Đảo Phú Quý – Điểm đến không thể bỏ lỡ dịp 30/4

52

Là một huyện đảo xinh đẹp cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 56 hải lý. Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một hòn đảo có diện tích 16 km² thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận.

Biển Phú Quý mang một vẻ đẹp hoang sơ nhưng cũng rất thơ mộng. Nước biển trong veo, những con sóng tung bọt trắng xoá, các bãi cát trắng trải dài dưới những hàng dương xanh rì “níu chân” biết bao du khách đã từng đặt chân đến đây. Với mong muốn giúp các bạn các một kì nghỉ thú vị vào dịp lễ 30/4, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn một số thông tin về du lịch Phú Quý nhé!

Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Phú Quý. Ảnh: Facebook Đảo Phú Quý

1. Phương tiện di chuyển

*Phương tiện đến Phan Thiết

Nếu muốn du lịch ra đảo Phú Quý, bạn phải di chuyển đến Phan Thiết trước. Tùy vào kinh phí và thời gian dành cho chuyến đi mà bạn có thể lựa chọn phương tiện cho phù hợp.

– Xe khách chất lượng cao

Từ TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể di chuyển đến Phan Thiết bằng xe khách chất lượng cao đi Phan Thiết khoảng cách giá vé khoảng 130.000 – 150.000 tùy theo hãng. Một vài hãng xe bạn có thể tham khảo như

Xe Mai Linh: TP Hồ Chí Minh: (08). 39292929, Phan Thiết : (062). 3823 222

Xe Kumho Samco: TP.Hồ Chí Minh: (08) 3511 6861, (08) 35.112.112 . Phan Thiết: (062) 38.34.000 – 22.00.620.

Các hãng xe như Phương Trang, Sinh Café cũng có tuyến đi Phan Thiết nhưng các hãng xe này trả khách tại Mũi Né nên sẽ không thuận tiện cho bạn.

– Xe đưa đón tận nơi

Một vài hãng xe đưa đón tận nơi như: Trung Nga, Cao Lâm, Hoàng Kim,..

Ưu điểm đối với các hãng xe này là bạn chỉ cần gọi điện thoại trước khi đi khoảng chừng 4 – 5h là xe sẽ đến tận nơi rước bạn.

Nhược điểm: Phần lớn các loại xe này là ghế ngồi và xe nhỏ khoảng từ 16 – 30 chỗ.

– Tàu hỏa

Nếu bạn muốn di chuyển bằng tàu hỏa thì sẽ có 2 lựa chọn dành cho bạn. Thứ nhất, bạn có thể mua thẳng vé tàu đến ga Phan Thiết. Thường có chuyến tàu SPT chạy 6h50 hàng ngày, tàu PT nhanh chỉ chạy lúc 17h00 tối thứ 6, 7, chủ nhật với hành trình Sài Gòn – Phan Thiết. Thứ hai, bạn có thể lựa chọn mua vé tàu nhanh SE hay TN để đến ga Bình Thuận (trước kia có tên là ga Mương Mán). Ga này cách Phan Thiết 12km về phía Tây, từ đây bạn có thể bắt xe taxi, xe ôm hay xe buýt để đến thành phố Phan Thiết.

Từ Hà Nội vì quãng đường khá xa khoảng 1500km bạn có thể nên tàu hỏa hoặc chọn loại xe giường nằm để đến Phan Thiết. Tuy nhiên, phần lớn du khách ở Hà Nội thường bay đến Sài Gòn, sau đó các bạn đi Phan Thiết bằng phương tiện, tàu hỏa hay xe khách. Hoặc du khách sẽ đi máy bay từ Hà Nội để bay vào Sân bay Cam Ranh tại Nha Trang, sau đó bạn tiếp tục hành trình vào Phan Thiết bằng xe khách chất lượng cao.

Từ thành phố Phan Thiết bạn bắt xe ôm, hay taxi tới cảng Phan Thiết để bắt tàu đi đảo Phú Quý

*Tàu đi Phú Quý

Từ cảng Phan Thiết đến cảng Phú Quý thường mất khoảng từ 3,5-6 giờ (tùy vào loại tàu nhanh, chậm). Tàu đi Phú Quý thường thì có hàng ngày, tuy nhiên vào mùa biển động thì tùy theo thời tiết, bạn nên gọi điện hỏi trước lịch tàu đi và về và đặt vé trước chuyến đi.

Tàu trung tốc Phú Hưng đi Phú Quý. Ảnh: Phuot.vn

*Bạn có thể liên hệ

• Tàu cao tốc Savanna chỉ mất 2 tiếng giá vé khoảng 330.000/lượt, điện thoại: (062) 3819 982 hoặc 0912358268. Khởi hành mỗi ngày một chuyến. Hôm nay khởi hành từ Phan Thiết, ngày mai khởi hành từ Phú Quý và luân phiên xuyên suốt.

• Tàu trung tốc Phú Hưng chạy 3,5 tiếng, điện thoại: 0918737566; 0949 666 595. Giá vé khoảng 250.000/lượt (tàu đi ra Phú Quý ngày chẵn và đi về Phan Thiết ngày lẻ).

• Tàu chậm: Bình Thuận 18: 0908128110; Bình Thuận 16: 0907559410; Tàu Quê hương: 0908181121; tàu Phú Quý 07: 0913658167. Giá vé từ: 150 – 250.000/lượt.

Ngoài ra bạn có thể đi các chuyến tàu của ngư dân đến đảo Phú Quý. Tuy nhiên, để biết lịch tàu cụ thể, tốt nhất là bạn nên gọi đến ban quản lý cảng vụ theo số: (062) 3831419.

2. Nhà nghỉ, khách sạn trên đảo Phú Quý

Nhà nghỉ Trường Huy: số 354 đường Võ Văn Kiệt – thôn Mỹ Khê – Tam Thanh – Phú Quý hoặc liên hệ qua số điện thoại: (062) 3769333 – 0943 414 488 – 0963337316.

Nhà nghỉ Long Vĩ: ở Mũi Doi Thầy, thôn Đông Hải – xã Long Hải: (062) 3509509 – 0918680344. Vị trí nhà nghỉ đẹp có chỗ cắm trại, đốt lửa trại, dạo biển, câu mực, cá tôm. Giá 150.000/phòng/đêm.

Nhà nghỉ Minh Tân 2: thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Điện thoại: 0936830060.

Nhà nghỉ Hướng Dương: xã Tam Thanh. Điện thoại: 062. 3769 241 – 0909 955 171.

Nhà nghỉ Phượng Tiến: điện thoại (062) 3509299 giá khoảng 150.000 phòng thường và 200.000 phòng máy lạnh (có thể ở 4 người).

Nhà nghỉ Hiền Được: điện thoại (062) 3769265

Nhà nghỉ Hoàng Phú: điện thoại (062) 3709550 – 0168643531 – 0984711660. Gần biển, cách cảng 200m có sân rộng để sinh hoạt tập thể, phòng có thể ở ghép được, có chỗ thuê xe máy, giá rẻ. Đặc biệt về an ninh khu vực này thì rất an toàn. Phía sau nhà trọ khoảng 50m là đã tới biển.

3. Địa điểm tham quan tại Phú Quý

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi nhiều nhiều bãi tắm như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ – Gành Hang,.. mà Phú Quý còn có nhiều danh thắng cho bạn khám phá. Là một hòn đảo nhỏ chỉ với diện tích 16km2 nhưng trên đảo có nhiều ngôi chùa, miếu, đền có kiến trúc từ lâu đời như: chùa Linh Quang, chùa Vạn An Thạnh ở xã Tam Thanh; dinh mộ Thầy Nại, miếu bà chúa Bàng Tranh ở xã Long Hải; ngôi chùa cổ Linh Sơn trên núi Cao Cát…

Vịnh Triều Dương: là địa điểm quen thuộc với nhiều người dân địa phương và du khách gần xa, với bãi cát phẳng và rộng, trắng mịn, nước biển trong xanh, trên bờ có một rừng dương rợp bóng rất thích hợp cho du lịch dã ngoại. Đây là nơi tắm biển lý tưởng của du khách khi đến nghỉ dưỡng và khám phá cảnh quan thiên nhiên tại Phú Quý.

Vịnh Triều Dương. Ảnh: wikimapia.org

Bãi Nhỏ – Gành Hang: là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý với hình lưỡi liềm được giới hạn bởi những mũi đá nhô ra biển. Bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh. Nước biển ở đây trong xanh, ít ghe thuyền neo đậu, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách nào muốn hòa mình vào với thiên nhiên.

Chùa Linh Quang: là di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh. Chùa được xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 8 đến nay đã có hơn 250 tuổi. Hiện chùa còn lưu giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban.

Vạn An Thạnh: tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Hiện nay, tại Vạn An Thạnh còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá Voi.

Dinh mộ Thầy Nại: được xây dựng từ thế kỷ 17, đây được xem là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng biển. Lễ cúng Thầy được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng Tư (âm lịch), đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền cầu trời yên biển lặng, đất thái dân an. Đây cũng là lễ hội lớn nhất hàng năm trên đảo, thu hút nhiều du khách đến tham dự.

Ngọn Hải Đăng – Núi Cấm: Hải Đăng Phú Quý nằm trên ngọn núi Cấm với độ cao 108 m so với mực nước biển, cách Cảng 3km về phía Tây thuộc xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá uốn lượn theo triền núi, dài khoảng 200m. Từ đây chúng ta có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh Phú Quý, là điểm ngắm cảnh lý tưởng cho du khách với phong cảnh hết sức hữu tình và thơ mộng. Hải Đăng Phú Quý thực sự là một điểm tham quan hấp dẫn cho những ai muốn khám phá trọn vẹn nét đẹp hoang sơ của hòn đảo này.

Hải đăng Phú Quý. Ảnh: Sanhdieu.com.vn

Chùa Thạnh Lâm: tọa lạc tại xã Ngũ Phụng huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Quần thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế, trang nghiêm đan xen giữa lối kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại như: cổng Tam quan, bảo tháp, tháp bia, tháp chuông, chính điện và nhà Tổ.

Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật du khách còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý, trong đó nổi bật là ngôi Bảo tháp 7 tầng và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được xem là những công trình kiến trúc đẹp nhất hiện nay tại Bình Thuận.

Chùa Linh Sơn – Núi Cao Cát: là một quần thể thắng cảnh đẹp của huyện Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía Bắc đảo, nơi đây có tượng Phật Bà Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.

Chùa Linh Sơn. Ảnh: Facebook Đảo Phú Quý

Ngôi chùa cổ Linh Sơn tọa lạc trên núi Cao Cát, ở độ cao gần 80 mét so với mực nước biển. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp giữa tự nhiên và nhân tạo. Từ khi tạo dựng đến nay ngôi chùa trở thành nơi thu hút đông đảo tín đồ Phật tử và người dân trên đảo đến chiêm bái Phật. Đây cũng là nơi mà du khách không nên bỏ qua khi đến với đảo Phú Quý.

4. Thưởng thức ẩm thực Phú Quý

Đặc sản biển tại Phú Quý rất tươi, rất ngon nhưng giá cả lại phù hợp và phải chăng. Sáng sớm bạn có thể ra các chợ cá hay bắt canô ghé đến các hòn để xem tàu đánh cá cập bờ, tìm hiểu về những con thuyền làm nghề câu cá mập, hoặc nghề lặn bắt tôm hùm truyền thống, sau đó quay trở về các xóm chài để ăn sáng. Đương lúc hóng chuyện với ngư dân, bạn cũng có thể tranh thủ mua lấy mớ hải sản tươi vừa lên bờ, nhờ người dân chế biến theo ý thích, vừa rẻ, lại thơm ngon không chê vào đâu được.

Cá mú bông: có nhiều cách chế biến món cá mú nhưng chuộng nhất vẫn là cá mú hấp. Cá mú hấp với các vị thuốc bắc gồm: đại táo, câu kỷ, mộc nhĩ, bá hạp, hột sen và một ít bún Song Thằn, gia thêm ngũ vị hương sẽ làm “nức lòng” du khách khi đến với Phú Quý.

Ốc vú nàng: Gỏi ốc ăn với bánh tráng (bánh đa) nướng, chấm thêm nước mắm gừng ăn mãi không chán. Hương vị gỏi ốc thật đậm đà và khoái khẩu. Mùi thơm của rau quyện với vị cay nồng của ớt, vị ngọt ngọt của ốc cứ ngấm dần khi bạn thưởng thức món này.

Gỏi ốc vú nàng. Ảnh: Vinalo.com

Cá mú đỏ: được xem là đặc sản của vùng biển nếu tính về độ thơm ngon, thịt ngọt chắc và hương vị tự nhiên đậm đà khó quên của loài cá này, trong đó đặc biệt hơn cả là món cá mú đỏ hấp gừng. Cá mú được hấp với một ít gừng, hành hoa, nước tương và phải canh lửa sao cho vừa chín tới thì mới còn đủ mùi vị của cá. Cá mú đỏ cũng là loại đặc sản được mọi người ưa chuộng tại vùng đảo này.

Ngoài những đặc sản trên thì đến Phú Quý bạn cũng không thể bỏ qua các món như: cá tà ma nướng, khô cá cắc kè, cá nhám (cá mập nhỏ) hấp đậu phộng, cá chuồn, cá nhói…với nhiều biến tấu của người dân đảo cũng như tài sáng tạo của các đầu bếp sẽ là những món ăn dân dã, chân quê nhưng thật đậm đà khó quên.

Đặc biệt, nhắc đến ẩm thực biển Phú Quý không thể không nhắc đến thực đơn chế biến từ cá thu. Đây là loại hải sản không chỉ cho thứ thịt thơm ngon nổi tiếng mà còn quen thuộc khi gắn liền với đảo Phú Quý qua cái tên đã có từ rất lâu: Cù Lao Thu – đảo có nhiều cá thu!

Theo Traveltimes.vn

Xem thêm các bài viết:

Triển khai tuyến tàu cao tốc Phan Thiết-đảo Phú Quý

Top 10 hòn đảo đẹp nhất của du lịch Việt Nam

Du lịch 30/4 – Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ