Đến Huế thăm làng bún Vân Cù có tuổi đời hơn 400 năm
Làng Vân Cù nằm ở phía Bắc thành phố Huế, dọc theo bờ Nam sông Bồ. Từ lâu, ngôi làng rất nổi tiếng với món bún trắng muốt, ngày ngày được người dân đi giao khắp các chợ, quán ăn, nhà hàng trong tỉnh, góp phần tạo nên thương hiệu cho món bún bò Huế.
Ở làng bún Vân Cù, hầu như nhà nào cũng sáng đèn từ sớm tinh mơ để chuẩn bị làm bún cho kịp buổi chợ. Để có các nguyên liệu làm bún vào lúc sáng sớm, từ chiều tối hôm trước, người làm bún phải ngâm, xay gạo và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng.
Để làm nên những sợi bún cần rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn cần có những bí quyết riêng để làm nên sợi bún thơm ngon. Trong đó loại gạo được sử dụng đóng vai trò rất lớn cho thành phẩm hoàn hảo.
Gạo được sử dụng là gạo Khang Dân, một loại gạo từ giống lúa địa phương. Đó không phải giống lúa đắt tiền nhất, mà đơn giản là loại lúa ngắn ngày người dân hay trồng để có gạo ăn trong những ngày giáp hạt. Loại gạo này không nhất thiết phải long lanh, nhưng bắt buộc phải sạch sẽ, có độ khô vừa phải, không khô quá, cũng không ẩm quá.
Gạo được ngâm làm sạch các tạp chất, sau đó xả bằng nước lạnh một lần nữa để gạo sạch hoàn toàn. Sau đó đến công đoạn xay gạo. Trước đây, bún được sản xuất theo phương pháp truyền thống, mất nhiều thời gian công sức.
Trải qua thời gian dài, làng bún Vân Cù đã có nhiều thay đổi. Bà con tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn. Ngày trước bún chủ yếu làm thủ công nhưng giờ đây, các thiết bị máy móc hiện đại đã được đưa vào sản xuất. Vừa tiết kiệm thời gian, công sức nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt tăng năng suất.
Tại làng bún Vân Cù có khoảng 160 hộ gia đình, chiếm 50% số hộ trong làng. Mỗi ngày, các lò bún ở làng nghề cung cấp ra thị trường hơn 22 tấn bún các loại. Hộ nào ít có thể sản xuất 1-2 tạ, hộ nhiều đến hơn 3-4 tạ/ngày.
Bởi vì bún không giữ được lâu, phải tiêu thụ ngay trong ngày để giữ hương vị thơm ngon nên nhu cầu tiêu thụ nhanh rất quan trọng với bà con làng nghề bún xứ Huế.
Sau buổi sáng những mẻ bún ra lò, người dân thường chở bún ra các điểm dịch vụ thu mua bún ở làng Vân Cù để tiêu thụ. Sau khi giao hàng xong, người dân được nhận tiền ngay lập tức giúp việc tiêu thụ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Mỗi điểm dịch vụ thu mua khoảng 1 đến 2 tạ bún một ngày và phân phối trong khắp thành phố Huế.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đầu tư hệ thống nước thải dài hơn 3km trên toàn thôn Vân Cù. Chính vì vậy, làng Vân Cù luôn đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình làm bún.
Từ những rổ bún gắn bó với làng nghề truyền thống mà làng Vân Cù ngày nay đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng phát triển. Mỗi ngày, người dân đều cảm nhận niềm vui khi được gắn bó với nghề truyền thống của địa phương.
Trải qua nhiều năm phát triển, nghề làm bún thay đổi ít nhiều, kéo theo sự đổi thay bộ mặt của một làng nghề truyền thống đất Cố đô. Vân Cù bây giờ là một làng quê trù phú, nhộn nhịp và tất cả nhờ vào những sợi bún bé nhỏ, dẻo dai được tạo nên từ “hạt ngọc” của làng.
Theo iVIVU.com