Đi tìm thang thuốc chữa lành tâm hồn ở chùa Tây Phương

25

Dân gian ta có câu ca dao:

“Ấy ngày mồng sáu tháng ba,

Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây”

Ngày xuân con én đưa thoi, với mình đây là khoảng thời gian thích hợp nhất để tìm đến nhà chùa vãn cảnh đầu năm. Tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lậu bao quanh là núi non thơ mộng, chùa Tây Phương là ngôi chùa mình lựa chọn đặt chân tới khám phá. Mặc dù ngôi chùa này nằm trên địa phận Hà Nội nhưng dường như mọi bộn bề, náo nhiệt của cuộc sống ngoài kia đều dừng chân nơi ngưỡng cửa cổ tự này. Hôm nay, hãy để mình trở thành tour guide của bạn trong chuyến hành trình tìm về miền an yên này nhé!

1. Đôi nét về chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương có tên chữ “Sùng Phúc tự” nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía tây.

Ngôi chùa này gắn liền với một truyền thuyết về quá trình Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Trải qua một vài thế kỷ, cũng có giai thoại kể về tiết độ sứ thời Đường (864 – 868) là Cao Biền, phụ trách việc cai trị miền đất An Nam xưa đã đến đây để xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với âm mưu ngăn chặn nguồn long mạch của xứ này.

Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, được người dân truyền miệng lại qua nhiều đời, còn chứng tích rõ ràng nhất liên quan đến Tây Phương cổ tự đích xác có từ thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561). Vào thời điểm này, chùa được xây dựng như quy mô hiện nay.

Chùa Tây Phương vào năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có 34 pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia.

2. Phương tiện di chuyển

Từ Hà Nội, mình di chuyển theo hướng đường Trần Duy Hưng – Đại lộ Thăng Long. Khi đến cầu vượt ngã tư Đại lộ Thăng Long – Thạch Thất, Quốc Oai thì rẽ trái vào Quốc Oai. Sau đó rẽ phải rồi đi thêm 5km, đến ngã tư Thạch Xá sẽ thấy biển chỉ đường vào chùa Tây Phương. Từ đây, rẽ trái và đi thêm khoảng 4-5km sẽ đến cổng chùa.

Bạn lựa chọn tuyến xe buýt số 89: xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa qua Thạch Thất, tới bến xe Sơn Tây và xuống điểm dừng chùa Tây Phương.

3. Giá vé

Giá vé vào chùa chung cho cả khách nội địa và khách quốc tế là 10.000 VND/người chưa bao gồm phí gửi xe. Ngoài ra, theo mình được biết thì chùa Tây Phương cũng áp dụng không thu phí tham quan vào ngày di sản văn hóa 23/11, ngày 30, mùng 1, mùng 2, mùng 3 tết nguyên đán.

chùa Tây Phương

Bảng giá tham quan di tích

4. Lưu ý khi thăm chùa

Chùa chiền là nơi linh thiêng nên khi đến đây bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi nét trang nghiêm vốn có của chùa. Đồng thời, hãy mang giày thể thao thoải mái vì bạn sẽ phải leo 237 bậc đá để lên tới chùa. Khi muốn thắp hương dâng lễ thì bạn hãy thắp ở lư hương bên ngoài để phòng tránh cháy nổ bởi chùa Tây Phương chủ yếu được xây dựng bằng gỗ. Nếu đi vào mùa chính hội, người người từ mọi miền đổ về chùa để đi trẩy hội thì nên bảo quản hành lý cẩn thận, tránh việc tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng.

5. Lộ trình tham quan chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục sau: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.

5.1. Tam quan hạ

Quần thể kiến trúc của chùa Tây Phương bắt đầu từ chân núi Câu Lậu, với công trình đầu tiên là Tam quan hạ. Nơi đây là cổng có 3 cửa trong đó cửa chính giữa to và rộng nhất. Tam quan tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Trong đó, “hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), là những sự vật hiện hữu trong cõi đời, “không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.

chùa Tây Phương

Tam quan hạ sừng sững uy nghiêm dưới chân núi

5.2. Tam quan thượng

Bước qua cánh cổng tam quan, bạn sẽ leo 237 bậc đá ong để lên được tam quan thượng, đá ong có màu vàng hoặc nâu đỏ, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết nên thường được sử dụng trong các ngôi làng, chùa cổ.

chùa Tây Phương

Bậc đá ong in bóng thời gian

chùa Tây Phương

Tam quan thượng nhuốm màu hoài cổ với kiến trúc gạch Bát Tràng nung đỏ

Hai bên cột trụ của Tam quan thượng đề hai câu thơ: “Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc/ Ba ngàn thế giới đón Như Lai”. Câu thơ này đã đánh dấu một sự kiện đặc biệt trong lịch sử Phật giáo, đó là Đức Phật đản sinh, Ngài đã bước đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nở dưới chân. Đến bước thứ 7, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”nghĩa là trên dưới vòm trời này, Ngài là bậc tôn quý nhất.

5.3. Miếu sơn thần

Miếu sơn thần nằm tách biệt bên trái chùa chính. Đây là đơn nguyên vừa đóng vai trò thờ thần núi vừa là nhà thờ Đức Ông có diện tích khiêm tốn với kiến trúc gỗ lợp ngói truyền thống. Hầu hết các ngôi chùa Phật giáo truyền thống đều có một ban riêng thờ Ngài.

chùa Tây Phương

Ban thờ Đức Ông đang được tu sửa

chùa Tây Phương

Bên trong miếu sơn thần

Theo sách Phật Giáo ghi chép lại, Đức Chúa Ông là một doanh nhân giàu có ở Ấn Độ cổ đại và rất mộ đạo. Ngài đã bỏ ra một lượng tài sản vô cùng lớn để dát vàng kín mặt vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Vệ Xá, cúng dường cho Đức Phật cũng như tăng đoàn tới thuyết pháp. Và Ngài được xem là thí chủ lớn nhất, rộng rãi nhất từ trước đến nay.

5.4. Chùa Hạ

Chùa chính bao gồm ba nếp nhà song song thành chữ “Tam” trên một nền cùng độ cao, mỗi nếp có 2 tầng 8 mái kiểu chồng diêm, gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Tường chủ yếu xây bằng gạch Bát Tràng để trần phô màu đỏ mộc mạc và trổ những cửa sổ tròn quét vôi trắng, biểu thị triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật.

chùa Tây Phương

Toàn cảnh chùa Hạ trong hệ thống chùa chính ở Tây Phương cổ tự

Ở trên bàn thờ của chùa Hạ thờ tượng Phật Bà Thiên Thủ Thiên Nhãn, hai bên là tượng tiên Đồng Ngọc Nữ.

chùa Tây Phương

Tượng Phật bà thiên thủ thiên nhãn với tiên đồng, ngọc nữ ở hai bên

chùa Tây Phương

Tượng bát bộ kim cương với nét mặt đỏ dữ tợn

chùa Tây Phương

Tượng bát bộ kim cương với nét mặt nhân hậu

Những bộ tượng này mang phong cách thời Tây Sơn thần mặc giáp tay cầm khí giới điển hình cho các pho tượng Hộ pháp ở nước ta những pho tượng thể hiện sự quyền uy trừ gian diệt ác bảo vệ người dân.

chùa Tây Phương

Sân thiên tỉnh – giếng trời là không gian chuyển tiếp giữa các khu chùa

5.5. Chùa Trung

Đi qua chùa Hạ, bạn sẽ tới chùa Trung. Khác với nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, tòa giữa (chùa Trung) của chùa Tây Phương hẹp nhưng cao hơn tòa Thượng và Hạ. Mỗi nếp có 2 tầng mái kiểu chồng diêm, các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen. Nơi đây thờ phật Tuyết Sơn – tượng minh họa thời kỳ khổ hạnh của đức Phật Thích-ca mâu-ni trước khi thành Phật.

chùa Tây Phương

Chùa Trung nhìn từ bên ngoài

chùa Tây Phương

Biểu tượng sắc sắc không không của giáo lý nhà Phật

chùa Tây Phương

Đầu đao mái cong vút – kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo

chùa Tây Phương

Ban thờ chùa Trung với rất nhiều bức tượng quý giá

chùa Tây Phương

Tượng Phật Tuyết Sơn với dáng vẻ gầy gò, khắc khổ

5.6. Chùa Thượng

Tại chính điện chùa Thượng, ở ba ngôi ở trên cùng cao nhất, mỗi vị ở đây đại diện cho một nghìn vị phật trong kiếp quá khứ, hiện tại và tương lai. Các vị La Hán bố trí theo hàng dọc với ý nghĩa về những sự kiện trong cuộc đời các đức phật. Hàng thứ hai bài trí bộ “Thập điện diêm vương” – những vị làm lẽ công bằng cõi luân hồi, với ý nghĩa giáo dục con người tích đức, hành thiện.

chùa Tây Phương

Gian thờ bên trong chùa Thượng

chùa Tây Phương

Một số bức tượng các vị la hán nổi tiếng ở chùa Tây Phương

18 vị la hán được thờ ở chùa với 18 dáng vẻ khác nhau và được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc và tạo hình của Việt Nam. Không chỉ những chi tiết trên trang phục, nếp nhăn hay khắc khổ trên cơ thể đều được thể hiện sống động và cuốn hút mà thậm chí cả đau đớn suy nghĩ của con người trần thế cũng được khắc họa rõ nét trên những bức tượng này.

5.7. Nhà tổ – nhà mẫu – nhà khách

Nhà Tổ – Nhà Mẫu kết cấu theo kiểu chữ “Nhị”(=). Phía bên ngoài thờ Tổ, phía bên trong thờ Mẫu.

chùa Tây Phương

Không gian bên ngoài nhà thờ tổ mẫu

chùa Tây Phương

Bên trong nhà thờ tổ

chùa Tây Phương

Bàn thờ mẫu thờ Tam tòa thánh mẫu

Nhà khách là hạng mục nằm ở sườn phải của chùa chính. Hạng mục này mới được phục dựng lại trong những năm gần đây, nhưng vẫn tuân thủ kiến trúc truyền thống và đồng điệu với phong cách kiến trúc của toàn bộ các đơn nguyên Tây Phương.

chùa Tây Phương

Nhà khách với 7 gian được phục dựng

chùa Tây Phương

Hoa văn trên cánh cửa với hình ảnh hoa sen quen thuộc

chùa Tây Phương

Lư hương lớn đặt bên ngoài dành cho du khách

Sau khi viếng thăm Tây Phương cổ tự, sự bình yên cứ thế dâng đầy trong tâm hồn mình. Từ khuôn viên chùa có thể phóng tầm mắt ra xa tít tắp ngắm nhìn cả một vùng núi non xanh tươi, mát dịu. Bạn sẽ cảm thấy những vết thương lành, những hối hả cuồng quay của cuộc sống đang tạm thời ngưng đọng lại để nhường chỗ cho sức khỏe tinh thần được hồi phục. Sau tất cả, miền đất Phật thật diệu kỳ vẫn đang ở đó chờ đợi bạn đến khám phá.