Du lịch Cù Lao Câu: Cẩm nang từ A đến Z

54

Du lịch Cù Lao Câu: Cẩm nang từ A đến Z

Từ đất liền nhìn ra, Cù Lao Câu như một chiến hạm đang neo đậu trên biển với mũi tàu quay về hướng Đông. Cù Lao Câu cách đất liền khoảng 7 hải lý. Vào những ngày biển động, thuyền máy chạy khoảng 75 phút và khoảng 40 phút vào những ngày trời êm. Đá ở đây hằng hà sa số, nhiều hình thù kỳ dị và màu sắc, biến đổi khác thường tùy theo ánh sáng mỗi ngày.

Trong thế chiến thứ 2, Cù Lao Câu từng là nơi trú ẩn của hải tặc. Chúng thường cướp phá và đánh chìm các tàu Nhật đi ngang. Hằng năm, con cháu của những thủy thủ Nhật năm xưa vẫn ra đảo thả vòng hoa tưởng niệm. Trước đây trên đảo chỉ có độc nhất quán Tư Hữu nên được gọi là “cô độc quán”, giờ có thêm quán bà Ba Giữ.

Nguồn nước chính trên đảo được lấy từ giếng Gia Long. Tương truyền, Nguyễn Ánh trong những tháng ngày bôn tẩu từng ghé đảo ẩn nấp. Nhiều địa danh với những tên gọi đầy ấn tượng gắn liền bao sự tích hư thực như: hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi San Hô, bãi cá Suốt, hang Yến, hang Ba Hòn, giếng Tiên…

Đi Cù Lao Câu thích hợp nhất là từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, đó là mùa gió nam biển lặng. Từ sau rằm tháng 8 đến tháng 3 âm lịch là mùa biển động. Mùa này gió ngược sóng lớn, đi thuyền cực kỳ vất vả. Thế nhưng mùa nào ở đảo cũng ngập nắng, đầy gió, “Gió như Phan (phang), nắng như Rang” mà.

Nhưng gió biển ở đảo dịu mát hơn, còn biển thì xanh ngắt, mênh mông quyến rũ. Đảo rất ít cây xanh bởi lượng mưa rất thấp. Chỉ có một số cây dương và bạt ngàn cỏ dại, cây thân bụi. Dù hơn 6 tháng không một giọt mưa, nhưng cỏ cây trên đảo vẫn kiên cường tồn tại và nở hoa. Hai loài bò sát có nhiều ở đảo là dông cát và rắn, cả rắn độc. Dù không còn nhiều như xưa nhưng “cẩn tắc vô áy náy”. Dạo chơi trên đảo nhất là ban đêm, cứ đi giày và mặc quần dài cho chắc ăn. Rắn chẳng tấn công người, trừ khi vô tình đạp phải hoặc bị đe dọa.


1. Di chuyển ra đảo Cù Lao Câu

Từ đất liền đi ra đảo Cù Lao Câu các bạn có thể xuất phát từ nhiều điểm: cảng cá Phước Thể, thị trấn Liên Hương, thị trấn Cà Ná, xã Vĩnh Tân…

+ Xuất phát từ cảng cá Cà Ná ra Cù Lao Câu mất khỏang 1 giờ 15 phút. Cà Ná thì có bãi đậu xe lớn và các loại hình dịch vụ tốt nhất.

+ Xuất phát từ bến đò ở thị trấn Liên Hương thì các bạn đi ca nô của Trung tâm Bảo tồn Biển. Các bạn có thể gọi trước cho anh Lập 0918335617 để đặt ca nô, giá 250.000 đồng/người/khứ hồi (hoặc anh quang chủ tàu Song Én 0915816131)

+ Từ cảng cá Phước Thể có thể đi tàu gỗ của ngư dân ra Cù Lao Câu hoặc đi nhờ tàu chở nước ngọt và thực phẩm ra đảo, mất khoảng 30 phút. Có một nhà hàng trên đảo của ông Tư Hữu (0932144454) cũng có tàu riêng ra đảo mà các bạn có thể gọi trước để hỏi thông tin.


2. Lưu trú

Đảo thuộc quyền quản lý của bộ đội biên phòng nên nếu muốn ở lại đảo qua đêm các bạn cần xin phép bộ đội biên phòng trên đảo.

Tuy nhiên, trên đảo không có dịch vụ lưu trú nào nên muốn ở lại thì các bạn cần tự mang theo lều, túi ngủ hoặc có thể xin ngủ nhờ ở đồn biên phòng. Các anh bộ đội ở đây khá thân thiện và luôn giúp đỡ mọi người. Thường các nhóm chỉ ra đảo vào buổi sáng và chơi đến chiều thì quay về đất liền.


3. Địa điểm tham quan trên đảo

– Bãi San Hô: Cù Lao Câu là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm. Chính vì vậy đây là nơi tuyệt vời để các bạn có thể ngắm san hô.

– Hang Yến: Hang có hàng trăm con chim yến làm tổ. Trước đây dân đi biển hoặc dân lấy yến thường ra đây để khai thác trứng và tổ yến nhưng hiện tại có sự bảo vệ của doanh trại bộ đội biên phòng trên đảo nên yến sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều.

– Hang Ba Hòn: Ngay cạnh hang Yến là hang Ba Hòn, hang được tạo ra bởi 3 tảng đá lớn dựng đứng, hình dáng rất lý thú mà ai đến đây cũng phải chụp ảnh.

– Đền thờ thần Nam Hải (thờ cá Ông dành cho dân đi biển ghé cầu). Hàng năm đều có lễ hội vào rằm tháng Tư.

Ngoài ra, ở Cù Lao Câu còn có Giếng Tiên, Bãi Tiên, Hang Tình Yêu, Khe Sung Sướng, Bãi Cá Suốt đang đợi bạn khám phá.

4. Địa điểm ăn uống

Trên đảo có 2 quán mở thường xuyên. Trong đó có quán Sóng Biển của ông Tư Hữu được nhắc đến ở phía trên, quán nấu ăn rất ngon. Ông là người rất dễ mến, thân thiện và nhiệt tình. Ông sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch cho các bạn cả ngày trên hòn đảo này vì với ông đây giống như ngôi nhà, nơi mà ông thương yêu nhất.

Một số đặc sản trên cù lao Câu:

– Ốc vú nàng, đây là loại ốc vỏ hình chóp lệch, trên đỉnh có một núm nhỏ với vỏ bên ngoài đen xám còn bên trong lấp lánh màu xà cừ. Cách phổ biến nhất khi thưởng thức món ốc này chính là luộc hoặc nướng.

Ốc Vú Nàng. Ảnh: Zing News

– Cua Mặt Trăng, là một loại cua có đốm trên mai, loại cua này được nhiều người đánh giá ngon như cua huỳnh đế nhưng giá thì rẻ hơn đến mấy lần.

Cua Mặt Trăng. Ảnh: bikipdulich

– Cùi sò: Món này được ngư dân ở đây chế biến rất ngon, có kèm lạc giã vụn. Đây có thể coi là đặc sản của Cù Lao Câu, vì món này chưa từng thấy ở những nơi khác. Ngoài ra, các loại hải sản khác ở đây cũng rất phong phú và có giá thành khá rẻ.

5. Lưu ý khi du lịch Cù Lao Câu

– Trước khi ra Cù Lao Câu các bạn nên hỏi chủ tàu hoặc người dân đảo xem biển có động hay không vì nếu vào ngày biển động thì việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.

– Nên mang theo áo phao để đề phòng khi di chuyển trên biển vì các bạn không chỉ di chuyển bằng tàu gỗ hay ca nô mà còn phải di chuyển bằng thuyền thúng nữa.

– Nếu bạn muốn cắm trại ở lại qua đêm cần nhờ người đi tàu hoặc người ở quán ăn xin phép bộ đội biên phòng.

– Nếu cần sử dụng nước ngọt có thể xin ở giếng trong doanh trại bộ đội nhưng các bạn cũng nên tiết kiệm cho các anh bộ đội ở đây.

– Trên đảo nổi tiếng là có nhiều rắn độc nên khi di chuyển đi lại các bạn nên đi vào đường mòn, không nên đi vào bụi rậm, cắm trại ở những khu vực thoáng mát, tối nên đốt lửa để tránh rắn.

– Không nên xả rác trên đảo.

6. Lịch trình dự kiến

– 9h tối: bạn ra bến xe miền Đông đón xe Quê Hương đi Phan Rang.

– 4h sáng: đến ngã ba Đại Hòa, bắt xe Đa Su đi Cảng Cá Phước Thể (khoảng 3km). Tranh thủ nghỉ ngơi.

– 6h sáng: ăn sáng, cafe, đi dạo quanh cảng cá, liên hệ ngư dân đón tàu ra đảo.

– 8h sáng: lên tàu ra đảo.

– 9h sáng: tới đảo. Tắm biển và đi dạo quanh đảo, tận hưởng không khí trong lành. Lặn biển ngắm san hô.

– 2h trưa: lên tàu về lại đất liền.

– 3h chiều: đi tham quan chùa Cổ Thạch hay còn gọi là chùa Hang, trên đường từ Phước Thể chạy qua thị trấn Liên Hương để tới chùa. Những cơn gió mát lạnh phả vào mặt cùng với mùi của đất, của cỏ cây hòa quyện sẽ làm bạn nhớ đến quãng thời gian thơ ấu của những ngày còn ở quê.

Theo Huỳnh Tuấn