Cứu chợ nổi bằng sự ‘độc nhất vô nhị’ vốn có

29
Làm gì để cứu chợ nổi Cái Răng nói riêng và một số chợ nổi ở miền Tây là câu hỏi đau đáu của những người làm du lịch, trước tình cảnh các chợ nổi cứ lần lượt biến mất.
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) từng là điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế - Ảnh: Nguyễn Minh Mẫn

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) từng là điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế – Ảnh: Nguyễn Minh Mẫn

Trước đây, chợ nổi Thái Lan chưa cạnh tranh trực diện với hệ thống chợ nổi VN, các khu chợ nổi VN tự hào là hình thái độc nhất vô nhị hoàn toàn tự nhiên gắn với cuộc sống đời thường.

Sự “độc nhất” đến từ chính các giá trị của nền văn hóa sông nước độc đáo. Hầu hết dịch vụ phục vụ du khách ở các nước trên thế giới đều xuất phát từ sự sắp xếp, bố trí, dàn dựng theo kế hoạch để làm dịch vụ khách du lịch.

Nhưng với chợ nổi, đó là câu chuyện của quá trình lịch sử khẩn hoang và tồn tại nhiều trăm năm, kéo dài đến hiện tại, gắn liền yếu tố đời sống sinh hoạt hằng ngày, chúng không phải dàn dựng. Đây mới là điều hiếm có mà du khách quan tâm.

Giống như du khách quốc tế thích đi mua quyển sách Lonely Planet chuyên đề VN, vì họ muốn đi thẳng vào các hẻm tận sâu để ăn và trải nghiệm những quán lâu đời.

Du khách muốn thích lang thang hè phố để chụp ảnh, thích học tiếng Việt để giao tiếp được với người bản địa ít nhất là để mua đồ ăn đường phố, thích uống ly bia Sài Gòn, bia tươi Hà Nội, trà xanh, thậm chí hút điếu cày, thấy người ta vui vẻ… Đó là sự riêng có của VN.

Vì thế, để quảng bá cho du lịch miền Tây và cứu sống chợ nổi, ngoài việc nghiên cứu các chủ trương chính sách, việc phổ biến hình ảnh đời thường, sự tương tác của du khách trên chợ nổi sẽ khích lệ và nuôi sống, giúp vực dậy chợ nổi sống lại.

Với cách tiếp cận này, trong xây dựng tour tuyến về chợ nổi, cần có sự tương tác với du khách hơn nữa.

Làm sao phải xây dựng được các tour du lịch trải nghiệm thực tế, cho phép du khách tham gia các hoạt động hằng ngày tại chợ nổi như mua sắm, ăn uống và giao lưu với người dân địa phương, từ đó tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và gắn kết chặt chẽ hơn với văn hóa địa phương.

Người làm du lịch, nhà quản lý cần đầu tư nhiều hơn các video và blog du lịch ghi lại những khoảnh khắc chân thực tại chợ nổi để khơi gợi sự tò mò và mong muốn trải nghiệm của du khách quốc tế. Và cần phải đảm bảo mỗi khu chợ nổi phải có sự độc đáo riêng, tránh trùng lắp khiến du khách chán ngán hay tâm lý chỉ đi một chợ là đủ.

Việc bảo tồn và phát triển chợ nổi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của VN, tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn đặc biệt trong lòng du khách toàn cầu.

Bằng cách quảng bá hình ảnh đời thường và tăng cường tương tác giữa du khách và người dân địa phương, chợ nổi có thể tiếp tục phát triển bền vững và trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách quốc tế.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát việc bán buôn nhỏ chèo kéo và có những hành động thiết thực trong việc quản lý rác thải sinh hoạt trên sông, đảm bảo phát triển bền vững.