Du lịch An Giang ‘săn’ món ngon ốc núi vùng Bảy Núi
Ốc núi chỉ bò lên mặt đất kiếm ăn vào những tháng mưa, mặt đất thấm ướt, nhất là vào ban đêm trời mát mẻ, từng con bò trên mặt đất hoặc các hòn đá núi. Người đi săn sau khi phát hiện chỉ cần lượm cho vào giỏ.
Người soi ốc thường đi vào ban đêm, trên đầu có gắn một đèn pin, lúc nào cũng hướng mắt về các gốc cây, tảng đá hoặc dọc các dòng suối mày mò tìm kiếm.
Ốc núi là một loài đặc hữu chỉ xuất hiện nhiều trên núi Cấm và núi Dài (Ngọa Long Sơn) vùng Bảy Núi, An Giang. Ốc mình tròn, hơi dẹp, to bằng ngón tay cái, sống chui rúc trong các hang hốc, khe núi và dưới các gốc cây, nhiều nhất là ở các bụi chuối nên còn gọi là ốc chuối.
Các tay sành điệu ẩm thực chỉ mới phát hiện loài ốc này độ vài ba năm nay. Ốc núi con nào cũng mập mạp, thịt giòn, vị ngọt, thơm ngon độc đáo, tuyệt đối không có mùi tanh và mùi bùn, ít có loài ốc nào qua mặt nổi.
Mặc dù thịt ốc ngon nhưng muốn thưởng thức, khách du lịch phải quen biết cư dân vùng núi Cấm và đặt cọc trước vài ba ngày mới có thể thỏa mãn lòng mong ước.
Anh Nguyễn Hữu Tài – nông dân sống ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo (núi Cấm), người chuyên săn cua núi và ốc núi – cho biết ốc núi tuy nhiều nhưng người đi săn phải biết cách bắt vì loài ốc này chỉ tập trung ở một vài nơi thích hợp.
Người bắt giỏi mỗi đêm cũng kiếm khoảng 200.000 đồng kể cả cua núi. Thông thường khi có người điện thoại dặn trước anh Tài mới đi săn và săn tới khuya cũng chỉ được 1kg ốc và khoảng vài ký cua.
Theo kinh nghiệm của người dân miền núi, ốc núi Cấm ngon nhất là luộc lá chúc (một loại cây đặc hữu của vùng Bảy Núi có mùi vị the như lá chanh), rang me hoặc xào mỡ.
Muốn luộc lá chúc, người ta rửa ốc cho sạch bùn đất rồi ngâm với nước cơm vo độ 30 phút, tiếp theo dùng lá chúc lót dưới đáy nồi, sau cùng đổ ốc vào luộc chín.
Khi ăn chỉ cần lể từng con chấm với muối tiêu chanh hoặc muối ớt. Mùi của lá chúc làm thịt ốc càng tăng thêm mùi vị thơm ngon. Nếu ai thích cầu kỳ hơn có thể xào ốc với mỡ hành, cho thêm lá gừng hoặc sả đập giập nhằm kích thích vị giác.
Hấp dẫn hơn nữa là rang me. Sau khi rang me người ta cũng có thể dùng lá chúc hoặc rau thơm rải đều lên mặt ốc. Nhờ vậy người thưởng thức mới cảm nhận hết cái mùi đặc trưng và hương vị nồng nàn của ốc núi.
Có thể nói ốc núi Cấm hiện nay là một loài ốc quý hiếm, dù chỉ thưởng thức một lần cũng đủ khiến cho du khách sau chuyến leo núi và ngủ đêm trên núi Cấm trở về vẫn còn vương mãi dư vị của vùng Bảy Núi.
Theo Tuoitre.vn
Xem thêm các bài viết:
Hỏi đáp thắc mắc kinh nghiệm du lịch An Giang
Hai ngày du lịch An Giang mùa nước nổi
Du lịch An Giang khám phá bảy ngọn núi trong dãy Thất Sơn