Đậm đà đặc sản Thái Nguyên

48

Không chỉ nổi tiếng là vùng đất của loại chè ngon, còn được biết đến với những đặc sản vô cùng độc đáo, mang đậm tinh hoa núi rừng.

>> Khám phá nét độc đáo ẩm thực biển Phú Yên

>> 5 món ăn ngon xứ Bạc Liêu

>> Đến Cao Bằng thử ăn trứng kiến

1. Chè Tân Cương

Đặc sản hàng đầu của Thái Nguyên phải nói ngay đến là trà, bởi nước trà Thái đượm đà vị chát dịu, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương thơm mùi cốm, khiến cho ai mới nhấp môi cũng sẽ còn nhớ mãi.

Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp nên đâu đâu trên miền đất Thái Nguyên cây chè cũng phát triển tốt tươi, đã có những vùng chè nổi tiếng như chè La Bằng (Đại Từ); chè Khe Cốc (Phú Lương); chè Trại Cài (Đồng Hỷ) nhưng nổi tiếng hơn cả là chè Tân Cương (TP Thái Nguyên). Quả thật Trà Tân Cương Thái Nguyên đã sánh ngang được với trà Atxam nổi tiếng của Ấn Độ hay trà đặc sản Long Tỉnh của Trung Quốc.

2. Thơm ngậy đậu phụ Bình Long

Xóm An Long, xã Bình Long được nhiều người biết đến bởi nghề làm đậu phụ thơm ngon. Đậu Bình Long bìa to bản, không quá cứng mà cũng chẳng quá mềm, giá khoảng 20 nghìn đồng/1kg đậu. Có nhiều cách thưởng thức đậu Bình Long, khi còn nóng chỉ cần cắt ra chấm mắm tôm chanh sẽ cảm nhận vị thơm ngậy riêng biệt, có thể cắt nhỏ, rán vàng, chấm nước mắm chanh ớt ăn kèm rau sống, cầu kỳ hơn đậu phụ kết hợp với một số thực phẩm khác: thịt lợn, cà chua là có ngay món ngon dân dã trong bữa cơm gia đình.

3. Bánh ngải của người Tày

Bánh ngải có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, hình thù và cách làm gần giống với bánh dày của người miền xuôi. Bánh ngải dễ ăn, mát và không ngấy. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát. Tết Thanh minh, nếu có dịp lên Phú Lương vào vùng dân tộc Tày sinh sống thể nào du khách cũng được thưởng thức món bánh ngải đặc sản và dân giã này.

4. Ngọt bùi trám Hà Châu

Trám đen là cây thân mộc, có thể sống trên một trăm năm, ra hoa vào tháng hai, chín quả vào tháng bẩy, quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám màu vàng, hạt trám nhọn hai đầu, nhân trám trắng ngần. Thông thường có hai cách chế biến trám là trám om và trám nấu. Từ trám nấu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó món gỏi trám và món nham đã trở thành đặc sản.

5. Cơm lam Định Hóa

Muốn có cơm lam ngon, đầu tiên phải có loại nếp ngon, ấy là thứ nếp cái hoa vàng trồng trên nương, hàng năm thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10. Róc hết lớp vỏ nứa bị cháy, cắt ống cơm lam thành từng khoanh, bày ra đĩa, khoanh cơm mịn màng như khúc giò, mùi thơm mời gọi khách phương xa nếm thử. Cơm nếp lam có thể để được cả tuần mà không bị thiu hay vữa. Cơm lam ăn với muối vừng vừa dân dã vừa mộc mạc, vừa đậm đà khó quên.

6. Bánh chưng Bờ Đậu

Bờ Đậu thuộc xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng của huyện Phú Lương, nơi đây có nghề làm bánh chưng truyền thống nức tiếng. Bánh chưng Bờ Đậu bán quanh năm, theo chân khách thập phương đi về mọi miền đất nước. Bóc chiếc bánh chưng Bờ Đậu, vỏ bánh xanh mướt, dẻo, nhân bánh bùi ngậy pha chút cay cay, thơm thơm của hạt tiêu, cảm giác như cả đất trời cùng hòa quyện trong từng chiếc bánh và câu chuyện Lang Liêu dâng bánh được học thuở thiếu thời lại hiển hiện.

7. Bánh Cooc Mò của người Tày, Nùng

Bánh cooc mò được làm từ loại nếp nương nogn nhất nên rất thơm, vị ngọt, dẻo, có thể ăn no mà không thấy ngán. Người Tày, Nùng làm bánh cooc mò quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Trong những dịp đặc biệt như mừng đầy tháng, thôi nôi thì mọi gia đình đều làm bánh cooc mò. Muốn thưởng thức món bánh này du khách cũng có thể đến Trung tâm thương mại Đồng Quang hoặc chợ Thái, với 20 nghìn đồng du khách đã có trên tay chùm bánh cooc mò thơm nồng, quyến rũ.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU – Theo Baomoi