Trong chuyến đi Ai Cập, khi đến gần những ngày cuối cùng, tưởng chừng như tôi đã cảm thấy quá đủ với đền đài khi du ngoạn bằng thuyền du lịch 5 sao (cruise) dọc theo sông Nile từ Aswan đến Luxor. Tuy nhiên, khi tới thăm ngôi ở Thung lũng các vị Vua, tôi thật sự thấy may mắn vì mình đã không vì cảm giác “quá đủ” đó mà bỏ qua ngôi đền tráng lệ này. Bởi lẽ, đối với tôi, Medinet Habu là ngôi đền độc đáo và thú vị nhất của đất nước Pharaoh.
Medinet Habu là Viên ngọc ẩn giấu của Luxor
Đền Medinet Habu không có trong hành trình đi thuyền dọc theo sông Nile, khi tới Luxor thì đa số mọi người sẽ tới đền Luxor, đền Karnak, Thung lũng các vị Vua, đền Hatshepsut và 2 bức tượng khổng lồ Memnon. Nhưng ít ai biết chỉ cách Thung lũng các vị Vua khoảng 2km là Medinet Habu – viên ngọc ẩn giấu của Ai Cập.
Medinet Habu là một trong những ngôi đền ở Luxor được xây dựng vào triều đại thứ 20 của thời kỳ Tân Vương quốc (New Kingdom, khoảng năm 1186 trước Công nguyên) bởi Pharaoh Ramses III dành riêng cho thần Amun và cũng là lăng mộ của Ramses III. Ramses III được coi là vị Pharaoh vĩ đại cuối cùng của Ai Cập cổ đại trước khi Ai Cập suy tàn và rơi vào tay người La Mã cai trị. Thời đó, địa điểm này được gọi là Tjamet – trung tâm hành chính của Tây Thebes. Người Ai Cập cổ đại tin rằng thần Amun xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Medinet Habu được Pharaoh Ramses III cho xây dựng như một thánh địa để tổ chức các nghi lễ Tôn giáo và tang lễ. Vì vậy, toàn bộ khu đền là những biểu tượng, dòng chữ, điêu khắc, hình vẽ liên quan đến thần Amun và cuộc đời cũng như thời đại của Pharaoh Ramses III.
Medinet Habu dài khoảng 150 mét, có tổng diện tích hơn 66.000 mét vuông trong đó là khoảng 7.000 mét vuông các bức phù điêu được bảo tồn rất tốt. Kiến trúc được xây dựng sớm nhất trong Medinet Habu là một ngôi đền nhỏ thờ thần Amun thuộc triều đại thứ 11 (2081–1938 trước Công nguyên) và thờ Primeval Ogdoad – một trong tám vị thần của thời kỳ Trung Vương quốc, được xây dựng bởi nữ hoàng Hatshepsut và sau đó là Pharaoh Tuthmosis III. Khi Pharaoh Ramses III xây dựng Medinet Habu ông đã hợp nhất ngôi đền nhỏ hơn bên trong khuôn viên.
Ramesses III trị vì từ năm 1186 đến 1155 trước Công nguyên và ông là một Pharaoh “chiến binh” nổi tiếng, ông đã bảo vệ vương quốc của mình trước vô số kẻ xâm lược như Sea People, người Libya, người Nubian… Ông đã đánh bại tất cả kẻ thù trong nhiều trận chiến quyết định, tạo nên những chiến thắng vang dội. Ông đã không tiếc tiền khi xây dựng những ngôi đền và tượng đài để phô diễn sức mạnh của mình là nhà cai trị quyền lực nhất Ai Cập. Và cũng giống như tổ tiên của mình, Ramesses III cũng đã xây dựng một ngôi đền tang lễ rộng lớn cho riêng mình. Medinet Habu là công trình tang lễ vĩ đại cuối cùng được xây dựng ở phía bờ Tây Thebes.
Medinet Habu là công trình tang lễ vĩ đại cuối cùng được xây dựng ở phía bờ Tây Thebes
Ngôi đền Medinet Habu có ba sảnh, mỗi sảnh nằm nối tiếp nhau và sảnh cuối cùng có ba lối vào, trong đó có một lối vào dẫn đến nơi được cho là có con thuyền của thần Amun. Medinet Habu đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu về cuộc đời và bối cảnh triều đại của Pharaph Rameses III. Một trong những thứ quý giá nhất của ngôi đền này là vô số các bức phù điêu chạm khắc trên đá trên tường, cột trụ. Mọi ngóc ngách đều có một bức phù điêu hoặc một dòng chữ tượng hình mô tả lại lịch sử như cuộc chiến của Pharaoh Ramesses III với người Libya, với Sea People, cuộc chiến Amorite, cảnh tượng Rameses III cầu nguyện và dâng lễ vật cho thần Amun, Rameses III ăn mừng chiến thắng, các vị thần và những cảnh đời thường ở Ai Cập cổ đại.
Sea People là một nhóm chiến binh hải tặc xuất hiện vào thời kỳ đồ đồng muộn (1550–1200 trước Công nguyên). Sea People tấn công nhiều thị trấn và thành phố ven biển ở khu vực Địa Trung Hải, Ai Cập cổ đại trong khoảng thời gian từ 1276-1178 trước Công nguyên. Trong hơn một thế kỷ, Sea People thường xuyên xâm lược lãnh thổ Ai Cập, cướp bóc, tàn phá vì vậy Sea People là mối đe dọa lớn đối với sự thịnh vượng của Ai Cập cổ. Các ghi chép cho thấy chiến công của ba vị Pharaoh vĩ đại là Ramesses II (1279-1213 trước Công nguyên), con trai ông và người kế vị Merenptah (1213-1203 trước Công nguyên) và Ramesses III (1186-1155 trước Công nguyên) trong việc đánh bại Sea People.
Choáng ngợp và thích thú là cảm nhận đầu tiên khi tôi bước vào Medinet Habu. Có 3 cổng vào ngôi đền, hai cổng Tây và một cổng Đông – cổng được bảo tồn tốt nhất.
Lối vào ban đầu của ngôi đền Medinet Habu là một cổng kiên cố được gọi là migdol (một kiểu kiến trúc chung của các pháo đài thời đó). Pharaoh Ramses III đã xây dựng một lối vào khác thường cho ngôi đền của mình, có giả thuyết là Pharaoh đã mô phỏng theo những tòa thành mà ông từng thấy trong các chiến dịch quân sự ở Syria. Do đó, Medinet Habu trông giống như một pháo đài hơn là một ngôi đền thường thấy ở Ai Cập.
Cổng vào migdol
Ngay sau cổng vào là đại sảnh được điêu khắc một bên là bức tượng khổng lồ của Pharaoh Ramesses III và thần Osiris.
Đại sảnh đầu tiên
Pharaoh Ramesses III và thần Osiris
Bên trong là sảnh rộng khoảng 33m, dài 42m và được trang trí bằng nhiều cảnh chiến đấu của cuộc chiến giữa người Ai Cập với người Syria và Libya.
Sảnh thứ hai rộng khoảng 38m, dài 42m, tràn ngập các cảnh nghi lễ tôn giáo, các bữa tiệc tôn vinh Min (thần mùa màng) và Sokaris (người cai trị người chết), Pharaoh dâng lễ vật cho các vị thần Ai Cập cổ đại.
Đại sảnh thứ 2
Cảnh chiến đấu của Pharaoh Ramses III
Sảnh trong cùng Hypostyle Hall ban đầu có 16 nhà nguyện, 24 cột trụ chia thành 6 hàng được điêu khắc tỉ mỉ giống như đền Karnak, hiện nay chỉ còn lại phần móng.
Hypostyle Hall
Bức phù điêu cũng khá quan trọng khác là Minor King list chạm khắc lễ kỷ niệm của Pharaoh, trong lễ kỷ niệm đó xuất hiện nhiều Pharaoh tiền nhiệm như Merenptah, Seti II, Horemheb, Amenhotep III, và những người khác. Điều này rất có giá trị đối với các nhà sử học nhằm nghiên cứu và khắc họa rõ hơn bức tranh về Ai Cập thời kỳ này.
Một trong những bức phù điêu rất đẹp ở Medinet Habu
Người quỳ trong hình chính là Pharaoh Ramesses III đang cầm quyền trượng ở tay trái, đầu đội vương miện. Ngài đang quỳ trước thần bảo hộ Amun đang ngồi trên ngai vàng với vương miện có 2 chóp lông dài truyền thống trên đầu. Lưu ý là vào vương triều thứ 11, Amun trở thành vị thần bảo hộ của thành phố cổ đại Thebes tức Luxor ngày nay. Amun tay cầm Ankh (key of life – chìa khóa của sự sống) đang trao sức mạnh cho Ramesses III. Đằng sau Amun là thần mặt trăng Khonsu. Thần Khonsu xuất hiện dưới hình dáng một xác ướp, đầu đội chiếc đĩa mặt trăng, tay cầm móc – néo và vương trượng với 3 biểu tượng quyền lực. Khonsu là con của thần Amun và Mut (mẹ của các nữ thần Ai Cập), thần Mut là người phụ nữ đứng sau Pharaoh Ramesses III.
Trên tòa tháp phía nam là bức phù điêu điêu khắc cảnh Pharaoh Ramesses III cưỡi cỗ xe của mình đi săn bò.
Pharaoh Ramesses III cưỡi cỗ xe của mình đi săn bò
Ngắm nhìn ngôi đền Medinet Habu bạn sẽ đánh giá được sự giàu có, huy hoàng của các Pharaoh thời kỳ Tân vương quốc. Dường như sau mấy ngàn năm, nét khắc trên đá và màu sắc của những bức phù điêu này không hề bị phai nhạt, khiến con người ta phải kinh ngạc và sửng sốt. Không thể lý giải được người Ai Cập cổ đại đã đạt trình độ điêu khắc và sử dụng những loại phẩm màu gì mà có thể giữ được màu sắc tới vài ngàn năm như vậy?
Màu sắc còn nguyên vẹn sau cả ngàn năm
Một số kinh nghiệm khi tới Medinet Habu
Phí vào cửa: 100 EGP tương đương 80,000 VND. Nếu bạn có thẻ sinh viên thì giá vé vào cửa là 50 EGP tương đương 40,000 VND
Nếu bạn mua Luxor Pass thì giá vé vào cửa Medinet Habu đã bao gồm trong Luxor Pass.
Những cây cột điêu khắc tỉ mỉ và đồ sộ
là ngôi đền ấn tượng và đầy màu sắc nhất mà tôi từng thấy ở Ai Cập. Rời khỏi ngôi đền, tôi tự hỏi tại sao đa số mọi người, các tour du lịch thông thường lại lãng quên ngôi đền này như vậy? Liệu có phải những gì to lớn vĩ đại ở Luxor như đền Luxor, đền Karnak, thung lũng các vị vua… đã làm lu mờ hào quang của Medinet Habu? Thật sự, Medinet Habu sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác và chuyến đi tới Luxor của bạn sẽ thiếu một phần quan trọng nếu thiếu vắng Medinet Habu.