Đầu tư để phát triển du lịch đường sông trên kênh Vĩnh Tế

17
Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, kênh Vĩnh Tế mà cha ông đã tốn bao công sức, kể cả sinh mạng để tạo nên là một tài sản vô cùng quý giá của quốc gia.
Kênh Vĩnh Tế là một tài sản quý giá của quốc gia - Ảnh 1.

Kênh Vĩnh Tế – tài sản quý giá của ông cha để lại – Ảnh: CHÍ HẠNH

Ngày 14-11, tại TP Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Hồng Quang – bí thư Tỉnh ủy An Giang – nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “200 năm kênh Vĩnh Tế – Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”. Qua đó nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử, đề xuất giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Kênh Vĩnh Tế là một tài sản quý giá của quốc gia - Ảnh 2.

Ông Lê Hồng Quang phát biểu khai mạc hội thảo – Ảnh: CHÍ HẠNH

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao – phó chủ tịch Ủy ban Luật quốc tế (Liên Hiệp Quốc) – khẳng định qua các tài liệu pháp lý lịch sử, quá trình xây dựng, quản lý đều chứng minh kênh Vĩnh Tế là sản phẩm sáng tạo. Kênh này thể hiện ý chí chinh phục thiên nhiên, phát triển nông thương và mở rộng giao thông thủy nối với vịnh Thái Lan của người Việt Nam.

Trong điều kiện khó khăn, trình độ kỹ thuật hạn chế, việc xây dựng con kênh đào là biểu hiện của ý chí dám nghĩ dám làm của người Việt. Tầm nhìn chiến lược của ông cha đã giúp cho vùng đất Tây Nam Bộ càng ngày càng phồn vinh, đất lành chim đậu.

Các thế hệ người Việt sau 200 năm vẫn sẽ tiếp tục truyền thống của cha ông, luôn chú ý việc cải thiện và phát triển hơn nữa vai trò kênh đào độc đáo này, để làm cho đất nước thêm giàu mạnh.

  • Kênh Vĩnh Tế là một tài sản quý giá của quốc gia - Ảnh 3.

Còn theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nước ngọt và phù sa mà kênh Vĩnh Tế chuyển tải về và được hệ thống kênh chuyển đến các địa bàn rõ ràng là điều kiện cần cho sự thay đổi các hệ sinh thái và đi theo là hệ thống canh tác tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.

Nước ngọt đã được ngành nông nghiệp, thủy lợi và người dân khai thác rất hiệu quả. Không chỉ tăng vụ lúa mà còn chuyên canh theo hướng thuận thiên như chuối ở Lạc Quới, Tri Tôn, luân canh lúa – tôm, lúa – khoai môn ở phía bắc kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại các huyện Hòn Đất, Kiên Lương chẳng hạn.

“Về mặt kinh tế, sản xuất tăng, tiếp cận thị trường ngày càng thuận lợi, đời sống của bà con nông dân khấm khá lên, nhiều hộ trở thành tỉ phú. Đường đắp dọc theo các kênh, nhất là các kênh T tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường, là những thực tế được ghi nhận.

Kênh Vĩnh Tế, mà cha ông đã tốn bao công sức, kể cả sinh mạng để tạo nên là một tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, trách nhiệm của chúng ta là giữ gìn và phát huy cao nhất để truyền lại cho đời sau…”, ông Trân nói.

TS Phạm Đức Thuận – Trường đại học Cần Thơ – lấy ví dụ du lịch đường sông bằng hệ thống kênh đào vốn đã phát triển ở Thái Lan, như trường hợp kênh Khlong Saen Saeb. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển hình thức du lịch này. Nhất là trường hợp kênh Vĩnh Tế.

Khi có những chính sách phù hợp, sự đầu tư bài bản và nỗ lực của cộng đồng dân cư, các nhà quản lý sẽ khơi dậy được những tiềm năng của kênh Vĩnh Tế trong phát triển du lịch. Để con kênh này không chỉ là một biểu tượng trong quá khứ hào hùng mà còn là một minh chứng cho sự phát triển của mảnh đất chín rồng trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu của GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – chỉ ra bốn giá trị to lớn của kênh đào Vĩnh Tế có thể khai thác trong tương lai. Điển hình như tiếp cận lịch sử, môi trường sinh thái nhân văn, tiếp cận địa – kinh tế; các nguồn tài liệu có độ tin cậy cao sẽ là nền tảng vững vàng giúp hoạch định các chính sách, chiến lược phát triển vùng kênh Vĩnh Tế.