Độc lạ món bánh tổ Hội An hấp dẫn du khách

85

Độc lạ món bánh tổ Hội An hấp dẫn du khách

Nguồn gốc bánh tổ Hội An

Bánh tổ Hội An được cho xuất hiện cùng lúc với sự hình thành các khu phố cổ, được người Hoa du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 16 – 17. Bánh tổ và cao lầu là hai món ăn rất truyền thống, đặc trưng cho ẩm thực phố cổ từ hàng trăm năm.

Bánh tổ với màu vàng đẹp mắt. Ảnh: Báo Lao động.

Có giả thuyết cho rằng bánh tổ ban đầu có tên gọi là “lùng kú” do những người Hoa Minh Hương sáng tạo. Cũng có giả thuyết khác cho rằng từ thời Quang Trung đã làm bánh này mang theo khi hành quân. Lại có người nói món bánh này thực chất có nguồn gốc từ miền Bắc, là một phiên bản của bánh Uôi Hải Phòng, người ta cho rừng do mẹ Âu Cơ truyền dạy. Trong dân gian, người ta hay truyền tụng nhau nhiều câu vè về các món đặc sản của từng vùng miền, trong đó có câu vè nhắc đến đặc sản bánh tổ Hội An:

Làm bánh tổ thủ công. Ảnh: Báo Lao động.

“Nem chả Hòa Vang

Bánh tổ Hội An

Khoai lang Trà Kiệu

Thơm rượu Tam Kỳ.”

Cách làm bánh tổ Hội An

Bánh tổ Hội An được làm từ nếp, gạo, đường, mè, gừng. Nếp làm bánh phải là loại nếp dẻo thơm, phơi khô đem xay thành bột. Lấy đường đem sên, rồi thêm nước gừng tươi. Đường được sử dụng là đường bát Quảng Nam cho bánh màu nâu đẹp mắt. Nếu khách đặt bánh trắng thì làm bằng đường cát.

Chuẩn bị hấp bánh tổ. Ảnh: Dân Việt.

Bột, đường sau đó được trộn với nhau và được nhồi thật kỹ. Điểm quan trọng ở khâu này là tính toán làm sao để tỷ lệ bột đường khi đã trở thành bánh thì không bị đặc, không bị nhão.

Sau đó múc bột đổ vào đài (đài là 3 miếng lá chuối xếp xéo lên nhau, bẻ góc, dùng lạt tre ghim 2 đầu) rồi kê trong thùng hấp. Chiếc đài bằng lá chuối bây giờ lại được đặt vào một rọ (khuôn) đan bằng tre để giữ cho bánh không bị biến dạng.

Sên đường bát Quảng Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Các khuôn bánh sau đó được đặt lên vỉ tre, cứ 12 bánh xếp một vỉ. Cứ 6 vỉ/nồi, cách nhau bởi hai thanh gỗ đan chéo. Bánh tổ hấp liên tục trong 3 giờ thì chín, vớt ra để nguội. Để bánh thơm ngon, người ta nhanh tay rải mè rang vàng lên trên mặt bánh.

Nhào bột với nước đường. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Cuối cùng, đem bánh ra phơi nắng cho bốc hơi hết nước bên trong rồi mới mang bán. Bánh tổ Hội An vừa dai vừa dẻo, hương vị đậm đà và để được lâu. Có người thích lấy bánh tổ cắt ra từng miếng và ăn ngay. Có người lại thích nướng trên than hồng rồi mới ăn. Nhưng nhiều người thích nhất là chiên trong dầu đậu phộng.

Rắc mè cho bánh tổ. Ảnh: VOVTV.

Miếng bánh tổ béo ngậy, thơm lừng mùi đường, mùi gừng, nhai đến đâu vị ngọt thanh lan toả đến đó. Bánh tổ hình giống tổ chim, nhưng người Hoa không dùng lá chuối mà dùng giấy dầu lót trong tô đất để hấp và bọc giấy đỏ bên ngoài để cầu may mắn.

Ảnh: Báo Gia Lai.

Bánh tổ Hội An còn là lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tổ tiên ông bà trong ba ngày Tết, như để nhắc nhở nhau về nguồn cội:

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn”.

Bánh tổ chiên được nhiều người ưa thích. Ảnh: Báo Phụ nữ online.

Theo iVIVU.com