Sốc phản vệ do ăn sá sùng?
Đầu tháng 6, gia đình 4 thành viên của Cẩm Tú (26 tuổi, ở Hà Nội) có chuyến du lịch đến đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi tham quan đồi Vô Cực, nhóm du khách ăn trưa tại khách sạn. Ngoài những loại hải sản thông thường, Tú gọi thêm một bát canh sá sùng có ghi trong thực đơn để trải nghiệm.
Sá sùng hay còn gọi là con trùn biển, sâu đất, địa sâm… sống nhiều ở những bờ biển thuộc tỉnh Quảng Ninh như Vân Đồn, Quan Lạn.
Đây được xem là món ăn đặc sản có giá “đắt đỏ như vàng”. Thời xưa, món ăn này là một sản vật tiến vua, chỉ có vua chúa mới được ăn.
Ăn xong, gia đình Tú nghỉ trưa khoảng 2 tiếng. Tỉnh dậy, nữ du khách xuất hiện dấu hiệu ho và hắt hơi liên tục.
“Vì có tiền sử hen suyễn và xoang, nên lúc đó tôi nghĩ điều chỉnh hơi thở một lát sẽ ổn. Chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình di chuyển từ Quan Lạn đến Minh Châu”, cô kể.
Khi đến đôi bờ cát trắng, Tú bắt đầu khó thở, sưng , dần tím tái, được đưa đến trạm y tế Quan Lạn cấp cứu. Gia đình tạm dừng lịch trình để chăm sóc cô.
Sau khi hỏi han tiền sử dị ứng của Tú, nhân viên y tế cho biết nhiều khả năng cô bị sốc phản vệ do ăn sá sùng. Trạm y tế này từng cấp cứu nhiều du khách có triệu chứng tương tự sau khi trải nghiệm món ăn này.
Nhân viên y tế cho Tú thở oxy khi cô bị khó thở, nhịp tim nhanh. Nữ du khách cố hít vào thở ra nhưng bất lực, mặt vẫn tím tái.
Sau 10 phút tiêm thuốc sốc phản vệ, Tú giảm cảm giác khó thở. Cô nghỉ ngơi khoảng 3-4 tiếng ở trạm y tế, tình hình đỡ dần, riêng mặt vẫn sưng, đặc biệt ở vùng mắt.
“Cả gia đình đều ăn sá sùng nhưng mình tôi bị như vậy. May mắn tôi được nhân viên y tế cấp cứu kịp thời”, cô gái kể.
Sức khỏe ổn định, Tú thay đổi lịch trình, quyết định ở thêm một ngày để khám phá Quan Lạn như eo gió, hàng phi lao, các bãi biển, bắt ốc dọc bờ biển đảo Ngọc Vừng.
Ngoài sự cố không mong muốn, với Tú, chuyến đi lần này rất thú vị. Quan Lạn là hòn đảo mới được khai thác du lịch nên mang nhiều vẻ hoang sơ, giúp cô được hòa mình vào thiên nhiên.
Điều gây ấn tượng nhất với nữ du khách là sự thân thiện và nhiệt tình của người dân trên đảo.
Khi Tú bị sốc phản vệ, người dân tưởng cô bị xoang nên chạy đi mượn thuốc mang đến. Ngày gần cuối tại đảo, trong khi cô chưa nhận ra bị rơi điện thoại, thì người dân đã gọi vào số của mẹ cô để trả lại tài sản.
“Một vùng đất mà con người và cảnh vật đều dễ thương. Nếu có dịp, tôi vẫn muốn quay lại Quan Lạn”, Tú chia sẻ.
Kết thúc chuyến du lịch, Tú đăng tải đoạn video kể về trải nghiệm ăn sá sùng lên mạng xã hội, thu hút hơn 2,8 triệu lượt xem. Dưới phần bình luận, nhiều người chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười khi ăn loại đặc sản “đắt đỏ như vàng”.
“Tôi đăng video không phải để bảo mọi người không đến Quan Lạn hay không nên ăn sá sùng. Món ăn ngon và bổ nhưng không phải ai cũng ăn được. Nếu có tiền sử dị ứng như tôi, du khách nên cẩn trọng ăn uống, mang theo thuốc để tránh biến chứng nặng làm gián đoạn chuyến đi”, Tú nói.
Sá sùng – loại đặc sản “đắt như vàng”
Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10cm, thân mềm oặt, màu hồng nhạt. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, miệng bé như lỗ van bơm hơi.
Sá sùng có thể được chế biến thành nhiều món như xào, nướng, nấu cháo, tẩm bột chiên giòn… Đặc biệt, đây còn là một nguyên liệu không thể thiếu để ninh nước dùng phở, tạo nên độ ngọt tự nhiên cho món ăn nổi tiếng này.
Các nhà hàng thường dùng sá sùng để mời khách lai rai cùng bia, giống như mực khô nướng xé nhỏ. Sá sùng vừa giòn, mềm, lại dai dai, có vị béo và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon. Ngoài ra, cách đơn giản nhất là chế biến sá sùng rang.
Giá của sá sùng tươi sau khi rửa sạch đất cát và lộn bỏ ruột có giá từ 500.000 – 800.000 đồng/kg. Sá sùng khô thì có giá cao hơn nhiều.
Tại Quảng Ninh – nơi được xem là có sá sùng ngon nhất cả nước được chào bán với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg.
Năm 2019, một người đàn ông tên D. nhập viện trong tình trạng khó thở, ngạt mũi, chảy nước mũi, ngứa, kèm theo ngứa, nổi mẩn đỏ toàn thân sau 30 phút ăn sá sùng.
Các bác sĩ xác định anh D. bị phản vệ nặng do dị ứng thức ăn. Sau 3 giờ điều trị tích cực, anh dần tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn như huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định.
Quan Lạn là một hòn đảo nhỏ thuộc vùng vịnh Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) với diện tích khoảng 11km2.
Khác với những hòn đảo khác, Quan Lạn được nhận xét là “chốn bình yên”, có nhiều bãi biển dài, cát trắng, nước xanh trong. 3 bãi biển lớn tại đây gồm: Quan Lạn, Sơn Hào và Minh Châu.
Ngoài các bãi biển đẹp, Quan Lạn còn có các điểm tham quan nổi tiếng khác như: đình Quan Lạn, vườn quốc gia Ba Mùn, đảo Ngọc Vừng…