Liên quan đến việc ước tính tổng doanh thu du lịch dịp lễ, đại diện Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết hiện nay việc tính toán tổng thu từ khách du lịch được áp dụng theo công thức quy định tại thông tư 16/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Chỉ là con số tương đối
Theo đó, tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn được hiểu là tổng số tiền chi tiêu của khách du lịch (khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa) đến địa phương đó.
Tổng chi tiêu của khách du lịch đến địa phương bao gồm cả chi tiêu cá nhân, chi theo đoàn, theo tour… trong thời gian ở tại địa phương.
Hiện công thức tính: Tổng thu từ khách du lịch trên địa bàn = Tổng chi tiêu của khách quốc tế đến địa phương + Tổng chi tiêu của khách du lịch nội địa tại địa phương.
Trong đó, tổng chi tiêu của khách quốc tế đến địa phương = Tổng chi tiêu của khách quốc tế đến có nghỉ qua đêm tại địa phương + Tổng chi tiêu của khách quốc tế du lịch trong ngày tại địa phương.
Tổng chi tiêu của khách du lịch nội địa tại địa phương = Tổng chi tiêu của khách du lịch nội địa có nghỉ qua đêm + Tổng chi tiêu của khách du lịch nội địa đi trong ngày tại địa phương.
Tổng chi tiêu của từng nhóm khách được xác định theo công thức: Tổng chi tiêu = Tổng số khách x Chi tiêu bình quân một lượt khách.
Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, chi tiêu bình quân một khách được xác định qua các cuộc khảo sát, điều tra chi tiêu khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn.
“Tất nhiên đây là con số tương đối vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tính ra con số chung” – đại diện sở này đánh giá.
Chi tiêu của khách ở mỗi địa phương không giống nhau
Sau đợt nghỉ lễ 2-9 vừa qua, nhiều tỉnh thành lần lượt công bố thông tin về tình hình du lịch tại các địa phương, trong đó có số tổng doanh thu.
Như đợt lễ vừa qua tỉnh Thừa Thiên Huế đón 130.000 lượt khách đến tham quan, có tổng thu du lịch 132 tỉ đồng.
Trong khi đó Đà Nẵng đón khoảng 308.000 lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đợt này là 1.200 tỉ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là điều bình thường. Anh Trần Thiện, phụ trách văn phòng một hãng lữ hành thuộc Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng, cho rằng mức chi tiêu của từng nhóm khách cũng chỉ tính ở mức tương đối.
Theo anh Thiện, tùy theo mức sống tại các địa phương mà mức chi tiêu của khách có sự khác biệt.
Đó là chưa kể việc chi tiêu của du khách không giống như người dân chỉ đơn thuần là ăn uống mà còn chi tiêu cho các dịch vụ điểm đến, đi lại…
“Hiện nay có một số địa phương ở miền Trung ước tính chi tiêu bình quân một lượt khách/ngày khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên với những điểm đến đặc biệt con số chi tiêu 1 triệu đồng này chỉ tương đương tiền vé vào cửa tham quan” – anh Thiện nói.
Theo anh Thiện, tùy theo thành phần khách mà xu hướng chi tiêu khác nhau. Đặc biệt là nhóm khách nước ngoài có khách theo xu hướng du lịch trải nghiệm, có khách du lịch theo xu hướng tận hưởng, nghỉ dưỡng…
“Khách đến từ nhiều quốc gia thường có sự khác biệt lớn trong việc xài tiền, văn hóa “tip” và có sự lựa chọn điểm đến khác nhau” – anh Thiện phân tích.