Đặc sắc nghề hái mứt biển Nam Ô, Đà Nẵng

50

Đặc sắc nghề hái mứt biển Nam Ô, Đà Nẵng

Nằm nép dưới chân đèo Hải Vân, làng chài Nam Ô từ lâu đã nổi tiếng với nghề đi biển và làm nước mắm ngon nổi tiếng. Ngoài ra vào khoảng tháng 10, 11 âm lịch, mứt biển mọc trên các rạn đá, một mùa hái mứt đã bắt đầu.

Mứt biển tươi. Ảnh: Báo Người lao động.

Mứt biển Nam Ô tưởng chừng như chỉ là món ăn dân dã của dân xứ biển, nhưng ngày xưa, món ăn này được dùng để tiến vua bởi sự thơm ngon bổ dưỡng của nó. Mứt biển còn được người dân ưu ái gọi là “lộc trời” bởi lợi ích kinh tế cao.

Cạo mứt biển. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

Mứt biển thường mọc dưới các rạn san hô hoặc trên các rạn đá, mứt biển bám chặt vào các rạn đá tạo nên một lớp đen lóng lánh. Người hái mứt phải dậy từ 3-4 giờ sáng, mang theo miếng kim loại cán mỏng tròn, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay để cạo mứt biển.

Mứt biển mọc trên những rạn đá. Ảnh: Báo Người lao động.

Để hái được mứt, người dân phải vượt qua những bãi đá sắc nhọn, lởm chởm, gồ ghề. Người hái mứt biển Nam Ô thường mặc áo quần bó chặt, đầu đội mũ trùm kín nhằm chống lại giá rét. Và để di chuyển dễ dàng, họ đi những đôi dép có độ bám dính, mang găng tay bảo hộ hạn chế trầy xước.

Người dân phải chống chọi với giá rét để cạo mứt. Ảnh: Báo Pháp luật.

Đa số những người hái mứt biển ở làng chài Nam Ô là phụ nữ cao tuổi, tuy không còn trẻ khỏe nhưng hàng ngày họ vẫn cần mẫn dậy sớm. Vì tuy nghề này khá cực, nhưng đã thành thói quen, nhiều người đã bắt đầu hái mứt từ khi còn rất nhỏ và để hái được nhiều mứt, những người phụ nữ phải thật kiên trì, chịu khó.

Cần mẫn cạo mứt. Ảnh: Báo Lao động.

Mứt biển Nam Ô sau khi hái được rửa ngay tại biển và rửa thêm 2 lần nước ngọt, để ráo. Một ký mứt biển tươi có giá từ 200.000 đến 300.000 đồng. Nếu mứt biển được phơi khô sẽ có giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng một ký. Mười ký mứt biển tươi mới phơi được 1 kg mứt khô.

Hầu hết người làm nghề này là những người lớn tuổi. Ảnh: Báo Pháp luật.

Mứt biển phải hái ngay từ lúc vừa mọc, lá còn non, dai để giữ nguyên hương vị, khi chế biến món ăn sẽ đậm vị. Người dân Nam Ô có nhiều cách để chế biến mứt biển như hầm xương, nấu canh, xào lăn…

Canh mứt thanh mát. Ảnh: Báo Thanh niên.

Đặc biệt mùa mứt biển Nam Ô cũng là mùa của cá khoai. Cá khoai thân mềm, sống ở những vùng biển nông gần bờ xuất hiện vào những tháng cận Tết. Cá khoai màu trắng, con lớn nhất khoảng 2 ngón tay, thân tròn, thịt trắng. Cá khoai nấu canh chung với mứt rất ngon, nhiều dinh dưỡng và lành tính, ăn để giải nhiệt, giải cảm, nhuận trường và tiêu hóa tốt.

Mứt nấu được nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: Báo Người lao động.

Tuy chỉ là làng chài nhỏ nhưng Nam Ô chứa đựng nền văn hóa biển lâu đời. Ngoài mứt biển Nam Ô, gỏi cá và nước mắm cũng rất nổi tiếng. Tháng 9-2019, nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mứt biển phơi khô để được lâu. Ảnh: Báo Người lao động.

Theo iVIVU.com

Xem thêm bài viết:

Du lịch Đà Nẵng nhất định phải nghe hát bả trạo

Ẩm thực chợ Cồn Đà Nẵng làm say mê du khách

Nghe chuyện dệt chiếu truyền thống ở làng chiếu Cẩm Nê Đà Nẵng