Tại hội thảo với chủ đề “Hàng không – Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 12-6, ông Lại Xuân Thanh – nguyên Cục trưởng Cục Hàng không, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – nhận định câu chuyện này vẫn mang tính cấp thiết, cần thiết và chiến lược, dù mục tiêu không mới.
“Câu hàng không và du lịch là hai cánh của máy bay được đặt ra từ những năm 1990, khi tôi mới vào ngành hàng không, đến nay tôi sắp nghỉ hưu. Nhưng không biết đôi cánh bay đến đâu, mà cho đến ngày hôm nay vẫn đặt ra cấp thiết, ngồi bàn với nhau”- ông Thanh đặt vấn đề.
Theo ông Thanh, chiến lược đã đặt ra từ mấy chục năm cần phải phải tổng kết lại cái gì được, chưa được. “Biển Bali của Indonesia không đẹp bằng biển Việt Nam, nhưng lại thành thiên đường du lịch. Chỉ cần một câu hỏi đó đã động chạm tới mọi vấn đề từ từ văn hóa, lịch sử, xã hội.
Với du lịch, vấn đề cần bàn là năng lực cạnh tranh từ tổng thể quốc gia, ngành du lịch, hàng không đến các doanh nghiệp. Tất cả đặt ra ai phải làm cái gì cụ thể, đến tổng thể các sản phẩm du lịch và cần sự điều tiết liên ngành” – ông Thanh đề nghị và hi vọng sau hội thảo, đôi cánh hàng không – du lịch lại cất cánh.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu ngành hàng không và du lịch đều nhận định các hợp tác giữa hàng không và du lịch được thực hiện trong thời gian qua nhưng còn hạn chế ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ. Sự hợp tác chưa có cơ chế phối hợp, quy mô quốc gia và cơ quan điều phối chung.
Công tác xúc tiến du lịch tại các thị trường trong và ngoài nước cũng chưa hiệu quả do quy mô nhỏ, chưa có chiến lược, mục tiêu cụ thể, dài hạn, nhiều khi mang tính tự phát, thời vụ của các đơn vị hàng không, du lịch.
Để du lịch và hàng không cùng phát triển, bà Lương Thị Hoàng Lan – giám đốc kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group – kiến nghị cần có kế hoạch liên kết tổng thể quy mô quốc gia. Trong đó, cần có vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý nhà nước cấp cao là Cục Du lịch hoặc Chính phủ, để tạo môi trường kết nối địa phương – hàng không – du lịch bền vững giúp du lịch tăng tốc phục hồi và phát triển.
Thứ hai, cần có sự ngồi lại của ba bên: địa phương – du lịch – hàng không, bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.
Không chỉ hàng không và du lịch, mà các địa phương điểm đến cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi giá hợp lý để xây dựng những sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi trọn gói từ vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch… Phương án này giúp cả ba bên cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.
Giá vé máy bay nội địa chỉ giảm nhiệt khi đủ máy bay
Tại hội thảo, ông Lương Hoài Nam – tổng giám đốc Bamboo Airways – cho biết với xu hướng tăng của giá vé bay nội địa giá vé bay nội địa gần đây, giá vé máy bay nội địa chỉ giảm nhiệt khi số lượng máy bay của các hãng tăng lên.
Ông Nam chỉ ra thực tế số lượng máy bay khai thác tại Việt Nam chỉ còn khoảng 160 chiếc, so với hơn 230 chiếc trước đây. Mức sụt giảm về cung ứng hơn 30% khiến cung không đủ cầu. Trong khi đó, các hãng hàng không Việt Nam vẫn phải khai thác các đường bay quốc tế nhằm giữ slot (giờ cất, hạ cánh) tại các sân bay nước ngoài.
Theo ông Nam, trên thế giới vẫn còn 30.000 – 40.000 máy bay đang hoạt động, nhưng giá thuê rất cao. Để bù đắp máy bay thiếu hụt thì chỉ cần trả giá thuê cao hơn người khác. Nhưng các hãng không cố gắng thuê vì không có động lực kinh doanh khi bay nhiều thì lỗ nhiều.
Theo ông Nam, mặt bằng chi phí của hãng hàng không cộng với cơ chế giá trần từ thời bao cấp khiến việc bay nội địa có lãi là bất khả thi theo kinh tế thị trường.
Đồng tình với quan điểm của ông Lại Xuân Thanh và Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), ông Nam đề nghị nên bỏ giá trần vé máy bay nội địa. Lý do là, hiện nay trên thế giới không dùng công cụ giá trần nữa, mà dùng luật cạnh tranh để trị những hãng bán vé dưới giá thành, hay lạm dụng vị thế độc quyền để tăng giá.
“Cần tạo động lực cho các hãng hàng không thuê, mua máy bay về nhiều hơn. Như vậy, giá vé máy bay sẽ giảm nhiệt. Các hãng có thêm nhiều máy bay, mở thêm nhiều đường bay, tăng tần suất sẽ có giá vé hợp lý”- ông Nam đề nghị.