Đài thiên văn Sendai và những trải nghiệm tuyệt vời

12

Là một người đam mê khám phá, yêu thích những điều mới lạ khiến mỗi lần đặt chân đến một vùng đất mới, bên cạnh những địa điểm nổi tiếng và đặc trưng, mình luôn cố gắng tìm tòi và trải nghiệm cả những điều khác lạ mà nơi mình đang sống không có. Vậy nên, trong một chuyến đi đến Nhật Bản mình đã cho phép bản thân lưu lại một chút ở thành phố Sendai để tìm hiểu Đài thiên văn học Sendai để khám phá về vũ trụ diệu kỳ rộng lớn của chúng ta. Nếu bạn là một người yêu thích thiên văn học, đam mê khám phá không gian vũ trụ hoặc bạn muốn có thêm những trải nghiệm hẹn hò khác biệt và độc đáo thì đây là một trải nghiệm tuyệt đối không nên bỏ qua.

Một góc trong khu triển lãm của Đài thiên văn Sendai

Một góc trong khu triển lãm của Đài thiên văn Sendai

Đôi nét về Sendai

Sendai là thành phố thuộc Tohoku – vùng đất được coi là cái nôi của nền văn hóa và nghệ thuật của Nhật Bản với lịch sử văn hóa hàng nghìn năm. Bên cạnh đó Sendai cũng được biết đến là một thành phố có nền kinh tế và khoa học rất phát triển. Một trong những trung tâm nghiên cứu và trường đại học về thiên văn học và vũ trụ lớn và lâu đời nhất của Nhật Bản.

Sendai cách Tokyo khoảng 400km về phía Đông Bắc, từ Tokyo bạn có thể di chuyển đến Sendai bằng tàu cao tốc Tohoku hoặc Akita từ ga Tokyo chỉ mất khoảng 1 tiếng 30 phút. Đây là cách di chuyển phổ biến và thuận tiện nhất.

Đài thiên văn Sendai

Ga Sendai – một trong những ga lớn ở khu vực Tohoku tập nập người ra vào

Mình chỉ quá giang đến Sendai trong một buổi chiều trên đường đi lên phía Bắc Nhật Bản nhưng Sendai đã để lại cho mình thật sự nhiều điều bất ngờ và tuyệt vời khiến mình thật sự được mong muốn trở lại vào một ngày nào đó để có thể tận hưởng hết tất cả phong vị của thành phố xinh đẹp này.

Sendai Astronomical Observatory

Planetarium show – Buổi trình diễn thiên văn học

Có lẽ xem một show về thiên văn học còn khá mới mẻ và xa lạ với người dân Việt Nam, tuy nhiên với người Nhật thì đây lại là một điểm hẹn hò vô cùng lãng mạn luôn nằm trong must-list của các cặp đôi. Sẽ không có gì tuyệt vời bằng một buổi hẹn hò lãng mạn trên chiếc ghế êm ái, tiếng nhạc êm dịu và bạn lạc lối trong các vì sao trên bầu trời.

Còn đối với những bạn yêu thích thiên văn học mong muốn được nắm bắt và hiểu thêm sự biến chuyển của vũ trụ rộng lớn ngày qua ngày thì đây sẽ là điểm đến thường xuyên vì mỗi tháng các chương trình thiên văn sẽ được thay đổi dựa theo sự vận hành không ngừng của vũ trụ.

Đài thiên văn Sendai

Planetarium show – Do không thể chụp hình phía trong phòng chiếu nên mình sẽ sử dụng hình chính thức trên internet để cho các bạn dễ tưởng tượng hơn nhé.

Planetarium show rất phổ biến ở Nhật Bản, ít nhất là ở các thành phố lớn, mình đã đến Cosmo Planetarium Shibuya nằm trên tầng 12 của Shibuya Cultural Center ngay ở đại lộ Shibuya chỉ mất khoảng 7 phút đi bộ từ ga Shibuya. Tuy nhiên, trải nghiệm mà Sendai Astronomical Observatory đem lại cho mình đã vượt qua mọi sự mong đợi, không chỉ là một show thiên văn học thông thường mà là một hành trình khám phá công trình nghiên cứu vũ trụ hàng trăm năm độc nhất vô nhị.

Sendai Astronomical Observatory

Đài thiên văn Sendai bắt đầu mở cửa vào năm 1950, tuy nhiên, nguồn gốc của việc nghiên cứu thiên văn học đã có từ hàng trăm năm trước dựa theo đề xuất của các cố vấn thuộc gia tộc samurai Date, gia tộc samurai hùng mạnh nhất đã xây dựng và cai trị Sendai cũng như phần lớn Tohoku.

Đài thiên văn Sendai cách thành phố khoảng 40 phút lái xe, tuy nhiên bạn cũng có thể sử dụng các phương tiện công cộng khác như bus hoặc tàu, điểm đến ngay tại cửa chính của Sendai Astronomical Observatory, rất thuận tiện và không phải đi bộ quá xa.

Từ xa bạn sẽ nhìn thấy tòa nhà Đài thiên văn Sendai với kiến trúc hình mái vòm khổng lồ rất bắt mắt khiến cho một vị khách lạ đi ngang qua sẽ có ấn tượng và tự hỏi bên trong có lẽ là một điều gì thú vị lắm.

Đài thiên văn Sendai nhìn từ xa vào buổi tối

Đài thiên văn Sendai nhìn từ xa vào buổi tối

Lối vào chính của Đài thiên văn Sendai

Lối vào chính của Đài thiên văn Sendai

Ngay khi bước vào tòa nhà, những chiếc kính thiên văn với đủ màu sắc và kích thước khác nhau lọt vào tầm mắt khiến cho mình vô cùng hào hứng. Nhìn vào phía trong bạn sẽ thấy quầy bán vé ở phía trung tâm và một quán cafe nhỏ được trang trí theo phong cách thiên văn vô cùng dễ thương và những chiếc ghế nghỉ chân cho du khách tham quan.

Đài thiên văn Sendai

Đây là chiếc kính thiên văn khổng lồ đầu tiên bạn sẽ nhìn thấy khi bước vào sảnh chính

Dưới sự tiếp đón nồng hậu và thân thiện của nhân viên ở đây, mặc dù không thể nói tiếng anh nhưng họ vẫn rất nhiệt tình nói chuyện với bạn thông qua một chiếc máy phiên dịch cầm tay nhỏ xinh với công nghệ hiện đại, bạn sẽ được tư vấn về các thông tin ở đây. Đài thiên văn Sendai bao gồm 4 khu vực chính là Đài quan sát, Cung thiên văn, khu triển lãm và khu hoạt động. Ngoài ra còn có Quảng trường các hành tinh là một không gian giải trí ngoài trời có mô hình tỉ lệ 1/7,5 tỷ của quỹ đạo hệ mặt trời, tại đây bạn có thể cảm nhận được sự nhỏ bé của mình so với kích thước của các hành tinh và hệ mặt trời.

Vé riêng cho khu vực triển lãm hoặc planetarium show có giá 600 Yên khoảng 100.000 đồng cho mỗi loại hoặc bạn có thể mua vé set chung cho cả hai là 1000 Yên khoảng 180.000 đồng. Ngoài ra còn có vé tháng và vé năm dành cho những bạn đam mê thiên văn học và muốn trải nghiệm nhiều lần.

Kính thiên văn màu tím vô cùng dễ thương ở sảnh chính

Kính thiên văn màu tím vô cùng dễ thương ở sảnh chính

Mình mua vé set bao gồm cả planetarium show và khu vực triển lãm. Ngay sau khi mua vé xong, nhân viên đưa mình đi qua một lối hành lang nhỏ trang trí rất nhiều những ngôi sao lấp lánh và đi qua một cánh cửa để đi vào một phòng chiếu mái vòm khổng lồ. Bạn lưu ý show thiên văn học sẽ có những giờ cố định và sẽ không được vào sau khi giờ chiếu bắt đầu, vậy nên hãy tham khảo thời gian trước nhé. Ngoài ra, nếu bạn không thành thạo tiếng Nhật thì hãy in 1 tờ hướng dẫn bằng tiếng Anh trên website vì show này sẽ không có thuyết minh tiếng Anh và không được sử dụng điện thoại trong phòng chiếu.

Khi bước chân vào cung thiên văn mình đã bị choáng ngợp vì đây là cung thiên văn lớn nhất mà mình từng thấy có sức chứa lên đến 270 người. Thời điểm mình đến vào ngày thường trong tuần và là giờ chiếu cuối cùng trong ngày, nên trong phòng chỉ có mình và 3 cặp đôi khác. Bạn có thể lựa chọn một chỗ bất kỳ còn trống, ngay sau khi ngồi xuống, một bầu trời đầy sao rộng lớn hiện ra cùng với âm thanh êm dịu vang lên, dù mới chỉ 4 giờ chiều nhưng mình đã hoàn toàn lạc vào một đêm đầy sao lãng mạn mộng mơ.

Lối vào Cung thiên văn trưng bày mô hình hệ Mặt trời

Lối vào Cung thiên văn trưng bày mô hình hệ Mặt trời

Buổi chiếu bắt đầu, những chòm sao, mặt trời và mặt trăng bắt đầu chuyển động và bạn dẫn chương trình bắt đầu dùng chất giọng ấm áp giới thiệu về những thông tin cơ bản của vũ trụ. Nếu những bạn đã từng học về thiên văn học có lẽ sẽ không xa lạ gì với những kiến thức cơ bản này nhưng mình thật sự hào hứng vì được lắng nghe thông tin truyền tải một cách sinh động trong một không gian khổng lồ như vậy.

Đài thiên văn Sendai

Lịch sử nghiên cứu khoa học vũ trụ đã có từ hàng ngàn năm, không có gì có thể ngăn được con người với niềm đam mê khám phá vũ trụ này, các nhà khoa học đã bắt đầu khám phá các vì sao từ chỉ mỗi chiếc ống nhòm

Planetarium show được thuyết minh hoàn toàn bằng tiếng Nhật nên mình cũng không hiểu hết hoàn toàn những kiến thức này. Nhưng mình không hề cảm thấy thất vọng vì có thể tận hưởng cảm giác thư giãn chỉ nhìn lên trần nhà, lắng nghe tiếng nhạc du dương và lạc lối trong những vì sao xinh đẹp và vũ trụ trải dài bất tận. Cung thiên văn không chỉ hiển thị cho bạn tất cả những vì sao mà bạn có thể thấy vào thời điểm đó trên trái đất mà còn tinh chỉnh các điều kiện khác như không khí, nhiệt độ và bóng tối hoàn hảo. Đôi khi mình đã hoàn toàn quên mất là mình đang ngồi trên một chiếc ghế êm ái trong cung thiên văn mà cứ ngỡ mình đang ngồi trên một thảm cỏ xanh mát ngoài trời vào một đêm đầy sao và bạn có đôi mắt của một vị thần có thể nhìn xa hàng trăm triệu năm ánh sáng. Thật sự không có từ nào để diễn tả hết được sự hào hứng của bản thân và sự hấp dẫn của vũ trụ kỳ diệu này.

Một góc phòng triển lãm về chu kỳ quay của hệ mặt trời

Một góc phòng triển lãm về chu kỳ quay của hệ mặt trời

Tiếp theo là phòng triển lãm, có rất nhiều thứ thú vị và thông tin hữu ích được trưng bày khoa học kết hợp giữa những mô hình và những màn hình động rất dễ hiểu và nắm bắt, có phụ đề bằng tiếng Anh. Phía ngoài là một màn hình khổng lồ bắt mắt hiển thị các hành tinh quay quanh mặt trời, có lời giải thích về sự hình thành của Trái Đất, Hệ Mặt trời và vũ trụ. Phía trên bạn sẽ thấy những mô hình của trái đất, các hành tinh và không gian vũ trụ. Tiếp đến là khu vực trưng bày giải thích sự kết nối giữa thiên văn học và văn hóa Nhật Bản rất thú vị. Có rất nhiều vật dụng, những đồ vật gắn liền với lịch sử nghiên cứu của các nhà khoa học vũ trụ. Khi khám phá thêm, bạn còn phát hiện ra rằng đài thiên văn này đã phát hiện ra một hành tinh nhỏ và hai tiểu hành tinh, thật diệu kỳ đúng không.

Hóa thạch được trưng bày trong phòng triển lãm

Hóa thạch được trưng bày trong phòng triển lãm

Những mô hình nghiên cứu của các nhà khoa học vũ trụ

Những mô hình nghiên cứu của các nhà khoa học vũ trụ

Đặc biệt, vào một số ngày cố định trong tháng, bạn sẽ được sử dụng kính viễn vọng để ngắm sao chỉ với 200 Yên khoảng 30.000 đồng. Mình nhất định sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó để ngắm nhìn vũ trụ qua đôi mắt này.

Đài thiên văn Sendai

Giờ mở cửa:

Ngày thường: 9h00 – 17h00

Cuối tuần: 9h00 – 21h30 ( khu triển lãm: 9h00 – 17h00)

Đóng cửa thứ Tư hàng tuần và thứ Ba thứ 3 của tháng và các ngày nghỉ lễ chỉ định ( Theo dõi lịch đóng/mở cửa chi tiết qua thông báo trên trang web chính thức hoặc google)

Đừng quên thưởng thức món đặc sản Gyutan – Lưỡi bò Sendai

Mình chỉ ghé qua Sendai một buổi chiều nhưng đã đến Sendai nhất định phải thưởng thức ẩm thực Sendai, đặc biệt là món Cơm lưỡi bò Gyutan độc nhất vô nhị.

Ngay sau khi đặt chân đến Sendai, việc đầu tiên mình làm là đi bộ qua con phố đi mua sắm sầm uất nhất Sendai và tìm kiếm quán ăn.

Nhà hàng mình chọn cho bữa trưa muộn lúc 1h30 chiều có tên là Biwane, một nhà hàng phong cách Nhật Bản khá sang trọng với những phòng riêng sang trọng hướng vườn và trong nhà. Mình vô tình tìm thấy quán ăn này khi đi ngang qua và bị ấn tượng bởi kiến trúc và thiết kế xinh xắn phía ngoài với một vườn cây nhỏ.

Điều bất ngờ là mức giá ở đây lại không hề đắt đỏ như mình nghĩ. Menu vô cùng đa dạng và được trưng bày ở phía ngoài cửa, bạn có thể tham khảo trước khi quyết định có nên thưởng thức ẩm thực ở đây hay không.

Đài thiên văn Sendai

Khu vườn nhỏ phía ngoài nhà hàng lá vàng lá đỏ đang chuyển màu rực rỡ

Mình được nhân viên đưa vào phòng riêng phong cách Nhật Bản nhưng có bàn và ghế cao, khác với những phòng phong cách ngồi bệt truyền thống hướng vườn phía ngoài mà mình nhìn thấy.Sự tỉ mỉ và cầu kỳ của nhà hàng thể hiện rõ ở menu bọc da thêu tay và chạm khắc cầu kỳ trên cửa kéo. Mình đã gọi 1 set cơm Gyutan bao gồm cả desert chỉ với 2800 Yên với mức giá lúc đó khoảng 500.000 đồng. Mặc dù đây không phải là một nhà hàng chuyên về Gyutan, nhưng Gyutan ở đây thực sự rất ngon và kết hợp với những món ăn kèm khác mang đến một phong cách ẩm thực hoàn toàn mới mẻ. Sendai đã chào đón mình bằng một bữa cơm tuyệt vời và đầy ấm áp như vậy đó.

Set Gyutan bao gồm 8 món vô cùng lạ miệng và bắt mắt

Set Gyutan bao gồm 8 món vô cùng lạ miệng và bắt mắt

Dessert bao gồm bánh ngọt và trà

Dessert bao gồm bánh ngọt và trà

Mặc dù mình đã ăn bữa trưa là Gyutan nhưng vì dư vị tuyệt vời của món ngon này nên sau khi trở về từ Đài thiên văn, dù muộn tàu mình vẫn quyết định thưởng thức thêm món ngon này một lần nữa. Lần này là một quán ăn địa phương do một người bạn Nhật Bản giới thiệu cho mình. Quán có tên Kaku Gyutan, địa chỉ của quán ăn này khá khó tìm vì nằm dưới tầng hầm trong một tòa nhà có nhiều nhà hàng nhỏ ở cùng nhau. Có lẽ quán nổi tiếng nên rất đông khách dù chỉ bán Gyutan và khi mình đến chỉ mới 6h hơn.

Set Gyutan lưỡi bò truyền thống 4 miếng

Set Gyutan lưỡi bò truyền thống 4 miếng

Mình cũng đã gọi một set Gyutan 4 miếng lưỡi bò ở đây có kèm canh và cơm giá 2280 Yên khoảng hơn 400.000 đồng. Khác với sự cầu kỳ của Biwase, Gyutan ở đây không có nhiều món ăn kèm, tuy nhiên lại chú trọng vào chất lượng và cách nấu lưỡi bò. Không có sự kết hợp cùng hương vị của món ăn khác sẽ giúp bạn thưởng thức tròn vẹn hương vị Gyutan truyền thống.

Nếu bạn có cơ hội đến Sendai, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ngon tuyệt hảo này nhé.

Đài thiên văn Sendai không phải là một điểm đến du lịch dễ tiếp cận, tuy nhiên trải nghiệm thiên văn học thật sự là một trải nghiệm tương tác và đầy sáng tạo giúp cho chúng ta có một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về vũ trụ diệu kỳ này. Vậy nên mình thật sự mong muốn được giới thiệu Đài thiên văn Sendai đến với nhiều du khách hơn nữa trong tương lai.