bảng giá Vé Hà Nội Đà Nẵng của tàu SE5

Bảng giá Vé Hà Nội Đà Nẵng của tàu SE9

Bảng giá Vé Hà Nội Đà Nẵng của tàu SE3

Bảng giá Vé Hà Nội Đà Nẵng của tàu SE19

Bảng giá Vé Hà Nội Đà Nẵng của tàu SE1

Giá vé từ Sài Gòn đi Đà Nẵng: tùy thuộc vào các loại ghế, có các mức giá khác nhau.

Bảng giá Vé Sài Gòn Đà Nẵng của tàu SE8

Bảng giá Sài Gòn Đà Nẵng của tàu SE6

Bảng giá Sài Gòn Đà Nẵng của tàu SE22

Bảng giá Sài Gòn Đà Nẵng của tàu SE10

Bảng giá Sài Gòn Đà Nẵng của tàu SE4

Bảng giá Sài Gòn Đà Nẵng của tàu SE2

Máy bay

Từ Hà Nội đến Đà Nẵng, tùy hãng hàng không có giá vé khác nhau. Mất khoảng 1 tiếng 30 phút để đến Đà Nẵng. Tương tự đối với tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng. (Bạn có thể tham khảo và liên hệ đặt vé Tại đây)

Vé máy bay khứ hồi chặng Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng. Ảnh: iVIVU

Xe khách

Xe khách đi Đà Nẵng thường là xe Bắc – Nam giường nằm. Giá vé và chất lượng không chênh lệch nhau nhiều, bạn có thể tham khảo giá vé của các hãng:

Nhà xe Phương Trang – SĐT: 1900 6067

Nhà xe Mai Linh Express – SĐT: 028 39 39 39 39

Ở Sài Gòn, bạn mua vé ở bến xe Miền Đông.

Lưu ý: Nên mua trước, hoặc gọi điện trước cho nhà xe để tránh tình trạng hết vé. Hoặc lên xe bị nhồi nhét.

Phượt đèo và khám phá thành phố bằng xe máy là trải nghiệm rất được yêu thích tại Đà Nẵng. Ảnh: reviewdanang

Nội thành Đà Nẵng:

Xe máy: tiện lợi và dễ dàng khám phá các điểm tham quan của du lịch Đà Nẵng. Có thể thuê tại khách sạn hay các điểm thuê xe máy, giá từ 90.000 VND – 150.000VND/xe/ngày.

Một số điểm cho thuê xe máy Đà Nẵng bạn có thể tham khảo:

– Cơ sở Gia Huy Đà Nẵng: 0905 616 552, địa chỉ: 112/80 Trần Cao Vân, Thanh Khê, Đà Nẵng.

– Dịch vụ cho thuê xe máy Bình Minh: 0986 862 986. Địa chỉ: 36 Tạ Mỹ Duật, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Taxi: Một số hãng taxi phổ biến tại Đà Nẵng:

Taxi Mai Linh – 0236.3565.656

Taxi Sông Hàn – 090.359.69.61

Taxi Vinasun Green – 0236.368.6868

Thời tiết, thời gian du lịch

Đà Nẵng là một thành phố thuộc vùng Nam Trung Bộ nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình. Nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Để tránh những ảnh hưởng của mưa bão thì thời điểm du lịch Đà Nẵng đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm. Tuy nhiên, nếu muốn du lịch tiết kiệm thì du khách nên đi vào khoảng tháng 1 đến tháng 4. Bởi thời điểm này không khí Đà Nẵng khá mát mẻ, không có bão và nhất là giá dịch vụ mềm hơn so với tầm tháng 6 đến tháng 8.

Bãi biển Mỹ Khê – Đà Nẵng. Ảnh: @ake_hanoi27

Địa điểm tham quan Đà Nẵng

Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa (thường gọi là Cổ viện Chàm)

Du lịch Đà Nẵng bạn nhất định phải ghé qua bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng năm 1915. Nhưng 20 năm trước đó, nhiều hiện vật điêu khắc Chăm tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam đã được tập trung về địa điểm có tên gọi “công viên Tourane”.

Toà nhà đầu tiên của bảo tàng được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair. Trên cơ sở về việc sử dụng đường nét tiêu biểu của kiến trúc Chăm. Mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, mở rộng nhưng toàn bộ phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn nguyên vẹn đến nay.

Ảnh: vietgoing

Địa chỉ: Số 2, đường 2/9, Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Cầu Sông Hàn

Cầu sông Hàn được xây dựng trên trục chính của đường Bạch Đằng. Nối quận Hải Châu với quận Sơn Trà, cây cầu quay là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Cây cầu đẹp lung linh và nổi bật giữa thành phố mỗi khi màn đêm buông xuống. Nét đặc biệt là mỗi đêm, cầu sông Hàn lại quay 90 độ quanh trục giữa cầu cho những con tàu lớn đi qua. Bắt đầu từ ngày 14/10/2015, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đã chính thức điều chỉnh giờ quay cầu sông Hàn sớm hơn để phục vụ người dân và du khách thưởng ngoạn cầu quay thuận lợi hơn.

Theo đó, cầu sông Hàn quay từ 23h – 23h30 vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Đồng thời, tạm dừng các phương tiện lưu thông qua cầu trước 15 phút thời điểm cầu bắt đầu quay cho đến khi hết giờ cầu quay.

Cầu Rồng

Cầu Rồng được khánh thành năm 2013. Nối thẳng trục đường từ sân bay Đà Nẵng ra các bãi biển Mỹ Khê và Non Nước. “Con Rồng” trên cầu có khả năng phun lửa và phun nước như thật vào lúc 21h các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Chợ Cồn

Chợ Cồn là khu mua bán lớn nhất TP. Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Lượng khách đến với chợ Cồn hiện nay không chỉ đơn thuần để mua sắm. Mà đây còn là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Đà Nẵng. Khu chợ này gồm có 3 khu vực chính. Bao gồm khu đồ khô, khu đồ ăn trong nhà và khu ngoài trời. Các khu vực được phân chia một cách hợp lý và khoa học, nhờ đó du khách dễ dàng quan sát và lựa chọn các sản phẩm yêu thích.

Địa chỉ: 290 Hùng Vương, Vĩnh Trung, Hải Châu, Đà Nẵng (nằm ở ngã tư đường Hùng Vương – Ông Ích Khiêm).

Bán đảo Sơn Trà/ Núi Khỉ

Ảnh: VnExpress

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía Đông, Sơn Trà được xem là “viên ngọc quý”. Với bờ biển dài, uốn lượn, cùng hệ động thực vật đa dạng. Bán đảo nằm trong địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có diện tích 4.439 ha đất liền. Nơi đây có bờ biển kéo dài, trong xanh quanh năm, cùng đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

Đến Bán đảo Sơn Trà bạn có thể tham khảo một số điểm tham quan hút khách khác như: đỉnh Bàn Cờ, cây đa ngàn năm, hải đăng Sơn Trà, Ghềnh Bàng, Hồ Xanh, chùa Linh Ứng,…

Ảnh: Trần Thị Thắm

Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng Sơn Trà hay còn gọi là chùa Linh Ứng Bãi Bụt là ngôi chùa lớn nhất thành phố Đà Nẵng cả về quy mô lẫn kiến trúc nghệ thuật.

Điều làm nên ấn tượng của điểm du lịch bán đảo Sơn Trà chùa Linh Ứng đó chính là tượng Phật Quan Âm cao nhất tại nước ta hiện nay. Đây là ngôi tượng được đặt trên ngọn đồi cao hơn 100m, đường kính tòa sen rộng tới 35m, đường kính lòng tượng rộng 17m và chiều cao tương đương 17 tầng. Mỗi tầng đều có bệ thờ tượng “Phật trung hữu Phật” với tổng cộng có khoảng 21 bức tượng. Chiều cao tổng thể của bức tượng này lên tới 67m.

Ảnh: Thanh Hoa

Suối Tiên và suối Đá

Suối Tiên và suối Đá là hai con suối đẹp, hoang sơ nằm ở núi Sơn Trà. Là những địa điểm dừng chân quen thuộc trong lịch trình các tour du lịch Đà Nẵng đi bán đảo Sơn Trà.

Bãi Bụt (Vịnh Bụt)

Bãi Bụt nằm ẩn mình trong một eo biển rất đẹp. Là nơi giao hòa giữa biển cả với núi rừng. Là địa điểm check-in siêu xịn dành cho du khách khi đặt chân đến đây. Tại Bãi Bụt du khách có thể check-in sống ảo, trải nghiệm câu hải sản, tổ chức dã ngoại, tham gia các hoạt động vui chơi thú vị trên biển,…

Ảnh: @Thành Lee

Bãi biển Mỹ Khê

Bãi biển Mỹ Khê cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 3 km. Qua cầu quay sông Hàn, đi thẳng đường lớn Phạm Văn Đồng tầm 1,5 km về hướng Đông. Bạn sẽ đến được với Mỹ Khê. Đây là bãi biển nổi tiếng với cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, nước ấm quanh năm, cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh. Đặc biệt, Mỹ Khê cũng từng được Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Bãi biển Phạm Văn Đồng

Bãi biển Phạm Văn Đồng là bãi tắm công cộng được xây dựng với kinh phí 12 tỉ đồng. Là địa điểm thu hút cư dân địa phương và khách du lịch khắp nơi. Vị trí: thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, tại công viên biển Đông.

Ảnh: @ntp.dungg

Bãi biển Bắc Mỹ An

Bãi biển Bắc Mỹ An là một bãi tắm ở phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Cát trắng mịn và nước trong xanh với nhiệt độ ít chênh lệch quanh năm là ưu điểm của bãi tắm này.

Chùa Tam Thai

Chùa Tam Thai nằm ở phía tây ngọn Thủy Sơn. Một trong năm ngọn núi nổi tiếng của Ngũ Hành Sơn. Đến tham quan địa điểm này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo và ấn tượng của ngôi chùa. Đầu tiên phải kể đến là bạn cần đi qua 156 bậc thang đã phủ rêu phong, nhuốm màu thời gian. Kiến trúc chùa Tam Thai khác biệt so với nhiều ngôi chùa khác, công trình này bao gồm 3 tầng: tầng 1 là Thượng Thai, tầng 2 là Trung Thai, tầng 3 là Hạ Thai.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Làng đá mỹ nghệ Non Nước là nơi sản xuất đồ mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Vị trí: Làng đá mỹ nghệ Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Đến với làng đá mỹ nghệ Non Nước bạn sẽ được khám phá các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, đa dạng. Những pho tượng đậm văn hóa Chăm Pa Cổ và những góc check-in sống ảo đầy thú vị.

Bãi tắm Non Nước

Bãi tắm Non Nước dài 5km, có khu du lịch với đồi thông thoáng mát dưới Ngũ Hành Sơn. Bãi tắm cát trắng mịn, có độ dốc thoai thoải, sóng êm. Nước biển không bị ô nhiễm, trong sạch, cuốn hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với du lịch Đà Nẵng.

Bà Nà – Núi Chúa

Bà Nà – Núi Chúa là một dãy núi thuộc huyện Hòa Vang cách Đà Nẵng 40 km về phía Tây Nam. Ở Bà Nà, du khách sẽ cảm nhận được bốn mùa riêng biệt trong một ngày: sáng – xuân, trưa – hạ, chiều – thu, tối – đông. Đây là điểm đến nổi tiếng của du lịch Đà Nẵng. Bạn có thể đặt vé Sun World Bà Nà Hills ngay Tại đây.

Đèo Hải Vân

Đây là nơi dãy Trường Sơn nhô ra biển. Cheo leo và hiểm trở, đèo Hải Vân là ranh giới giữa hai miền Nam – Bắc.

Check-in “Cây thông cô đơn” trên đèo Hải Vân.

Làng chiếu Cẩm Nê

Làng chiếu Cẩm Nê cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía Tây Nam, thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống, từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn.

Ảnh: 123tadi

Làng cổ Túy Loan

Làng cổ tọa lạc tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 15km. Làng cổ Túy Loan đã có trên 500 tuổi. Đến làng cổ Túy Loan, bạn không nên bỏ lỡ dịp được nếm thử món đặc sản bánh tráng và Mỳ Quảng nức tiếng xa gần của du lịch Đà Nẵng.

Giếng Trời

Giếng Trời nằm trong khu bảo tồn Bà Nà – Núi Chúa, Đà Nẵng, nơi có khu du lịch Bà Nà Hills nổi tiếng. Cảnh vật hoang sơ chính là nguồn cảm hứng đối với dân phượt, với các loại hình dã ngoại như trekking, leo núi, cắm trại hay tắm suối.

Ảnh: vnexpress

Xuất phát từ bãi giữ xe của khu cáp treo Bà Nà, phượt thủ phải chinh phục 7,5 km đường đèo dốc quanh co, vượt suối băng rừng để đến được “phượt điểm” này. Qua được con dốc đầu tiên thì chặng đường còn lại rất dễ đi. Cũng vì thế mà nơi đây như một chốn biệt lập và hoang sơ.

Rạn Nam Ô

Ảnh: @lizxtagram

Rạn Nam Ô cách trung tâm làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng – nằm giữa Đà Nẵng và đèo Hải Vân) khoảng 2km về hướng Đông Nam có một dải đá ngầm, ngư dân trong vùng gọi là rạn Nam Ô. Rạn Nam Ô có nhiều rong tảo nên là nơi trú ngụ của nhiều loài cá và hải sản quý.

Ảnh: @nngiang2210

Ẩm thực Đà Nẵng

Đà Nẵng có hai chợ lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là chợ Hàn và chợ Cồn, cùng những siêu thị lớn mới mở trong vòng vài năm trở lại đây như siêu thị Đà Nẵng, siêu thị Metro, đại siêu thị BigC, siêu thị Intimex, siêu thị Rosa Bài Thơ, siêu thị Nhật Linh, siêu thị Đại Dương… Đây là những trung tâm thương mại chủ yếu của Đà Nẵng.

Các quán ăn ngon ở Đà Nẵng phục vụ nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo, thịt bê thui, bún chả cá, bún mắm, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô… có thể mua về làm quà biếu.

1. Mì Quảng

Đây là thức quà sáng phổ biến ở Đà Nẵng. Một số nơi trên đường Hải Phòng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ bán cả ngày. Một tô mì Quảng “truyền thống” có sợi mì trắng dẹt, tôm, thịt heo hoặc gà, trứng, đậu phộng rang, bánh đa giòn, ăn kèm các loại rau thơm.

Ảnh: @citastyfood

Địa chỉ quán:

Mì quảng Bà Vị – 166 Lê Đình Dương, Hải Châu 2, Hải Châu, Đà Nẵng

Mì quảng Bà Ngân –108 Đống Đa, Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng

2. Gỏi cá Nam Ô

Gỏi cá Nam Ô thì phải tới khu vực Nam Ô để thưởng thức mới đúng điệu. Hoặc nếu không, bạn có thể qua Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô và gọi một phần với giá từ 40.000 đồng.

Địa chỉ quán:

Gỏi cá Thanh Hương – Nam Ô – 1029 Nguyễn Lương Bằng, Hoà Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng

Quán cô Hồng – 118 Huỳnh Thúc Kháng, Nam Dương, Hải Châu, Đà Nẵng

Gỏi cá Nam Ô A Sinh – 130 Huỳnh Thúc Kháng, Nam Dương, Hải Châu, Đà Nẵng

3. Bún chả cá

Là món ăn có ở nhiều vùng miền, tuy nhiên món bún chả cá Đà Nẵng mang một hương vị đặc trưng khác biệt mà không nơi nào có được. Bún chả cá có hai loại: chả cá hấp và chả cá chiên (hoặc cả hai). Đặc biệt, ở miền Trung thì bún ngon do nước dùng. Bún thường ăn kèm rau xà lách, giá đỗ và đừng quên thêm vào chút mắm ruốc.

Địa chỉ quán:

Bún chả cá hờn Đà Nẵng – 113/3 Nguyễn Chí Thanh, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Bún chả cá Nguyễn Chí Thanh – 109 Nguyễn Chí Thanh, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng

4. Bánh tráng thịt heo

Đây cũng là một trong những món đặc sản nổi tiếng của thành phố biển Đà Nẵng. Món ăn tuy đơn giản nhưng hương vị rất ngon, để lại nhiều ấn tượng trong lòng thực khách. Điểm nổi bật của món ăn là miếng thịt heo được thái mỏng vừa thơm, vừa mềm, ngọt, thịt luộc ra có phần mỡ rất trong. Rau ăn kèm là kết hợp của nhiều loại khác nhau gồm rau thơm, chuối xanh, giá đỗ, dưa chuột… khiến thực khách không thấy ngán. Điểm nhấn là bát mắm nêm thơm vị tỏi ớt được người làm khéo léo, rất đậm đà. Mỗi quán có một bí quyết pha nước chấm riêng, tạo nên những hương vị độc đáo khó quên của món ăn.

Địa chỉ quán:

Ẩm thực Trần – số 4 đường Lê Duẩn, Quận Hải Châu, Đà Nẵng

Quán Mậu – 35 Đỗ Thúc Tịnh, Quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng

5. Bánh xèo

Bánh xèo Đà Nẵng không nhỏ quá và cũng không lớn quá, chỉ riêng một kích cỡ vừa ăn. Bánh xèo ở Đà Nẵng được làm từ bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được lựa kĩ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ tươi. Rau sống sạch sẽ, gồm xà lách, húng quế, chuối chát, rau cải con… Nước tương pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống.

Địa chỉ quán:

Bánh xèo bà Dưỡng – 280/23 Hoàng Diệu, Bình Hiên, Hải Châu, Đà Nẵng

Bánh xèo miền trung bà Tình – Q, 14 Hoàng Diệu, Bình Hiên, Hải Châu, Đà Nẵng

6. Bánh bèo

Thứ bánh dân dã, mộc mạc từ nguyên liệu đến hương vị lại có sức quyến rũ lớn đối với cả dân bản địa và du khách tới Đà Nẵng. Bánh bèo có rất nhiều loại, được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn. Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa, bánh bèo chén được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Và tất cả đều có nhân bánh hấp dẫn bên trên.

Địa chỉ quán:

Bánh bèo bà Bé – 100 Hoàng Văn Thụ, Phước Ninh, Hải Châu, Đà Nẵng

Bánh bèo Tâm – 291 Nguyễn Chí Thanh, Phước Ninh, Hải Châu, Đà Nẵng

7. Bê thui Cầu Mống

“Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng. Trải miếng bánh tráng, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm, nhai thật kĩ mới cảm nhận hết vị ngon ngọt của thịt bê cộng với vị mặn đậm đà thơm ngon của mắm, khiến người ta dễ “quên sầu”.

Địa chỉ quán:

Bê thui 100 –100 Điện Biên Phủ, Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng

Bê thui cầu mống Mười – số 138 Nguyễn Tri Phương, quận Thanh khê, TP. Đà Nẵng

8. Chè “xoa xoa hạt lựu”

Xoa xoa nấu từ rau câu, hạt lựu làm từ bột lọc loại ngon, thạch đen được chế từ một loại lá cây mát trên rừng, đặc biệt nước cốt dừa được ép từ dừa nguyên chất… tất cả hợp lại làm nên thức uống ngon, mát lành. Khi ăn, độ giòn giòn của thạch, nước dừa và đậu xanh đánh béo ngậy cộng thêm cái dai dai của hạt lựu làm cho người ăn quên hết mệt mỏi. Trong những ngày nắng, “xoa xoa hat lựu” thật là thứ giải khát tuyệt vời!

Ảnh: yong

Địa chỉ quán:

Chè xoa xoa Đà Nẵng Trần Bình Trọng – 46 Trần Bình Trọng, Hải Châu 1, Hải Châu, Đà Nẵng

Chè xoa xoa Phan Thanh 103 – 103 Phan Thanh, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng

9. Mít trộn

Mít trộn, chỉ đơn giản là mít non luộc chín vừa tới. Xé tơi để trộn gỏi thịt ba rọi hoặc tôm thẻ hay da heo xắt sợi. Thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Nhưng lại khiến người ta ngây ngất trong mùi thơm quyến rũ và màu sắc bắt mắt. Ăn mít trộn cùng bánh tráng mè. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn. Cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non. Chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm… tất cả tạo nên vị ngon khó cưỡng.

Địa chỉ quán:

Mít trộn Bà Già – 25 Kiệt 47 Lý Thái Tổ, thành phố Đà Nẵng

Mít trộn 468 Trưng Nữ Vương -Số 468 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng

10. Bánh tráng kẹp

Phải nói rằng bánh tráng kẹp không có nơi nào ngon mà đậm đà, đa dạng như ở Đà Nẵng. Từ một loại bánh tráng nướng ban đầu, người Đà Nẵng đã chế biến ra thành đủ loại bánh tráng kẹp pate, kẹp trứng, bò khô với vô vàn kiểu hình: loại thì cuốn, loại thì trải rộng, loại thì ướt, loại thì khô, ốp la… Nhưng dù là loại bánh tráng nào cũng phải chấm với loại nước tương chuyên dụng có màu đỏ au của xốt bò khô. Sánh mịn quyện lẫn vị mặn ngọt cùng chút cay nồng của ớt rim thì mới ngon và hợp vị.

Địa chỉ quán:

Bánh tráng kẹp dì Liên –33 Trần Tống, Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng

Bánh tráng kẹp cô Nương – 66/1, Ông Ích Đ., Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng

11. Kem xôi

Với thời tiết nắng nóng, oi bức của miền Trung thì còn tuyệt hơn khi nhâm nhi những muỗng kem mát lạnh. Kem xôi là một món quà vặt khá thú vị của Đà Nẵng. Vị mát lạnh, thơm lừng của những viên kem socola, sầu riêng, vani… quyện với từng hạt xôi dẻo nấu chung với đậu xanh được chế biến cầu kỳ. Thêm vào đó là chút béo ngậy của sợi dừa sẽ khiến bạn không thể quên khi đã một lần thưởng thức.

Ảnh: @n.mh.96

Địa chỉ quán:

Kem xôi Đà Nẵng – 24 An Hải Đông 1, An Hải Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng

Quán kem bơ Thanh Thiên – 73 Phạm Thế Hiển, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng

12. Tàu hũ cocktail

Cũng là làm từ đậu nành nhưng tàu hũ ở Đà Nẵng rất đặc, mịn và kết dính cao. Khi đổ ra đĩa không vỡ nát nên thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ ngay đến món rau câu mát lạnh. Tàu hũ thường được đựng trong những chiếc khuôn hình tròn. Tùy theo sở thích của khách mà chủ tiệm kèm đá và các hương vị, hoa quả khác như sô cô la, sầu riêng hay cocktail… Múc từng thìa tàu hũ nhỏ đưa vào miệng, bạn sẽ cảm nhận rõ rệt được vị thơm, bùi, béo, mịn của đậu nành làm kì công hòa chung vị ngọt của đường.

Địa chỉ quán:

Tàu hủ và trà sữa may – 708 Trần Cao Vân, Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng

Tàu hủ xe Lam –176 Trần Phú, Phước Ninh, Hải Châu, Đà Nẵng

13. Sữa chua muối và mít lạnh

Sữa chua muối – đặc sản Đà Nẵng

Điểm khác biệt của sữa chua Đà Nẵng không chỉ nằm ở trong những chiếc hũ nhựa nhỏ xinh. Mà còn là bởi sự kết hợp vô cùng độc đáo của vị chua chua ngọt ngọt với chút mặn mặn của muối. Thoạt nghe, bạn sẽ cảm thấy có chút vô lý, nhưng nếu đã nếm thử, bạn sẽ phát hiện ra chính cái mặn của muối phần nào giúp người ăn đỡ ngán hơn.

Món mít lạnh Đà Nẵng

Địa chỉ quán:

Quán 59 – Làng Yaourt muối – 59 Phan Huy Chú, P. An Hải Tây, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng

14. Ốc hút

Ảnh: centralvietnamguide

Là một thành phố ven biển nên ốc dường như trở thành một món ăn vặt quen thuộc của người dân nơi đây. Ốc sau khi được ngâm với nước vo gạo để rã hết đất sẽ được cắt đít rồi đem xào chung với ớt, nước cốt dừa, gừng xả để những gia vị ấy thấm đều vào từng con. Ốc hút thường được ăn kèm với đu đủ xanh và bánh tráng. Chỉ nghĩ đến cái giòn tan của bánh tráng quyệt với ốc thơ. Nước ốc sền sệt thơm lừng có đủ vị mặn ngọt, cay bùi cũng đủ “bắt thèm” những người đã từng được thưởng thức món quà dân dã này của Đà Nẵng.

Ảnh: @danang-fantasticity

Địa chỉ quán:

Cô Ta – Ốc Hút Đĩa Bay – Doãn Khuê (Phía Sau Sân Vận Động Đĩa Bay Đường 2/9), Quận Hải Châu, Đà Nẵng

Ốc Hút Cô Luận – Chợ Bắc Mỹ An – Chợ Bắc Mỹ An, P. Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Khách sạn Đà Nẵng

Là thành phố du lịch nổi tiếng nên khách sạn Đà Nẵng rất đa dạng. Tùy thuộc vào điều kiện của cá nhân bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một khách sạn thích hợp. Dưới đây là những khách sạn Đà Nẵng được khách hàng iVIVU.com yêu thích nhất thời gian qua:

1. InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort

InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort tọa lạc biệt lập tại Bãi Bắc thuộc bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố khoảng 13 km và đi vào hoạt động từ tháng 6/2012 và là khu nghỉ dưỡng thuộc chuỗi InterContinental đầu tiên tại Việt Nam.

Với kiến trúc mộc mạc InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort đã chiếm trọn trái tim của du khách với vẻ ngoài gần gũi với thiên nhiên, bên trong sang trọng và hiện đại. Với 2 gam màu chủ đạo đen và trắng Resort hiện lên với sự thanh lịch và đẳng cấp bậc nhất, mỗi loại phòng đều được trang bị tiện nghi cao cấp, bao gồm một bồn tắm riêng, vòi sen phun mưa, bồn rửa mặt đôi và bộ sản phẩm phòng tắm Harnn tuyệt vời.

Địa chỉ: Bãi Bắc, Bán Đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, Việt Nam

2. Đà Nẵng Marriott Resort & Spa

Đà Nẵng Marriott Resort & Spa tọa lạc “tựa sơn hướng thủy” bên bờ biển Non Nước thơ mộng và thắng cảnh kiệt tác thiên nhiên núi Ngũ Hành Sơn, cung cấp các phòng nghỉ sang trọng bên những bãi cát nguyên sơ của bãi biển Non Nước.

Đà Nẵng Marriott Resort & Spa sở hữu kiến trúc Indochine đậm chất Á Đông kết hợp với vẻ đẹp thiên nhiên xuất thần. Chính sự kết hợp độc đáo này đã giúp Đà Nẵng Marriott Resort & Spa được vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu Việt Nam” bởi World Travel Award vào năm 2017.

Nơi đây đặc trưng với nội thất hiện đại, các phòng nghỉ rộng rãi, có ban công riêng cho tầm nhìn tuyệt đẹp ra biển, hồ bơi và chỗ ngồi ngoài trời. Các phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi, đi kèm TV truyền hình cáp màn hình phẳng 46 inch. Khu vực tiếp khách rộng rãi cùng dịch vụ cung cấp thảm tập yoga.

Địa chỉ: 7 Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam

3. Đà Nẵng – Mikazuki Japanese Resorts & Spa

Đà Nẵng – Mikazuki Japanese Resort & Spa nằm ngay vịnh Đà Nẵng với tầm nhìn là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam hứa hẹn mang đến cho du khách không gian tuyệt vời để nghỉ ngơi, xả stress và tìm lại sự bình yên cho tâm hồn.

Khu nghỉ dưỡng Đà Nẵng – Mikazuki Japanese Resorts & Spa là nơi dừng chân lý tưởng cho những ai đam mê phong cách Nhật, với hệ thống phòng ở tiêu chuẩn 5 sao. Cùng các tiện ích đi kèm đẳng cấp hàng đầu, resort mang lại sự tiện nghi, sang trọng cho du khách mỗi khi đặt chân đến đây.

Khu nghỉ dưỡng có hệ thống Hinode Villa gồm 12 căn biệt thự liền kề 48 phòng riêng biệt theo tiêu chuẩn 5 sao mang lại sự hiện đại và đẳng cấp. Với thiết kế nội thất sang trọng, đậm nét Nhật Bản, Đà Nẵng – Mikazuki Japanese Resorts & Spa đem đến sự tiện nghi và trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Địa chỉ: Nguyễn Tất Thành, Hoà Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng, Việt Nam

4. Khách sạn Meliá Vinpearl Đà Nẵng Riverfront

Khách sạn Meliá Vinpearl Đà Nẵng Riverfront là khách sạn 5 sao nằm tại thành phố Đà Nẵng sôi động. Với vị trí thuận lợi bên bờ sông Hàn, khách sạn tọa lạc trong khu vực trung tâm thành phố, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng khoảng 6 km và gần các điểm tham quan nổi tiếng như cầu Rồng, bãi biển Mỹ Khê và bán đảo Sơn Trà cũng như chùa Linh Ứng…

Meliá Vinpearl Đà Nẵng Riverfront có hồ bơi ngoài trời rộng 420 mét vuông, nơi có tầm nhìn đẹp nhất Đà Nẵng ra sông Hàn, địa điểm thường xuyên diễn ra bắn pháo hoa. Khách sạn mang đến không gian nghỉ dưỡng sang trọng với thiết kế lên đến 39 tầng, tổng cộng 837 phòng và suite hiện đại, trang nhã. Mọi căn phòng tại đây đều có tầm nhìn bao quát thành phố, được trang bị đầy đủ tiện nghi cao cấp như tivi màn hình phẳng, minibar, két sắt, máy pha cà phê/trà, wifi miễn phí và ban công riêng.

Địa chỉ: 341 Trần Hưng Đạo, phường An Hải Bắc,quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng, Việt Nam

5. Khu nghỉ dưỡng Sheraton Grand Đà Nẵng

Tọa lạc trên cung đường biển tuyệt đẹp chạy thẳng từ thành phố Đà Nẵng đến phố cổ Hội An, Sheraton Grand Đà Nẵng chính là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Đến với khu nghỉ dưỡng, du khách được tận hưởng niềm vui vô tận dưới ánh nắng miền nhiệt đới và làn nước trong xanh của bãi biển Non Nước. Khu nghỉ có lối thiết kế sang trọng phù hợp để đi cùng gia đình và bạn bè cũng như các chuyến công tác hay nghỉ dưỡng cá nhân.

Tất cả 270 phòng nghỉ và suite tại Sheraton Grand Đà Nẵng đều có ban công riêng nhìn ra biển. Từ công viên nước và khu vui chơi dành riêng cho trẻ em, đến sự đa dạng ẩm thực như hải sản cao cấp tại nhà hàng 5 sao La Plage, món Tomahawk trứ danh của The Grill, và những liệu trình chăm sóc thư giãn tại Shine Spa for Sheraton, nơi đây sẽ mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho mọi du khách.

Địa chỉ: 35 Trường Sa, Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam

Địa điểm chụp ảnh đẹp ở Đà Nẵng

Khu du lịch Bà Nà Hills

Ảnh: @eun31_ch

Được mệnh danh là chốn tiên cảnh với khí hậu 4 mùa vô cùng đặc biệt, Bà Nà Hills là nơi được nhiều các bạn trẻ chụp hình và check-in khi đến Đà Nẵng. Không gian thiên nhiên rộng rãi với một màu xanh tươi mát cộng với cảnh quan tuyệt đẹp ở Bà Nà, chắc hẳn sẽ làm phông nền lý tưởng cho những bức ảnh của bạn.

Ảnh: @eun31_ch

 

Công viên Biển Phạm Văn Đồng

Công viên Biển Đông thu hút du khách không chỉ nhờ khung cảnh đẹp hướng về bãi tắm biển lãng mạn mà còn gây ấn tượng du khách nhờ những đàn chim bồ câu. Điều đặc biệt là nếu bạn muốn có những bức ảnh đang hoà mình vào đàn chim bồ câu thì bạn nên có mặt tại đây lúc 7h30 hoặc 16h30 mỗi ngày.

Ảnh: mia

Chụp ảnh mùa cỏ lau

Tại Đà Nẵng có một bãi cỏ lau rất lớn nằm trên đường biển Thọ Quang. Cứ vào tầm những ngày cuối thu thì cánh đồng cỏ lau này lại bắt đầu trở thành địa điểm tập kết của các tay mê chụp ảnh. Từ giới trẻ, khách du lịch, người bản địa, rồi chụp ảnh cưới cũng tập trung về đây để có cho mình những bức hình “nhìn xa xăm” giữa đồng lau bạt ngàn.

Hình ảnh minh họa. Ảnh: taidanang

Khu vực tượng đá Cá Chép Hóa Rồng và cầu tàu tình yêu

Đây là hình ảnh được chọn làm biểu tượng cho bến du thuyền, tạo điểm nhấn mới cho cảnh quan bờ Đông sông Hàn. Thân cá chép được điêu khắc với lớp vẩy rắn chắc. Đầu hóa rồng lấy ý tưởng rồng thời Lý và được thiết kế phun mưa. Đuôi cá được làm cách điệu, mang ý nghĩa hòa bình, thịnh vượng, tình đoàn kết…

Tại đây, còn có cây cầu tình yêu vốn được giới trẻ biết đến như một nơi để bày tỏ tình yêu, sự hứa hẹn hạnh phúc. Cùng với đó là không gian đẹp bên chân Cầu Rồng, đây sẽ là nơi chụp ảnh kỷ niệm lý tưởng được nhiều bạn trẻ chọn lựa.

Ảnh: @kimtienicy

Những cây cầu nổi tiếng và đẹp tại Đà Nẵng

Cầu Rồng. Ảnh: @hahinmakeup86

Có thể nói Đà Nẵng là thành phố nổi tiếng với những cây cầu như: cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu sông Hàn,… Mỗi cây cầu có những dấu ấn và phong cách riêng cũng là sự lựa chọn hấp dẫn cho địa điểm chụp ảnh đẹp.

Cầu Vàng. Ảnh: @dnjsl_02

Bán đảo Sơn Trà

Kéo dài từ Hồ Xanh đến Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, với con đường dài, cực đẹp, cùng với đó là những bãi đá nổi tiếng Đà Nẵng như Bãi Bụt, Bãi Rạng,…. sẽ là nơi tuyệt vời để bạn liệt kê trong danh sách địa điểm chụp ảnh đẹp tại Đà Nẵng.

Hồ Hòa Trung

Hồ Hòa Trung thuộc địa phận xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) cách trung tâm thành phố khoảng 20km, được ví như thảo nguyên Tây Tạng giữa lòng Đà Nẵng với những bãi cỏ xanh mát bằng phẳng, kéo dài thẳng tấp, bao bọc quanh lòng hồ nhân tạo.

Ảnh: mia

Đây là địa điểm lý tưởng để bạn có thể trải nghiệm chèo thuyền độc mộc trên dòng sông xanh ngắt. Những chiếc thuyền độc mộc là do người dân nuôi cá bè làm ra. Họ sử dụng thuyền để thăm nuôi cá, di chuyển qua bên hồ.