Đó là ý kiến mà nhiều chuyên gia đã cùng chia sẻ, thảo luận trong hội thảo “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 11-10 tại Hà Nội.
Những con số khủng từ thú vui xem chim
Theo ông Nguyễn Hoài Bảo – giám đốc Công ty du lịch Wildtour, khách cao cấp là tệp khách có mức thu nhập cao, muốn tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, yêu cầu sự tiện nghi và chất lượng cao cùng với đó là dịch vụ cá nhân hóa. Dòng khách này cũng quan tâm đến du lịch bền vững và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Họ sẵn sàng chi tiêu cao cho dịch vụ du lịch.
Trong làng du lịch Việt, ông Bảo có 20 năm kinh nghiệm làm sản phẩm dịch vụ độc đáo là “xem chim”.
Tại hội thảo, ông Bảo đã tiết lộ những con số khủng về ngành ngách của phân khúc du lịch cao cấp này.
Theo ông Bảo, ở Mỹ có khoảng 45 triệu người đi du lịch xem chim, họ chi tiêu khoảng 40 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, tổng thu toàn ngành du lịch Việt Nam năm 2023 chỉ 678.000 tỉ đồng, tương đương 27 USD.
Cùng với đó, ở châu Âu có 20 triệu người sử dụng sản phẩm này. Riêng nước Anh có khoảng 5 triệu người mê tour xem chim, họ chi khoảng 1 tỉ USD mỗi năm cho hoạt động này.
Hiện thú vui xem chim đang tăng trưởng rất nhanh ở châu Á, đặc biệt tại các thị trường Nhật, Trung Quốc và Đài Loan. Đó đều là khách sộp cho sản phẩm du lịch mà Việt Nam cho nhiều tiềm năng này.
Việt Nam có khoảng 950 loài chim, nằm trong top 3-4 tại châu Á, top 15 trên thế giới.
Người đi săn chim khám những loại mà họ chưa từng thấy. Nước nào có nhiều loài chim trong một diện tích nhỏ thì nước đó càng thu hút họ.
“Chúng ta có hơn 300 loài “chim ăn tiền”, tức là du khách muốn đến để được chứng kiến những loài đó. Và các loài chim phân bố trên khắp cả nước, có loài chỉ gặp ở Kon Tum, có loài phải đi Đà Lạt, có loài chỉ sống ở Fansipan. Khi khách du lịch đến Việt Nam, họ sẽ ở lại lâu hơn để xem được nhiều loài chim hơn”, ông Bảo chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Bảo nhận định Việt Nam chưa quảng bá và khai thác tốt tiềm năng của sản phẩm du lịch này. Còn nhiều hạn chế của việc đón dòng khách chi tiêu cao đến Việt Nam “săn chim” (chụp ảnh chim) như: cơ sở vật chất tại các vườn điểm đến cho sản phẩm này chưa hoàn thiện, các ngành dịch vụ đồng bộ.
Trong khi đó cơ chế, thủ tục để doanh nghiệp tổ chức tour cũng như du khách tiếp cận rất khó khăn, nguồn nhân lực hướng dẫn viên còn hạn chế.
Việc săn, bẫy chim thú, phá hoại thiên nhiên xảy ra thường xuyên khiến nguồn tài nguyên chim suy giảm, nên du khách không muốn đến.
Xếp hàng cả năm chờ đi tour Sơn Đoòng
Ông Nguyễn Châu Á – nhà sáng lập và tổng giám đốc Oxalis Group – cho biết hiện nay đã phát hiện 45 hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng, tuy nhiên con số đó mới chỉ chiếm 30% trên tổng số tất cả.
Nhận thấy được tiềm năng từ hang Sơn Đoòng, đơn vị đã đề nghị xây dựng tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp thế giới, đưa loại hình thám hiểm hang động của Việt Nam ra quốc tế. Năm 2017, tờ Daily Mail của Anh bình chọn đây là hang động có bãi cắm trại ấn tượng nhất thế giới.
Theo ông Châu Á, loại hình này chỉ dành cho các nhà ưa mạo hiểm khám phá, không dành cho khách du lịch. Và cho đến hiện nay, tour du lịch đã đón hơn 50.000 lượt khách, trở thành tour du lịch có lượng khách thăm hang động lớn nhất thế giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm lớn nhất châu Á.
Tour khám phá hang Sơn Đoòng khiến du khách phải háo hức bởi cách làm tạo sự khan hiếm. Mỗi năm chỉ 1.000 người được sử dụng tour. Điều đó cũng giúp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái mong manh trong hang.
Mỗi chuyến thám hiểm Sơn Đoòng có hành trình 6 ngày 5 đêm, trong đó có 3 ngày 4 đêm cắm trại trong hang. Giá cho mỗi tour thám hiểm này là 3.000 USD.
“Để phục vụ 10 khách trong mỗi tour, chúng tôi cần 30 nhân viên phục vụ để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho khách. Đó là 1 chuyên gia hang động, 1 hướng dẫn viên du lịch, 5 trợ lý an toàn, 1 kiểm lâm, 2 đầu bếp và 20 người mang hành lý”, ông Á nói.
Khi xây dựng được sản phẩm du lịch cao cấp, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà còn tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương. Xây dựng thương hiệu du lịch cho Quảng Bình cũng như đưa thám hiểm hang động và Phong Nha – Kẻ Bàng ra với thế giới.
Tạo sản phẩm khiến du khách phải khao khát trải nghiệm là chìa khóa
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel – cho biết nếu biết cách làm, có thể biến hành trình, sản phẩm bình thường thành sản phẩm cao cấp. Ngược lại sản phẩm cao cấp không biết cách làm sẽ trở thành tầm thường, khách về sẽ không quay trở lại.
Những cái “ồ”, “woa” trên hành trình mới là thứ giúp chúng ta bán các sản phẩm 5 sao, 6 sao.
Theo ông Kỳ, ngoài chất lượng dịch vụ cao cấp, sản phẩm du lịch cần chạm tới cảm xúc của du khách. Chúng ta cần những sản phẩm như tour khám phá hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, hay độc đáo khiến du khách ở lại Việt Nam lâu hơn như tour xem chim của anh Hoài Bảo.
“Trong năm 2025, Vietravel chúng tôi chưa biết sẽ đón được bao nhiêu khách, nhưng anh Nguyễn Châu Á đã biết có bao nhiêu khách đến thăm hang Sơn Đoòng. Thậm chí nếu ai muốn đến hang Sơn Đoòng mà không đăng ký nhanh là không kịp, anh Á “chốt sổ” luôn cả năm 2026″, ông Kỳ hóm hỉnh.