Cô gái Việt cận kề sinh tử khi chinh phục đỉnh núi tuyết 6.250m ở Ấn Độ

5
Từng chinh phục nhiều đỉnh núi, Thùy Dương quyết tâm chạm đỉnh cao 6.250m tại núi Mentok Kangri (Ấn Độ). Tuy nhiên, cô phải đối mặt với ranh giới sinh tử khi bị lạc ở độ cao 5.400m.

Mất nửa năm để chuẩn bị

Phạm Thùy Dương (35 tuổi), là một nhân viên văn phòng, ngày làm việc 8 tiếng tại Hà Nội. Thùy Dương không khác gì những bà mẹ khác, tất bật sau giờ làm với nhiệm vụ đón con, dạy con học và chăm lo cho bố mẹ. Tuy nhiên, suốt 7-8 năm qua, cô luôn duy trì niềm đam mê của riêng mình – chinh phục những ngọn núi – vào dịp cuối tuần.

Thùy Dương rạng rỡ giữa thiên nhiên hùng vĩ, check-in cùng cờ Tổ quốc (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thùy Dương cho biết, chinh phục đỉnh núi tuyết vẫn là giấc mơ của cô trong nhiều năm qua. Như được sắp đặt, tình cờ một người trong cộng đồng leo núi có kinh nghiệm đứng ra tổ chức chuyến chinh phục đỉnh núi Mentok Kangri (Ấn Độ), cao 6.250m.

Chuyến đi này yêu cầu người tham gia phải có thể lực tốt, có khả năng thích nghi với độ cao và từng leo từ 4.000m trở lên. Bởi, chuyến đi khá nguy hiểm, độ khó cao, lịch trình dài ngày. 

“Tất cả thành viên đều là những người yêu thiên nhiên, yêu thể thao và có năng lượng tích cực, thể lực tốt. Đoàn có 9 người, trong đó có 8 người Việt Nam, 1 người Ấn Độ”, Thùy Dương kể.

Thùy Dương chia sẻ thêm, trước chuyến đi 6 tháng, cô phải tập luyện thể lực đều đặn. Hằng ngày, Dương leo cầu thang, chạy địa hình, chạy bộ tăng cường, leo đỉnh núi nhỏ để đôi chân quen với áp lực quãng đường dài.

Về chế độ dinh dưỡng, cô vừa phải giảm cân để cơ thể linh hoạt, giảm sức ép lên đầu gối, vừa phải ăn uống đầy đủ để làm việc. Đồng thời, Dương cũng bổ sung nhiều loại thuốc bổ cho não, xương khớp để tăng cường sức đề kháng.

Cô cũng chuẩn bị rất nhiều quần áo, đồ đạc leo núi chuyên dụng để vừa đủ ấm, nhưng vẫn gọn, nhẹ trong balo để dễ dàng mang vác.

Thùy Dương háo hức lưu lại khoảnh khắc chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi (Ảnh: NVCC).

Khi tới Ấn Độ, đoàn bay nối chuyến tới Ladakh – nơi có độ cao trên 3.000m. Chuyến đi dài 10 ngày, trong đó, đoàn có 2 ngày để di chuyển, làm quen thích nghi dần với độ cao và bắt đầu hành trình leo từ 4.000m.

Tất cả có 9 người nhưng khi lên tới 5.400m, có 2 người vì lý do sức khỏe đã dừng lại không leo tiếp. Bảy người còn lại tiếp tục leo từ 5.400m lên 6.250m, chia làm 2 dây. 

“Tinh thần đồng đội rất quan trọng, vì nếu trong đoàn có 1 thành viên không đủ khả năng đi tiếp, cả dây đó phải dừng lại để đảm bảo an toàn”, Dương chia sẻ thêm về những quy tắc cần phải tuân thủ khi leo núi tuyết.

Thiên nhiên hùng vĩ, nhưng cũng có thể lấy đi tính mạng…

Dương cho biết, việc chinh phục được đỉnh núi cao phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, bởi càng lên cao thời tiết càng lạnh và khắc nghiệt. Nếu gặp thời tiết xấu, người leo núi phải quay lại “base camp” – khu vực dựng trại với độ cao an toàn, thuận lợi, dễ tiếp cận – để gửi tín hiệu cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. 

Đây cũng là nơi, mọi người quay trở lại sau khi leo núi cả ngày, để ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt cá nhân.

Từng chinh phục đỉnh LaDak (Ấn Độ) cao 5.600m, nhưng trong chuyến đi này, Dương đã bị sốc độ cao ở 5.400m.

“Lúc đó, tôi có biểu hiện sốc độ cao, cơ rất mỏi, balo nặng trĩu trên vai và cứ leo 2-3 bước là phải đứng nghỉ một lúc. Khi tôi hỏi hướng dẫn viên thì được biết một tiếng nữa mới tới nơi nên tôi đành nhờ họ cầm hộ balo và cố gắng leo tiếp. Tuy nhiên, mỗi người có thể lực, tốc độ khác nhau, họ đã đi xa tôi từ lúc nào không hay”, cô kể lại.

Khi Thùy Dương chênh vênh giữa độ cao 5.400m, một cơn mưa đá to bất ngờ ập đến, gió nổi lên. Cô và người bạn đồng hành lại không còn bất cứ vật dụng hỗ trợ gì, bởi cả hai đều gửi balo cho người khác. 

May mắn, có một hướng dẫn viên khác đi qua cho hai cô gái mượn chiếc áo mưa. Tưởng chừng cơn mưa sẽ qua nhanh và người trong đoàn sẽ sớm quay lại tìm Dương, nhưng mưa ngày càng nặng hạt và kéo dài liên tục trong 3 tiếng. 

Thân nhiệt ngày càng giảm, cái lạnh ngấm dần trong da thịt, khiến cho Thùy Dương cảm nhận được rõ ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Bốn người được buộc với nhau bằng một sợi dây để đảm bảo an toàn (Ảnh: NVCC).

“Ba tiếng dưới cơn mưa đá ở độ cao hơn 5.000m, tay tôi run cầm cập. Tôi đã nghĩ tới tình huống xấu nhất, lấy điện thoại ra để ghi lại những thông tin cá nhân cần thiết… Lúc đó tôi buồn ngủ quá, định thiếp đi mà đồng đội gào lên không được ngủ”, cô xúc động nhớ lại.

Theo bản năng, hai người phụ nữ dựa lưng vào nhau, đè chiếc áo mưa lên một mỏm đá để tạo tín hiệu khẩn cấp. Tới khi cả hai bắt đầu kiệt sức, người dẫn đường đã kịp thời gửi người chăn ngựa cùng một chú ngựa quay lại tìm.

Thùy Dương nghĩ rằng, nếu họ đến muộn hơn khoảng 30 phút đến 1 tiếng, cô có thể mất trong tư thế đứng yên với xung quanh là tuyết trắng xóa. Do cô và người dẫn đường hiểu lầm thông tin, họ tưởng cô mệt đã tự quay lại khu vực cắm trại.

Sau khi thoát khỏi nguy hiểm, Dương quyết định không tiếp tục leo lên cao mà ở lại khu vực cắm trại. Mặc dù không chinh phục được đỉnh núi như dự định và có chút tiếc nuối, nhưng cô vẫn cảm thấy vui vẻ tận hưởng thời gian còn lại.

Thùy Dương thoải mái tận hưởng thiên nhiên hùng vĩ ở độ cao 5.400m trên núi Mentok Kangri (Ấn Độ) (Ảnh: NVCC).

“Nếu tiếp tục, tôi không chắc chắn và đảm bảo được sự an toàn cũng như sức khỏe của bản thân khi quay trở về. Tôi không muốn đam mê của mình ảnh hưởng tới công việc và gia đình”, Dương bày tỏ.

Hơn hết, trong suốt thời gian ở lại khu cắm trại, cô được tìm hiểu về văn hóa du mục, cảnh vật thiên nhiên từ những người hướng dẫn viên. Khi đón những người đồng đội trở về, Dương cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến họ chinh phục được ước mơ.

Do nhiều yếu tố, cả đoàn có 3 người Việt Nam chinh phục được đỉnh Mentok Kangri cao 6.250m (Ảnh: NVCC).

Sau chuyến leo núi đáng nhớ, Dương rút ra được bài học cho chính bản thân rằng người có kinh nghiệm dày dặn cũng không tránh khỏi những tình huống phát sinh, do đó cần phải biết thích nghi và giữ thái độ bình tĩnh để xử lý.

“Nếu giây phút bị kẹt lại trên núi, tôi không bình tĩnh mà cứ hoảng sợ, hét lên kêu cứu, thì có lẽ giây phút nghe thấy tiếng người chăn ngựa, tôi đã không còn chút sức lực nào để ra gọi họ”, cô nhớ lại.

Thùy Dương cũng chia sẻ thêm, muốn theo đuổi bộ môn leo núi, mọi người cần phải rèn luyện một thể lực thật tốt, học hỏi kinh nghiệm và có chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học. Đặc biệt, trong những chuyến đi dài và nguy hiểm, cần mua bảo hiểm du lịch để tiết kiệm chi phí, cũng như đảm bảo mọi quyền lợi.

Mentok Kangri là một đỉnh núi cao 6.250m, thuộc dãy Himalaya, nằm ở miền Đông Ladakh, Ấn Độ. Nơi đây được biết đến là một trong những đỉnh núi đầy thách thức, chỉ dành cho người leo núi có kinh nghiệm, yêu cầu kỹ năng leo núi kỹ thuật và khả năng thích nghi với độ cao. 

Tại độ cao 6.250m, người leo núi có thể nhìn thấy toàn cảnh cao nguyên Changthang, các đỉnh núi xung quanh và khung cảnh của hồ Tsomoriri với màu nước xanh ngọc từ đỉnh núi. 

Hằng năm, chỉ có số ít người leo lên tới đỉnh Mentok Kangri thành công. Vì việc này đòi hỏi người tham gia phải thích nghi và chuẩn bị sức khỏe, kiến thức tốt để xử lý không khí loãng và điều kiện khắc nghiệt ở độ cao trên 6.000m.

Các tour tổ chức leo núi Mentok Kangri hiện có giá dao động 35-40 triệu đồng/người, bao gồm chi phí cho chuyến đi, vé máy bay khứ hồi, visa, bảo hiểm, ăn uống…