Miền Bắc
Ẩm thực Tết Nguyên Đán ở miền Bắc có nhiều món ăn truyền thống đặc sắc và ý nghĩa, phản ánh văn hóa ẩm thực phong phú.
Bánh chưng: Là biểu tượng của trời đất và văn hóa Việt. Bánh chưng vuông vức được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gói bằng lá dong. Bánh chưng còn thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và mong muốn một năm mới thịnh vượng.
Giò lụa: là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Giò lụa thường được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, gia vị, gói trong lá chuối và luộc chín.
Thịt đông: là món ăn đặc trưng của Tết miền Bắc, khi thời tiết lạnh giá. Thịt đông được làm từ thịt lợn, mộc nhĩ, hành tây, nấu với nước dùng. Sau đó để nguội đông lại như thạch, vừa ngon vừa đẹp mắt.
Dưa hành: Là món ăn giúp giảm béo và tăng hương vị cho các món ăn ngày Tết. Mâm cơm Tết chưa trọn vẹn nếu thiếu đi vị thơm nồng, chua cay của củ hành muối giòn sần sật.
Canh măng: Canh măng được nấu từ măng khô, thịt lợn hoặc giò heo, nấm hương, mộc nhĩ…
Miền Trung
Miền Trung được xem là thiên đường của các món ăn ngon. Do đó, ẩm thực Tết Nguyên đán ở đây cũng rất đa dạng và ngon miệng.
Bánh tét: bánh tét là món bánh không thể thiếu trong dịp Tết ở miền Trung. Bánh có hình dáng trụ dài, gói trong lá chuối. Nhân bánh thường gồm có đậu xanh và thịt ba chỉ, hoặc bánh tét chuối với nhân chuối chín.
Nem chua và dưa món: Nem chua miền Trung được làm từ thịt heo, có vị chua nhẹ, ăn kèm với dưa món. Đây là một loại dưa cải muối xổi với cà rốt, củ kiệu, tạo hương vị chua ngọt đặc trưng.
Mứt gừng: Mứt gừng được chế biến từ gừng tươi, có vị cay nồng kích thích. Đây là một trong những loại mứt phổ biến nhất trong dịp Tết miền Trung.
Hải sản khô: Do gần biển, người miền Trung thường chuẩn bị các loại hải sản (cá khô, mực khô, tôm khô) để thưởng thức hoặc làm quà biếu.
Ngoài ra, Tết ở miền Trung còn có sự góp mặt của tôm chua, thịt heo ngâm nước mắm, củ kiệu muối chua… Những món ăn này còn tùy thuộc vào từng tỉnh khác nhau, vô cùng đa dạng.
Miền Nam
Bánh tét: Không giống ở miền Trung, bánh tét ở miền Nam rất đa dạng. Bánh ở đây phong phú cả về hương vị và nhân bánh, thể hiện sự sáng tạo của người dân. Một số loại bánh tét đặc trưng như: bánh tét chuối, bánh tét đậu, bánh tét nước tro, bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân sâm, bánh tét chùm ngây…
Thịt kho hột vịt: đây là món ăn vô cùng phổ biến trong ẩm thực Tết Nguyên đán ở miền Nam. Món ăn này được yêu thích vì hương vị đậm đà, ngọt mặn hài hòa. Thịt kho có sự kết hợp giữa vị béo ngọt của thịt heo, vị bùi của trứng và chút cay nồng của tiêu, mang lại cảm giác ấm cúng cho bữa ăn ngày Tết.
Canh khổ qua: Canh khổ qua mang ý nghĩa sâu sắc trong ẩm thực Tết ở miền Nam. Canh khổ qua được coi là biểu tượng của sự hy vọng về một năm mới vượt qua mọi khó khăn. Quả khổ qua với vị đắng được quan niệm là sẽ giúp “hóa giải” những khổ đau của năm cũ.
Ngoài ra, người miền Nam còn dùng gà luộc để cúng, ăn củ kiệu muối chua và làm nhiều loại mứt khác nhau.
Theo iVIVU.com