Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 100km, Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Điều tại xã Hạ Trung, huyện Bá Thước, đã được phát hiện vào năm 1984. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm hiện vật thuộc thời đại đồ đá cũ.
Đặc biệt, tại di tích này, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều hiện vật như bàn nghiền, công cụ bằng xương thú, 10 ngôi mộ cổ, di cốt, trong đó có một ngôi mộ song táng và 2 bộ xương chớm hóa thạch còn tương đối nguyên vẹn.
Các hiện vật này được xác định thuộc nền văn hóa Sơn Vi, cho thấy khu vực Mái Đá Điều từng là nơi sinh sống của người Việt cổ.
Ngày 10/1/2005, khu di tích này được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, sau 20 năm được công nhận, Khu di tích khảo cổ học Mái Đá Điều đang bị lãng quên và hoang phế.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngoài hạng mục tường rào bao quanh đã được đầu tư xây dựng, khu di tích không có người trông coi, luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Bên trong khuôn viên, cỏ cây mọc um tùm che hết lối đi.
Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước xác nhận tình trạng hoang phế của khu di tích. Ông cho biết, hiện nay khu di tích được giao cho UBND xã Hạ Trung quản lý. Sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp kinh phí để xây dựng hệ thống tường rào bao quanh.
“Địa phương đang làm hồ sơ để được công nhận là di tích cấp quốc gia. Hiện nay không có nguồn kinh phí, cơ chế để trùng tu, tôn tạo. Năm nào huyện cũng làm văn bản đề nghị nhưng khó, vì đây là di tích cấp tỉnh, mà di tích cấp tỉnh thì rất nhiều. Địa phương cũng rất trăn trở việc này”, ông Hải nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết khu di tích đã được giao huyện Bá Thước quản lý và đã được đầu tư kinh phí xây dựng năm 2017. Về thông tin di tích đang bị hoang phế, ông Hồng cho biết đang yêu cầu huyện Bá Thước có văn bản trả lời nội dung phản ánh.