Đề nghị xếp chợ Đầm tròn Nha Trang là công trình kiến trúc có giá trị để bảo vệ

55
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị đưa chợ Đầm tròn Nha Trang vào danh mục “Công trình kiến trúc có giá trị” theo quy định của Luật Kiến trúc và nghị định của Chính phủ.
Chợ Đầm tròn Nha Trang hiện nay vẫn được nhiều khách du lịch trong, ngoài nước tìm đến - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Chợ Đầm tròn Nha Trang hiện nay vẫn được nhiều khách du lịch trong, ngoài nước tìm đến – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Chiều tối 14-8, ông Nguyễn Đắc Tài – chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa (gọi tắt là Liên hiệp hội) – xác nhận tổ chức này đã có văn bản đề nghị xem xét đưa công trình chợ Đầm tròn Nha Trang vào danh mục “Công trình kiến trúc có giá trị” theo các quy định pháp luật đã nêu.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết sở đã nhận được văn bản đề nghị về chợ Đầm tròn Nha Trang của Liên hiệp hội.

Căn cứ nào để đưa ra đề xuất?

Theo quy định của Luật Kiến trúc, công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo khoản 5, Điều 3).

Căn cứ để Liên hiệp hội đề nghị là theo Luật Kiến trúc và nghị định 85/2020/NĐ-CP ngày 17-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Đồng thời còn có căn cứ kết quả tư vấn phản biện về công trình chợ Đầm tròn Nha Trang mà Liên hiệp hội này đã thực hiện vào tháng 10-2023.

TIN LIÊN QUAN

  • Tỉnh ủy Khánh Hòa lập tổ công tác tham mưu xử lý dứt điểm vụ chợ Đầm tròn
  • Hội Trí thức đề nghị công nhận chợ Đầm tròn là di tích lịch sử văn hóa
  • Cơ quan trung ương đề nghị giải quyết kiến nghị của tiểu thương chợ Đầm tròn

Lý do để Liên hiệp hội có đề nghị là vì “chợ Đầm tròn là công trình kiến trúc đáp ứng đầy đủ và có thể đạt điểm ở mức cao các tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị, được quy định tại các Điều 3 và 4 của Nghị định 85/2020/NĐ-CP”.

Công trình Chợ Đầm tròn Nha Trang được khởi công xây dựng năm 1969, đưa vào sử dụng năm 1973; tọa lạc trên vùng đầm 7ha được san lấp, thuộc phường Xương Huân (TP Nha Trang).

Về kiến trúc, Liên hiệp hội nêu, chợ Đầm tròn Nha Trang là công trình “có kiến trúc tròn vô cùng độc đáo với 3 lớp mái, biểu trưng đóa sen nở trên đầm lầy như người dân Nha Trang vươn lên từ gian khó. Hiện nay chợ Đầm tròn Nha Trang vẫn giữ được nguyên bản kiến trúc ban đầu”.

Do đó, cùng với văn bản đề nghị trên, Liên hiệp hội còn gởi đến Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa hồ sơ liên quan và bảng đề xuất tính điểm đánh giá công trình kiến trúc chợ Đầm tròn Nha Trang, để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đưa công trình chợ Đầm tròn Nha Trang vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị của tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang nhằm quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị kiến trúc theo quy định pháp luật về kiến trúc.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị đối với công trình chợ Đầm tròn Nha Trang. Sắp tới, hội đồng này sẽ tiến hành xem xét, chấm điểm đánh giá theo quy định đối với công trình vừa nêu.

Nếu là công trình kiến trúc có giá trị, chợ Đầm tròn Nha Trang được bảo vệ thế nào?

Theo quy định của Luật Kiến trúc, công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (tại khoản 1, Điều 13).

Còn công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa thì được UBND cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý (theo khoản 2, Điều 13).

UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị quy định tại khoản 2 Điều 13 vừa nêu trên này trước khi phê duyệt.

Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây: được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình; được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình.

Đồng thời phải “bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng” và “không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình”.