Đến “thủ phủ chè” thưởng thức chè lam Thái Nguyên thơm ngọt

52

Chè lam Thái Nguyên trước kia thường chỉ được người Tày làm vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng ngày nay, do nhu cầu của thực khách, chè lam được làm quanh năm. Chè lam không cầu kỳ ở nguyên liệu. Tuy nhiên, để cho ra những mẻ bánh thơm ngon nhất cần sự tỉ mỉ ở từng công đoạn. Chè lam truyền thống chỉ cần gạo nếp và đường phên, có thể thêm lạc tùy vào sở thích.

Chè lam Thái Nguyên. Ảnh: Báo Lao động

Cách làm chè lam

Gạo nếp để làm chè lam Thái Nguyên của người Tày là gạo nếp vải. Là thứ gạo khi chín có màu nâu sẫm như quả vải. Vì khi đồ xôi, gạo cho hương vị dẻo, thơm mà không bị ngán. Gạo nếp đem đãi sạch sẽ rồi được rang chín trong chảo. Khâu rang gạo chính là bước quyết định chè lam có được dẻo, dai hay không. Rang gạo phải đều lửa, đều tay đảo. Sự nhịp nhàng của tay sẽ giúp hạt gạo chín đều, không bị sượng.

Gạp nếp vải Thái Nguyên

Khi gạo rang chín sẽ có mùi thơm phức, hạt gạo chuyển sang màu vàng nhẹ. Lúc này, gạo để nguội bớt sẽ được đem đi giã hoặc xay cho thật mịn để có bột gạo thơm, mềm mịn. Sau khi có bột, người ta sẽ đun đường phên cùng với gừng hấp chín giã nhuyễn. Khi nước đường sôi kỹ, bắc nồi ra khỏi bếp rồi đổ bột vào trộn. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải khuấy thật nhanh, khỏe tay.

Đường phên. Ảnh: VnExpress

Bột phải được khuấy đến khi thành hỗn hợp sệt, không còn lợn cợn màu trắng. Sau khi khuấy xong, hỗn hợp bột được đổ lên chiếc mâm đã lót lớp bột nếp. Sau đó người ta sẽ cán mỏng bột. Lớp bột gạo chín phủ bên ngoài không chỉ giúp chè lam không bị dính mà còn tạo thêm màu sắc đẹp mắt.

Chè lam Thái Nguyên được cắt thành những miếng nhỏ. Và khi ăn thường uống cùng với nước chè xanh. Chè lam dẻo, mềm, dai rất nhẹ, ngọt thanh, thoang thoảng mùi gừng. Vị chát của những búp chè cũng làm giảm cái ngọt của món ăn. Chè lam là món người Tày để cúng dâng gia tiên và đãi khách. Không những thế, việc làm chè lam còn giúp gìn giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp.

Theo iVIVU.com