Đất nước không có đèn giao thông, muốn đến du lịch không hề dễ dàng

67
Quốc gia có diện tích nhỏ bé Bhutan là nơi không có đèn tín hiệu giao thông. Người dân đi lại nhờ sự điều tiết, hướng dẫn của cảnh sát ở các ngã tư lớn.

Không có đèn giao thông 

Bhutan là quốc gia hiếm hoi trên thế giới không có đèn tín hiệu giao thông. Tại thủ đô Thimphu – nơi có lưu lượng giao thông cao nhất, cảnh sát sẽ có mặt ở những ngã tư lớn để điều tiết.

Tại một số giao lộ lớn, có đặt bốt được trang trí nhiều màu sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Bhutan để cảnh sát điều hành giao thông. Các cảnh sát mặc trang phục màu xanh than, đội mũ và đi găng tay trắng rất chuyên nghiệp.

Cảnh sát đứng giữa giao lộ để điều khiển việc đi lại (Ảnh: Soup).

Năm 1995, đèn tín hiệu giao thông từng được lắp đặt ở Thimphu nhằm đánh giá việc đi lại. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không chấp hành nên cơ quan chức năng ở Bhutan đã xóa bỏ, tiếp tục bố trí cảnh sát giao thông thuộc Cảnh sát Hoàng gia Bhutan điều khiển việc đi lại.

Giao thông ở Bhutan kể cả tại thủ đô cũng không đông đúc như nhiều nơi khác trên thế giới. 

Ngay tại thủ đô, lưu lượng người tham gia giao thông cũng không đông đúc (Ảnh: Pin).

Ngoài các cung đường bằng phẳng, Bhutan có không ít tuyến đường quanh co, khúc khủyu với những đoạn cua tay áo nguy hiểm, không phải tài xế nào cũng có đủ khả năng để vượt qua. Bởi, địa hình của nước này trải dài từ độ cao 160m đến 7.000m. 

So với các quốc gia khác trên thế giới, Bhutan là đất nước có lối sống chậm hơn đáng kể. Truyền hình và Internet có ở nước này từ năm 1999, 4 năm sau đó mạng điện thoại di động bắt đầu được cung cấp tới người dân. Hồi năm 1960, nước này mới bắt đầu xây dựng con đường đầu tiên. Trước đây, người dân Bhutan chỉ đi lại bằng các con đường mòn gập ghềnh.

Thu phí du khách

Vương quốc nhỏ bé này từ lâu nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc hàng đầu thế giới, có phong cảnh thiên nhiên độc đáo và các tu viện cổ kính.

Số lượng chuyến bay đi và đến Bhutan không nhiều. Sân bay chính ở thủ đô nằm trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Phi công phải hạ cánh giữa các đỉnh núi cao. 

Những cung đường quanh co ở Bhutan không hề dễ dàng để đi lại (Ảnh: Roadsup).

Trong khi nhiều quốc gia khác cố gắng thu hút du khách đông bằng chính sách kích cầu, Bhutan lại thu phí du lịch. 

Khoản tiền này được gọi là “phí phát triển bền vững”. Trước đây, Bhutan thu phí 200 USD/người lớn/ngày (hơn 5 triệu đồng).

Hiện, Bhutan đã giảm mức phí xuống còn 100 USD/ngày/người lớn (hơn 2,5 triệu đồng) và 50 USD/ngày/trẻ em từ 6-12 tuổi (hơn 1,2 triệu đồng) nhằm hút khách du lịch trở lại sau đại dịch Covid-19.

Cảnh quan với các khu rừng được bảo tồn tốt ở Bhutan (Ảnh: Travel).

Theo cơ quan chức năng Bhutan, mức phí này có hiệu lực đến 31/8/2027. Trả lời phỏng vấn kênh CNBC, Thủ tướng Bhutan Tobgay cho biết, mức phí có thể thay đổi.

“Chúng tôi đặt hạn ngạch đón 300.000 khách du lịch. Nếu nhu cầu đến Bhutan của khách đến tham quan vượt khả năng tiếp nhận, chúng tôi có thể phải tăng phí này”, vị Thủ tướng Bhutan nhấn mạnh.