Du lịch cộng đồng Sapa – Trải nghiệm nghề dệt vải lanh

30

Sa pa là cái tên quen thuộc với những tín đồ du lịch. Nhắc đến Sa pa là du khách có thể nghĩ ngay đến đỉnh núi Fanxipang, đến thung lũng Tả Van với những thửa ruộng bậc thang cao ngút tưởng như chạm đến chân mây, và còn có thêm hoạt động với rất nhiều điều thú vị hấp dẫn. Hiện nay, di chuyển đến Sa pa đã trở nên rất dễ dàng. Từ Hà Nội chúng tôi đi xe khách tới thẳng Sa pa. Nếu bạn đi bằng tàu hỏa thì tới Lào Cai rồi tiếp tục đi xe khách tới Sa pa cũng rất thuận tiện.

Ngắm Sa pa mùa thu vàng

Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng là đặc trưng của Sa pa mùa thu

Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng là đặc trưng của Sa pa mùa thu

Từ Sa pa chúng tôi đến với bản Lao Chải theo con đường tỉnh lộ 152 chạy dọc thung lũng Tả Van. Những thửa ruộng đang chuyển dần sang màu vàng óng ả, mùa lúa chín đang đến rất gần. Từ trung tâm Sapa, đi chừng 6km là chúng tôi đến lối rẽ ở bên phải để vào bản Lao Chải. Theo con đường bê tông nhỏ dẫn xuống cầu treo Lao Chải, băng qua dòng suối lớn để vào khu bản nhỏ với những nếp nhà bé xinh nép bên ruộng lúa.Chúng tôi chọn lưu trú ở homestay Victoria sapa.

Bản Lao Chải vào mùa lúa chín với màu xanh vàng quyến rũ

Đường tới Victoria Sapa Homestay Lao Chải khá nhỏ và dốc nhưng sạch sẽ. Chị chủ nhà đón từ đầu cầu treo đã chở hành lý về trước. Chị hướng dẫn đường đi bộ cẩn thận và chi tiết, vừa chở hành lý của khách, vừa chủ động dừng xe ở mỗi ngã rẽ để chờ khách đi tới rồi chỉ dẫn thêm để khách khỏi đi lộn đường. Du khách có thời thời gian tự do chụp hình, trải nghiệm thiên nhiên và ngắm cảnh. Băng qua con đường chính của bản, rẽ phải để lên con dốc cuối cùng trước khi đến homestay. Những bông lúa đang chờ ngày gặt nghiêng ra sát đường hứa hẹn một vụ mùa bội thu

View ruộng lúa của Victoria Sapa Homestay, lúa trải miên man ngút tầm mắt

View ruộng lúa của Victoria Sapa Homestay, lúa trải miên man ngút tầm mắt

Tới homestay, chúng tôi ngồi bên hiên nhà uống chén trà trò chuyện với chủ nhà bên chiếc view lúa “ triệu đô “. Hương lúa mới ngập tràn không gian mang lại một cảm giác thư thái dễ chịu. Phòng ở nơi đây chỉ vừa đủ những tiện ích cơ bản, chủ yếu hướng du khách tới những trải nghiệm với hoạt động du lịch cộng đồng ở Sa pa như đi bộ tự khám phá xung quanh hoặc sinh hoạt cùng gia chủ với những công việc đậm bản sắc địa phương như dệt vải từ cây lanh, vẽ hoa văn lên vải bằng sáp ong, nhuộm vải.

Phòng lưu trú tại Victoria Sapa homestay

Phòng lưu trú tại Victoria Sapa homestay

Tìm hiểu về nghề dệt vải lanh độc đáo

Nguyên liệu chính làm nên miếng vải là sợi lanh được làm từ vỏ của thân cây lanh. Sợi lanh có đặc tính mềm và dai nên dệt thành vải sẽ rất bền. Cây lanh được trồng ở khoảnh bìa rừng gần nhà ở. Cứ vào khoảng đầu tháng 8, người dân trên khắp các bản làng của Sa pa sẽ đi thu hoạch lanh. Cây lanh sau khi thu hoạch được bó thành đụn, phơi qua nắng gió. Khi khô lanh được mang về tước vỏ, ngâm với tro trắng của bếp củi đốt từ củi cây nghiến, tro càng trắng thì vải càng trắng tinh.

Cây Gai dầu thường được người dân đồng bào gọi là cây lanh

Cây Gai dầu thường được người dân đồng bào gọi là cây lanh

Nghề dệt vải lanh được lưu truyền và duy trì từ rất lâu đời qua các hoạt động truyền dạy của bà cho mẹ rồi đến các con và cháu gái. Hầu như người phụ nữ đồng bào nào ở nơi đây đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh, dệt vải, may vá quần áo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình, thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ. Vào ngày cưới của mình, thông thường người phụ nữ sẽ mặc chính những chiếc áo do mình làm ra với sự tự hào, nâng niu mang theo những gửi gắm về khát khao sinh sôi, hạnh phúc, bình yên.

Dệt vải bằng khung gỗ đơn sơ, sau khi dệt tấm vải sẽ được vẽ một số hoa văn trước khi mang đi nhuộm

Chị chủ nhà vừa dệt vải, vừa thủ thỉ kể công đoạn tước vỏ lanh tưởng đơn giản nhưng cũng cần phải có kỹ thuật nhất định, tước vỏ phải làm sao càng dài càng tốt, hạn chế đứt đoạn để hạn chế các mối nối. Khi nối các mối nối cũng phải rất khéo để sợi lanh được đều và đẹp. Sau công đoạn nối và se sợi bằng tay, sợi sẽ được lắp vào guồng se sợi rồi cho vào guồng thu sợi, lúc này sợi lanh đã mướt mịn hơn và tới đây mới kết thúc công đoạn sơ chế sợi để bước vào công đoạn dệt vải.

Cận cảnh khung cửi dùng dệt vải – Du lịch cộng đồng ở Sa pa

Trong các bản làng, hầu như nhà nào cũng có khung cửi và người phụ nữ nào cũng biết se lanh, dệt vải. Khung cửi khá đơn sơ với những khung vuông chính và con thoi bằng gỗ đơn giản. Hai bàn đạp đẩy thay đổi khung sợi cũng hết sức thô sơ nhưng đã dệt nên những tấm vải mịn màng, vuông vức. Vải sau khi dệt sẽ được vẽ một số hoa văn trước khi mang đi nhuộm.

Con thoi bằng gỗ

Con thoi bằng gỗ

Bàn đạp bằng gỗ dùng khi dệt vải

Bàn đạp bằng gỗ dùng khi dệt vải

Trải nghiệm vẽ sáp ong và nhuộm vải lanh

Kỹ thuật vẽ sáp ong lên vải lanh là một công đoạn được thực hiện sau khi dệt vải. Sáp già màu nâu, sáp non màu vàng sau khi lấy hết mật, được nấu cho đến khi nóng chảy rồi trộn lẫn vào nhau và để nguội. Khi nguội sáp sẽ đông thành cục, được đem cất để dùng dần.

Miếng sáp ong được nung chảy trong nồi

Khi bắt đầu vẽ lên vải, sáp được mang ra nung chảy ở trong nồi, bên ngoài là chậu chứa than củi được đốt nóng đỏ, nhằm duy trì nhiệt độ thường xuyên ở khoảng 70- 80 độ để sáp ong nóng chảy và luôn lỏng không bị khô. Bút vẽ có đầu là một lá đồng hình tam giác được kẹp vào cán làm từ thanh tre hoặc gỗ, đầu bút càng mỏng hoa văn sẽ càng đẹp.

Trải phẳng vải để vẽ sáp ong – Du lịch cộng đồng ở Sa pa

Các hoa văn trên vải rất đa dạng. Mỗi hoa văn mang những ý nghĩa riêng phản ánh đời sống tinh thần của người dân với trí tưởng tượng phong phú và những mong ước về đời sống thuận hòa hạnh phúc. Sau khi vẽ xong toàn bộ hoa văn, vải sẽ được mang đi luộc cho sáp ong bong hết chỉ còn chừa lại lớp hoa văn trên trang phục. Lúc này vải được mang đi nhuộm.

Người ta dùng bút vẽ sáp ong lên mặt vải

Người ta dùng bút vẽ sáp ong lên mặt vải

Khách du lịch mặc trang phục truyền thống của người đồng bào, cùng trải nghiệm vẽ sáp ong lên vải lanh với chủ nhà - Du lịch cộng đồng ở Sa pa

Khách du lịch mặc trang phục truyền thống của người đồng bào, cùng trải nghiệm vẽ sáp ong lên vải lanh với chủ nhà – Du lịch cộng đồng ở Sa pa

Sau khi vẽ, vải sẽ được ngâm trong nước chàm. Người ta lấy lá chàm rồi vò nát ủ cùng với tro bếp để chàm không phai. Ngâm khoảng 10 ngày cho đến khi nước chàm chuyển màu xanh đậm thì dùng để nhuộm được. Sau khi nhuộm sẽ mang phơi nắng thì hoàn thành. Vải lanh có thể được thêu thêm các họa tiết khác.

Vải lanhđược nhuộm chàm, sau khi nhuộm sẽ đem phơi nắng để được tấm vải như ý

Công đoạn nào trong quá trình tạo nên miếng vải truyền thống của người dân nơi đây cũng đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo và tinh tế. Chúng tôi say sưa theo dõi từng thao tác thuần thục và đẹp mắt. Trải nghiệm vẽ sáp ong và nhuộm chàm cho miếng vải được dệt thủ công từ bàn tay khéo léo của người dân khiến du khách thích thú và để lại ấn tượng đặc biệt. Không chỉ nổi tiếng về địa hình hấp dẫn, thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa đa dạng, những hoạt động như thế này đang ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với nơi đây.