Con số doanh thu du lịch thật hay ảo?

33
Sau mỗi đợt cao điểm du lịch, các con số thống kê du lịch của các địa phương lại được đem ra bàn cãi. Vậy con số thống kê này được tính như thế nào?
Con số doanh thu du lịch thật hay ảo? - Ảnh 1.

Du khách đến tham quan Đại Nội Huế hôm 2-9 – Ảnh: MINH AN

Dịp 30-4 vừa qua, Thanh Hóa gây bất ngờ khi vươn lên thành điểm đến doanh thu du lịch đứng đầu cả nước. Còn trong đợt 2-9 này, doanh số quá thấp của Huế hay Quảng Bình, các địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn, cũng được nhiều người băn khoăn.

Đông khách, thắng đậm, sao doanh thu du lịch thấp

Ngày 4-9, ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết đợt nghỉ lễ 2-9 vừa qua ngành du lịch tỉnh này đã “thắng đậm” khi đón hơn 130.000 lượt khách.

Theo đó, khách lưu trú ước đạt 65.000 lượt (tăng 77,7% so với cùng kỳ 2023), có khoảng 16.000 lượt khách quốc tế (tăng 49,7%). Công suất bình quân phòng các khách sạn đạt khoảng 64% (riêng các ngày 31-8, ngày 1 và 2-9 công suất phòng của nhiều cơ sở lưu trú đạt trên 80%).

Tại các điểm tham quan di tích thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, trong 4 ngày nghỉ lễ đã có 98.867 lượt khách vào tham quan (trong đó có 7.134 khách quốc tế).

  • Con số doanh thu du lịch thật hay ảo? - Ảnh 2.

Điểm di tích mới là Hải Vân Quan (trên đèo Hải Vân) vừa được tu bổ đưa vào phục vụ du khách cũng thu hút 14.636 khách ghé tham quan. Theo ông Phúc, ngành du lịch Huế thắng đậm dịp lễ năm nay là nhờ những sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác như điện Kiến Trung bên trong Đại nội Huế, lăng vua Dục Đức, Duy Tân, Thành Thái và đặc biệt là di tích Hải Vân Quan vừa hoàn thành tu bổ.

Ngoài ra do giá vé máy bay còn cao, xe cá nhân được chọn như một phương án thay thế của nhiều gia đình Việt trong chuyến đi chơi dịp lễ 2-9 cũng giúp Huế có thêm một lượng khách đáng kể.

Dù “thắng lớn” so với cùng kỳ nhưng ngành du lịch Huế chỉ đưa ra con số khá khiêm tốn về tổng thu là hơn 132 tỉ đồng.

Lý giải điều này, ông Phúc cho biết con số trên là tổng thu của tiền bán vé ra vào các điểm di tích và thu từ phòng nghỉ, khách sạn, điểm du lịch cùng một số dịch vụ phụ trợ. Còn những mức chi tiêu khác của khách như ăn uống, khách du lịch không lưu trú… thì chưa thống kê.

“Sở đang chờ hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có sự thống nhất về cách tính tổng doanh thu từ mức chi tiêu của khách du lịch trong một dịp cụ thể”, ông Phúc nói.

Con số thống kê chỉ là tương đối

Con số doanh thu du lịch thật hay ảo? - Ảnh 2.

Du khách tham quan lăng vua Tự Đức – Ảnh: NHẬT LINH

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, dịp lễ vừa qua có thuận lợi về điều kiện thời tiết nên lượng khách đến các điểm du lịch của tỉnh khá đông. Tổng số lượt khách du lịch dự ước đạt 175.000 lượt, tăng 9,4% so với dịp lễ này năm 2023. Trong đó, khách quốc tế khoảng 1.900 lượt. Tổng thu từ khách du lịch dự ước đạt hơn 200 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng đợt năm 2023.

Tuy nhiên, lãnh đạo sở này cũng xác nhận con số thống kê này chỉ mang tính tương đối. Cụ thể, đây là số lượt khách có sử dụng dịch vụ, có lưu trú trên địa bàn do các cơ sở lưu trú và cơ quan công an xuất nhập cảnh cung cấp.

Riêng con số tổng doanh thu, công thức tính hiện Quảng Bình đang áp dụng là mức 1,2 triệu đồng mỗi khách. Đây là con số ước chừng chi tiêu trên ngày của mỗi khách gồm tiền vé, tiền tham quan, tiền sử dụng dịch vụ. “Đây cũng là một con số tương đối”, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình nói.

  • Con số doanh thu du lịch thật hay ảo? - Ảnh 4.

Tại Quảng Trị, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết chỉ trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh, tỉnh này đã đón hơn 58.000 lượt khách đến các điểm du lịch lớn của tỉnh, tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch trong những ngày này là gần 40 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo sở này, con số lượt khách và số doanh thu cũng chỉ là cách tính tương đối. Trong đó, tổng số lượt khách được tính gộp cả tổng số lượt đến các điểm du lịch của cùng một khách. Và cách tính cũng chỉ là ước chừng dựa trên số lượng phương tiện, số chỗ ngồi của các đơn vị dịch vụ. Đặc biệt là các địa điểm không có bán vé như bãi tắm Cửa Việt, trằm Trà Lộc.

“Từ con số ước tính về số lượt khách này, chúng tôi cũng đưa ra con số ước tính về giá trị sử dụng các dịch vụ để tính ra con số tổng doanh thu. Ở Quảng Trị, lượng khách quốc tế và khách lưu trú thấp nên chúng tôi chỉ tính khoảng 700.000 đồng/khách nên tổng số doanh thu cũng là con số tương đối”, người này thừa nhận.

Dịp lễ 2-9 vừa qua, du lịch Huế đón 130.000 lượt khách đến tham quan (vượt 32,7% so với cùng kỳ 2023). Tuy nhiên, tổng thu du lịch chỉ vỏn vẹn… 132 tỉ đồng. Trong khi đó ở địa phương cạnh bên là TP Đà Nẵng, tổng doanh thu du lịch đợt này là 1.200 tỉ đồng, lớn hơn gần 10 lần so với Huế.