Nguồn gốc của cái tên “bốc mùi”
Gần 21h, quán cơm tấm “bãi rác” nép mình cạnh chợ Xóm Chiếu (quận 4, TPHCM) vẫn đông đúc. Khách liên tục ghé vào quán, có khi là gia đình, có khi là nhóm bạn trẻ.
Cái tên cơm tấm “bãi rác” của quán dường như không ảnh hưởng đến tâm trạng ăn uống của thực khách. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng chính tên gọi độc lạ này khiến quán cơm được biết đến nhiều hơn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Trường Thịnh – gia đình chủ quán – cho biết cơm tấm “bãi rác” không phải là tên gọi chính thức của quán. Hơn 40 năm tồn tại, quán lấy tên là Cơm tấm 73. Song, cái tên cơm tấm “bãi rác” do thực khách đặt cho quán, lại được biết đến rộng rãi hơn.
Anh Thịnh lý giải, trước đây, quán cơm gần điểm tập kết rác của chợ Xóm Chiếu. Khách tìm đến quán sẽ thấy một bãi rác rất to. Người này truyền tai người khác, dần dà quán cơm tấm của gia đình anh Thịnh được nhận diện bằng cái tên cơm tấm “bãi rác”.
“Về sau, bãi rác không còn nữa, không gian nơi đây cũng sạch sẽ, tươm tất hơn, khách ăn uống tại quán không còn phải lo lắng về mùi. Dù vậy, cái tên đặc biệt đã trở thành dấu ấn khó phai và gắn với quán từ năm này sang năm khác”, anh Thịnh cho hay.
Anh Thịnh cũng nói thêm, quán cơm là tâm huyết của bà ngoại anh – người phụ nữ ngoài 70 tuổi mà thực khách thường gọi là bà Bảy. Từ lớp 6, anh Thịnh đã ra quán cơm phụ bà và nghe về nguồn gốc cái tên đặc biệt của quán.
Anh Thịnh cho biết tên cơm tấm “bãi rác” đã phần nào giúp khách biết đến quán nhiều hơn nên gia đình anh không ngại khi nghe khách gọi bằng cái tên có phần “bốc mùi” này.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, không gian xung quanh quán cơm khá thoáng. Song, vì nằm cạnh chợ, nên quán không tránh khỏi mùi đặc trưng của một khu chợ hay mùi thoang thoảng xuất phát từ những hàng thịt, hàng cá phía trước.
Tên bình dân nhưng giá không hề rẻ
Được nhiều người biết đến vì tên gọi độc lạ, nhưng cơm tấm “bãi rác” lại không nổi tiếng chỉ vì nguyên nhân đó. Không ít thực khách cho biết họ nhiều lần quay lại nơi này ăn cơm vì bị chinh phục bởi hương vị của sườn, chả, nước mắm…
Thậm chí, dù giá món ăn ở quán cơm đắt hơn so với nhiều quán cơm tấm khác ở TPHCM, nhiều người vẫn gắn bó với quán mười mấy năm qua.
Anh Trường Thịnh cho biết quán bán đa dạng món, nhưng khách hàng thường ăn cơm sườn miếng, sườn cọng, mực nhồi thịt… với giá khoảng 80.000 đồng trở lên, tùy theo các phần lớn, nhỏ. Bên cạnh đồ ăn, quán còn bán sữa đậu nành giải khát.
Mỗi ngày, từ 4h sáng, bà Bảy (chủ quán) đã phải thức dậy để làm nước mắm cũng như chuẩn bị các nguyên liệu, món ăn, đến trưa mới hoàn thành. Từ 17h, quán bắt đầu mở cửa đến nửa đêm.
Thông thường, từ 18h đến 22h là lúc quán đông khách nhất. Thời điểm này, khách kéo vào nườm nượp khiến nhân viên “luôn tay luôn chân”. Người ghi món, người chuẩn bị thức ăn, người bưng bê, người tính tiền… không ai ngơi tay.
“Toàn bộ nhân viên đều là người thân trong gia đình, như vậy quán có thể đảm bảo được chất lượng món ăn”, anh Trường Thịnh cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Xuân Thiện (quận 4) cho biết anh đã ăn tại cơm tấm “bãi rác” mấy chục năm nay. Mỗi lần đến quán, anh lại gọi một món khác nhau và món nào cũng khiến anh hài lòng.
“Tên là cơm tấm “bãi rác” nhưng giá không hề bình dân. Thông thường, mỗi phần cơm tôi ăn khoảng 80.000 đồng. Điều khiến tôi ấn tượng là thịt được ướp bằng mật ong, mềm và rất thơm. Các món ăn kèm như bì, chả cũng rất vừa miệng”, anh Thiện nói.
Anh Thiện cho rằng cơm tại quán có giá cao hơn so với thị trường. Dù vậy mọi món ăn ở đây đều có hương vị thơm ngon, được chế biến chỉn chu, hợp vệ sinh nên mức giá trên với anh là “hợp lý”.