Đặc sản nhất định phải nếm cho đủ khi đến Hà Giang mùa tam giác mạch

84

Đặc sản nhất định phải nếm cho đủ khi đến du lịch Hà Giang mùa tam giác mạch

1. Bánh tam giác mạch

Nói đến tam giác mạch người ta sẽ ngay đến sắc hoa màu hồng tím đẹp mê hồn, thứ khiến dân tình cứ đến tháng 11 là lên kế hoạch đến du lịch Hà Giang. Nhưng tam giác mạch không chỉ để ngắm hoa, trên thực tế, loại cây này còn được sử dụng làm đồ ăn như dùng làm rau hay hạt hoa sau khi được hái và phơi khô có thể xay nhỏ thành bột để làm bánh.

Món bánh tam giác mạch có bán nhiều ở các chợ phiên Hà Giang, nhất là chợ phiên Đồng Văn hay chợ phiên Mèo Vạc. Bánh tam giác mạch có màu hồng tím, trước khi bán sẽ được nướng nóng hổi. Khi ăn cắt nhỏ thành miếng vừa miệng. Bánh tam giác mạch có thể mua về xuôi làm quà, ăn cũng rất lạ miệng.

2. Bánh cuốn Đồng Văn

Bánh cuốn Đồng Văn là một món quà tiêu biểu vùng cao nguyên đá, bên cạnh xôi ngũ sắc, thắng cố và rượu ngô. Cách làm bánh cuốn ở Đồng Văn thực ra cũng không khác nhiều dưới xuôi. Đều là bột gạo hấp được tráng mỏng, vẫn là những động tác quen thuộc như: láng bột đều trên mặt vải, đậy nắp chờ chín, hớt bánh ra mâm rồi cuộn nhân thịt, mộc nhĩ lại để xếp lên đĩa. Có chăng chỉ khác duy nhất một điều, cũng là điều làm lên đặc trưng của thức quà nơi cao nguyên đá này: nước chấm.

Người Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung không chấm bánh cuốn bằng thứ nước chấm được pha từ nước mắm, giấm, đường như dưới xuôi. Mỗi đĩa bánh cuốn được bê ra bao giờ cũng đi kèm một bát nước dùng bốc hơi nghi ngút được ninh từ xương lợn, với hành lá cùng rau mùi thái lát mỏng. Tùy thực khách gọi, có thể ăn thêm 1-2 khúc giò, xắt đôi miếng hoặc thả nguyên bánh vào bát canh để bánh thấm đẫm vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá trước khi đưa lên miệng.

3. Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu là món cháo đặc sản ở Hà Giang. Món cháo này ban đầu là món ăn giải cảm của người Mông nhưng về sau trở thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích. Để nấu một nồi cháo ấu tẩu rất công phu, ngoài việc chọn những nguyên liệu như chân giò, trứng gà, gạo tẻ, gạo nếp cái thì khâu mất nhiều thời gian nhất có lẽ là khâu làm củ ấu tẩu.

Đây là loại củ khá độc nên người nấu phải chế biến qua nhiều bước để giảm bớt và nấu thật lâu để khử độc tính trong củ. Nếu làm ẩu, nấu chưa đủ thời gian người ăn có thể bị trúng độc, thậm chí còn có thể tử vong do ăn cháo…

Điểm đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng, nếu lần đầu ăn bạn có thể phải nhăn mặt nhưng nếu đã ăn quen rất dễ gây nghiện. Bát cháo ấu tẩu thành phẩm có sắc nâu đậm, vị bùi béo, thơm, ngọt. Món ăn còn giúp an thần và giải cảm.

4. Thắng dền

Thắng dền là món bánh ăn chơi nổi tiếng ở Hà Giang. Thắng dền làm từ là gạo nếp Yên Minh, mỗi viên bánh to bằng đầu ngón tay cái, có nhân đỗ hoặc không nhân. Bánh sau khi luộc chín được chen với nước dùng làm từ đường hoa mai, dừa và gừng. Bát bánh sau khi chan nước dùng sẽ được thêm chút vừng và lạc rang thơm khiến cho món ăn thêm hấp dẫn.

Bưng bát thắng dền nóng hổi nghi ngút khói, dậy mùi thơm của nếp, của đường, của gừng, của vừng lạc, du khách hẳn sẽ cảm thấy ấm lòng giữa Hà Giang hun hút gió núi mùa đông. Sự đơn giản mà hấp dẫn của món ăn khiến người thưởng thức một lần mà nhớ mãi, kẻ ăn rồi thì lại muốn quay lại để thưởng thức thêm.

5. Thắng cố

Có người bảo lên vùng cao nguyên cực Bắc Tổ quốc mà chưa thưởng thức món thắng cố và uống chén rượu ngô thì coi như vẫn chưa thấy được nét văn hóa đặc trưng của đất và tình người cao nguyên đá. Nguyên liệu chính cho chảo thắng cố là toàn bộ phần nội tạng (lục phủ, ngũ tạng), xương của trâu, bò, ngựa hay dê đem cho tất cả vào chảo xào qua lửa rồi đổ nước vào ninh kỹ trong nhiều giờ, đến khi các thứ chín nhừ thì điều chỉnh nhỏ lửa hơn.

Trong chảo thắng cố không thể thiếu được các loại gia vị như thảo quả, củ sả, hạt dổi, địa liền, khi ăn thì cho thêm ớt, hạt tiêu. Vị béo ngậy cộng chút bùi bùi độc đáo khác lạ, bát thắng cố dậy mùi thơm từ các loại gia vị đã để lại nhiều ấn tượng với nhiều lữ khách khi đến với miền cực Bắc này.

6. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là món ăn rất đặc trưng của người Tày ở Hà Giang. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh được hoà hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt. Xôi này được làm từ một loại gạo nếp thơm và dẻo do chính người dân tộc trồng ra, từng hạt gạo trắng thơm lừng được lựa chọn và chúng có ẩn ý đặc trưng gì đó qua các màu sắc của xôi.

Để tạo lên màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc, người dân tộc Tày đã lựa chọn các loại cây quả đặc trưng của vùng núi để nhuộm màu cho chúng. Màu trắng thì chính là màu sắc của gạo nếp cái hoa vàng nấu lên thành vậy, màu đỏ là màu của gấc, lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi; màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước; màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau…

Món xôi ngũ sắc không chỉ đẹp mắt, ăn ngon, mang ý nghĩa thiêng liêng này đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ tết của người dân tộc ở Hà Giang. Đến du lịch Hà Giang, du khách chắc hẳn sẽ không bỏ qua món ăn này đâu nhỉ.

Theo Afamily

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com