Đông nghịt người tắm biển giữa trưa Tết Đoan ngọ

65
12h trưa 10-6 (Tết Đoan ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch), đông nghịt người đổ về các bãi biển tuyệt đẹp ở Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang để tắm biển với mong muốn xua đi vận xui, cầu may mắn, sức khỏe, tài lộc.
Hàng ngàn người dân và du khách có mặt tại bãi biển TP Quy Nhơn lúc 12h trưa - Ảnh: LÂM THIÊN

Hàng ngàn người dân và du khách có mặt tại bãi biển TP Quy Nhơn lúc 12h trưa – Ảnh: LÂM THIÊN

Theo phong tục, người dân ở Nam Trung Bộ quan niệm tắm biển vào đúng 12h trưa trong ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan ngọ) sẽ giúp rửa đi hết vận xui và đón thêm nhiều tài lộc, may mắn.

Hàng ngàn người dân tắm biển giữa trưa Tết Đoan ngọ

Giữa trưa Tết Đoan ngọ, hàng ngàn người dân các huyện, thị lân cận trong tỉnh Bình Định cùng du khách đổ xô xuống biển Quy Nhơn để tắm.

Tắm biển giữa trưa Tết Đoan ngọ để xua vận xui, cầu may mắn

Anh Nguyễn Văn Hạnh (ở Quy Nhơn) cho biết: “Thấy mọi người đi tắm biển đông vui nên tôi cũng đi theo. Ra biển mát mẻ và dễ chịu. Đây là phong tục lâu đời, tôi thấy cũng hay hay. Tôi thì tắm biển cầu cho mọi chuyện đều tốt đẹp, bình an”.

Còn ở bãi biển Tuy Hòa (Phú Yên), đặc biệt là hai bên khu vực quảng trường tháp Nghinh Phong đông kín người, sóng biển vỗ rì rào, thời tiết tương đối mát mẻ.

Người dân Phú Yên từ già đến trẻ kéo nhau xuống biển tắm lúc 12h trưa mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Người dân Phú Yên từ già đến trẻ kéo nhau xuống biển tắm lúc 12h trưa mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) – Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Anh Lê Minh Hoài (37 tuổi, du khách đến từ Đà Nẵng) đã chọn Phú Yên làm điểm đến cho kỳ nghỉ của mình và gia đình.

Anh Hoài cho biết đi du lịch đúng dịp Tết Đoan ngọ nên anh cùng vợ con xuống biển tắm, mong muốn xua tan đi những điều không may và đón nhận sự may mắn trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Kim Hồng (67 tuổi, trú TP Tuy Hòa) cho biết tắm biển vào lúc 12h trưa dịp Tết Đoan ngọ là quan niệm có từ thời xa xưa ông bà để lại, con cháu cứ vậy tiếp nối.

“Người xưa quan niệm tắm biển ngày Tết Đoan ngọ, đặc biệt phải tắm đúng 12h trưa mới linh nghiệm để rũ bỏ “sâu bọ”, rửa đi những điều không tốt trong một năm, đồng thời cầu sức khỏe, tài lộc nên năm nào tôi và gia đình cũng tắm biển vào dịp này”, bà Hồng chia sẻ.

Người dân và du khách ở TP Quy Nhơn tắm biển dịp Tết Đoan ngọ - Ảnh: LÂM THIÊN

Người dân và du khách ở TP Quy Nhơn tắm biển dịp Tết Đoan ngọ – Ảnh: LÂM THIÊN

Tắm biển cầu may, mang “nước rồng” về rửa

Trong khi đó, tại bãi biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), hàng nghìn người dân ở thành phố cùng nhau ra biển tắm để xả xui và cầu những điều may mắn.

Bà Nguyễn Thị Bích (phường Phước Hải) cho biết hằng năm bà cùng chồng con đều ra đây để tắm vào dịp Tết Đoan ngọ.

“Tôi đến đây chủ yếu là cầu sức khỏe, bình an cho mình và gia đình, chúng tôi thường tắm khoảng nửa tiếng đồng hồ và sau đó sẽ dùng cơm trưa và nghỉ trưa ngay tại bãi biển” – bà Bích nói.

Theo người dân địa phương, trước khi xuống tắm biển thì thường sẽ đứng nguyện cầu những điều tốt đẹp sẽ đến cho gia đình, xã hội và đất nước, sau đó ngồi trên bờ và rải cát lên người, rồi xuống tắm sạch đi chỗ cát đó khi đúng 12h trưa.

Theo quan niệm, nước biển cuốn hết mọi phiền toái, rắc rối, thậm chí “sâu bọ” và bệnh tật ra ngoài khơi và đem lại may mắn.

Ngoài ra nhiều người cùng đem theo bình nước để mang nước biển lúc 12h trưa về, người dân thường gọi đây là “nước rồng” để mang về rửa, như là một cách xả xui.

Nhiều du khách cùng con nhỏ vẫn ra bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) giữa trưa để tắm cùng người dân địa phương, cầu may trong ngày Tết Đoan ngọ - Ảnh: LÂM THIÊN

Nhiều du khách cùng con nhỏ vẫn ra bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) giữa trưa để tắm cùng người dân địa phương, cầu may trong ngày Tết Đoan ngọ – Ảnh: LÂM THIÊN

Nhiều người vừa che dù vừa tắm biển để tránh nắng - Ảnh: TRẦN HOÀI

Nhiều người vừa che dù vừa tắm biển để tránh nắng – Ảnh: TRẦN HOÀI

Nhiều người Nha Trang lấy nước ở biển lúc 12h trưa Tết Đoan ngọ, hay gọi là "nước rồng", mang về nhà - Ảnh: TRẦN HOÀI

Nhiều người Nha Trang lấy nước ở biển lúc 12h trưa Tết Đoan ngọ, hay gọi là “nước rồng”, mang về nhà – Ảnh: TRẦN HOÀI