Địa đạo Vịnh Mốc – Tìm về ngôi làng dưới lòng đất

10

Nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến vùng đất đau thương nhiều bom đạn, là nơi phải chịu nỗi đau vô hạn, trực tiếp mang trên mình vết thương chia cắt. Dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỉ nhưng những kí ức về những năm tháng đạn bom máu lửa vẫn còn đó. Minh chứng rõ nét nhất đó chính là những di tích lịch sử, những địa chỉ đỏ, khu lưu niệm để nhắc nhớ chúng ta về một thời kỳ oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Và đặc biệt nhất trong số đó là Địa đạo Vịnh Mốc – công trình kiến trúc kỳ vĩ dưới lòng đất, nơi những người con của vùng đất Vĩnh Linh sống và chiến đấu hết mình để giành độc lập cho dân tộc.

địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc ở đâu?

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc địa phận thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ, làng Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch bị tàn phá nặng nề, nhưng với tinh thần "một tấc không đi, một ly không rời", quân và dân Vĩnh Linh lúc đó đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo nhằm bám đất, bám làng để chiến đấu.

địa đạo Vịnh Mốc

Sơ đồ địa đạo Vịnh Mốc

địa đạo Vịnh Mốc

Giới thiệu về địa đạo Vịnh Mốc

Lịch sử địa đạo Vịnh Mốc

Một điều đặc biệt khi tham quan địa đạo Vịnh Mốc là dù cho bạn có đi theo đoàn, theo nhóm, hay một mình đều sẽ có người hướng dẫn đi cùng, nếu số lượng ít có thể ghép chung nhiều nhóm lại và đi cùng một lượt. Theo lời giới thiệu của chị hướng dẫn viên dẫn đoàn tham quan địa đạo, cho biết: “Địa đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh, tuy nhiên đây là công trình tiêu biểu nhất so với 114 địa đạo. Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ là nơi phòng tránh an toàn cho hàng trăm con người mà còn là trạm trung chuyển lương thực và vũ khí rất quan trọng cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam.”

Địa đạo Vịnh Mốc được bắt đầu xây dựng từ đầu năm 1965 và hoàn thành trong vòng 2 năm.

địa đạo Vịnh Mốc

Chị hướng dẫn viên theo đoàn mình

Khám phá địa đạo Vịnh Mốc

Dù là một ngày tháng 4 nóng ran nhưng ngay khi bước chân vào địa đạo lại có cảm giác mát mẻ vô cùng. Lối vào địa đạo rợp bóng những hàng tre hai bên, sở dĩ toàn khu địa đạo đều được trồng tre mà không phải cây ăn quả khác vì tre là hình ảnh gắn liền với người dân Việt Nam, đồng thời tre cũng có bộ rễ chùm có tác dụng giữ đất rất bền chặt, chống xói mòn, sạt lở đất, giúp bảo vệ tốt cho địa đạo.

địa đạo Vịnh Mốc

Giếng nước

địa đạo Vịnh Mốc

Những con đường vận chuyển lương thực thực phẩm

Toàn bộ đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng và được nối thông với nhau qua trục chính dài 870m. Chiều dài tổng thể của làng hầm là 1.701m, gồm có 13 cửa ra vào địa đạo (trong đó có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển) và 3 giếng thông hơi.

Mặt bằng của đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được đào cao hơn 5m so với mực nước biển, nghiêng từ 8 – 120 độ từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để nước dễ thoát, không bị đọng lại trong địa đạo, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra được bình thường kể cả vào mùa mưa. Nhờ đó mà đất sét trong hầm ngày càng cứng hơn khiến cấu trúc địa đạo Vịnh Mốc vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

địa đạo Vịnh Mốc

Phòng trưng bày của địa đạo Vịnh Mốc

địa đạo Vịnh Mốc

Những bức ảnh về sự tàn phá của chiến tranh

địa đạo Vịnh Mốc

Những vật dụng được người dân sử dụng trong thời gian sống dưới địa đạo

địa đạo Vịnh Mốc

Nơi trưng bày vỏ bom đạn

Tầng một sâu cách mặt đất từ 8-10m, tầng 2 sâu cách mặt đất từ 12-15m, tầng 3 sâu 22-23m. Đường hầm địa đạo có dạng hình vòm, chiều cao từ 1,2×1,8m; dọc hai bên đường hầm người dân cho khoét sâu vào bên trong để tạo ra các ô nhỏ (căn hộ gia đình) đủ chỗ cho từ 2-4 người có thể sinh hoạt trong đó. Tầng 2 sâu 18m là Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Bộ chỉ huy quân sự. Tầng 3 sâu 22m, dùng làm kho chứa hậu cần, cung cấp lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ gần đó và phục vụ chiến đấu cho quân và dân địa đạo Vịnh Mốc.

địa đạo Vịnh Mốc

Lối vào bắt đầu xuống lòng địa đạo

địa đạo Vịnh Mốc

Dưới địa đạo được thắp đèn để dễ dàng di chuyển

Các phần phía trên địa đạo đều đã được chính quyền gia cố và làm lại bằng xi măng, tuy nhiên hướng dẫn viên sẽ dẫn bạn đi theo một cung vào từ cửa số 3, ra ở cửa số 5, đây là những đoạn đường dễ đi nhất trong địa đạo nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nền đất cũ, bạn có thể chạm tay vào đất để cảm nhận độ mềm nhưng lại có khả năng kết dính vô cùng tốt. Đặt chân bước xuống lòng đất, bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì hệ thống gió thông thoáng rất mát – đây cũng là yếu tố đảm bảo thông hơi, thông khí một cách an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho hàng trăm người sinh hoạt và chiến đấu trong lòng địa đạo là một yếu tố quan trọng nhất của địa đạo.

địa đạo Vịnh Mốc

Mô phòng hình lính gác tại địa đạo

địa đạo Vịnh Mốc

Những gia đình sinh sống dưới lòng địa đạo

địa đạo Vịnh Mốc

Lối dẫn vào hội trường

Ngoài đi qua nơi ở của các hộ gia đình nhỏ, cung này còn có các công trình khác như hội trường với sức chứa từ 50-60 người làm nơi hội họp, sinh hoạt, xem phim, biểu diễn văn nghệ; bảng tin, nhà hộ sinh (nơi đã có 17 đứa trẻ được sinh ra), 3 giếng nước để sinh hoạt, nhà vệ sinh, trạm gác, qua cửa số 4 để thông ra biển,…

địa đạo Vịnh Mốc

Cửa thông ra biển

địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo đón gió tự nhiên

Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất, không một ai bị thương tích đã cho thấy sự kỳ diệu của công trình huyền thoại này. Người dân nơi đây đã thích ứng với cuộc sống khó khăn, gian khổ để tiếp tục chiến đấu với quân thù.

Địa đạo Vịnh Mốc chính là minh chứng chân thực nhất cho những năm tháng chiến tranh, sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường bảo vệ Tổ Quốc và đặc biệt là sự thông minh, sáng tạo của quân và dân ta. Hãy một lần đến Vịnh Mốc, để tự mình chạm tay vào, trải nghiệm và cảm nhận sự chịu đựng gian khổ của ông cha ta trong những năm chiến tranh.