Andrew Fraser là một blogger du lịch người Australia với sở thích trải nghiệm nhiều vùng đất lạ với các món đặc sản nổi tiếng không phải khách nước ngoài nào cũng dám thử.
Tại Việt Nam, Andrew đã ghé thăm nhiều tỉnh thành từ Yên Bái, Hà Giang cho tới Hà Nội, Vũng Tàu.
Ở mỗi địa phương, anh không ngại thử thách bản thân với những món lạ như nếm thử rượu rắn ở làng Lệ Mật hay món sâu tre tại Mù Cang Chải (Yên Bái). Mỗi hành trình của nam du khách Australia lại đem tới cho người xem nhiều trải nghiệm đặc biệt.
Trong hành trình khám phá mới đây, vị khách người Australia có chuyến đi tới xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) để tới một trang trại nuôi dúi.
Con dúi hay còn có tên gọi khác là chuột nứa, chuột tre. Chúng sở hữu thân hình tròn trịa, là món đặc sản được săn đón. Đến nay nhiều tỉnh thành ở Việt Nam có trang trại nuôi dúi và không ít người nhờ đó mà ăn nên làm ra.
Tại huyện Văn Chấn, một số hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi con đặc sản để làm giàu như nuôi lợn Mông, hươu sao, nhím cho tới con dúi. Và trang trại của anh Hải cũng là một trong số đó.
Chủ trang trại cho biết, dúi nuôi từ 6 đến 8 tháng sẽ đạt trọng lượng 1-1,5kg và có thể bán lấy thịt. Nếu dúi nuôi hơn một năm nặng khoảng 5kg, giá thịt có thể lên tới 75 USD/kg (khoảng 1,9 triệu đồng). Andrew rất bất ngờ với thông tin này bởi mức giá có thể so sánh đắt ngang với thịt bò Wagyu, một loại bò đặc sản của Nhật Bản.
Khi cầm thử một con chuột tre trên tay với trọng lượng khoảng 5kg, vị khách người Australia thấy bất ngờ vì nó lớn tương đương với một con chó nhỏ.
Anh Hải cho biết bắt đầu công việc khoảng 4 năm trước. Từ 2 con giống mua hồi đầu và tự sinh sản, đến nay trang trại có khoảng 400 con dúi. Mỗi năm, con cái đẻ 2-4 lứa và mỗi lứa có từ 2 đến 6 con.
“Trước khi nuôi dúi, tôi phải khai báo kiểm lâm và làm khai báo đầy đủ giấy tờ giấy phép chăn nuôi”, chủ trang trại nói.
Để tiện chăm sóc và theo dõi quá trình sinh trưởng của loài này, trang trại được thiết kế chia thành từng ngăn. Dúi là động vật “khó tính”. Yếu tố quan trọng nhất để chúng sinh trưởng tốt là chuồng trại đảm bảo vệ sinh và nhiệt độ.
“Chuồng nuôi dúi không quá tốn kém nhưng cần thông thoáng. Mỗi chuồng xây bằng gạch men. Quan trọng nhất cần để ý nhiệt độ chuồng cần ở mức 27 đến 30 độ C. Mùa hè phải lắp quạt gió còn mùa đông có hệ thống đèn sưởi”, ông Lê Trọng Lệ, chủ một trang trại nuôi dúi ở tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Do dúi có đặc điểm như loài chuột nên chúng có tập tính ngủ ngày ăn đêm. Loài gặm nhấm này thường ăn thân mía, hạt bắp và tre. Mỗi ngày, chúng chỉ ăn một lần vào thời điểm chiều tối và không cần cho ăn quá nhiều khiến dễ bị tích mỡ.
Sau chuyến đi tìm hiểu về quy trình và mô hình nuôi dúi, Andrew trở về Hà Nội và tìm tới một quán chuyên bán đồ đặc sản có món thịt dúi để nếm thử. Vì từng nhiều lần ăn thịt chuột đồng nên vị khách ngoại quốc không thấy bỡ ngỡ khi trải nghiệm xem món thịt dúi có gì khác biệt.
Quán ăn nơi vị khách lựa chọn nằm trên phố Lê Văn Hưu, chuyên phục vụ đặc sản vùng Tây Bắc. Anh còn vào trong bếp xem cách chế biến những con chuột khổng lồ này thế nào.
Ban đầu, dúi được chần nước sôi làm sạch lông rồi thui vàng lớp da. Sau đó, đầu bếp sẽ mổ lấy sạch nội tạng, lọc xương, khử mùi bằng hành củ, sả, gừng đập dập. Món dúi hầm nhừ được thái thành miếng mỏng, ăn kèm với xôi nóng và rau thơm. Phần xương tiếp tục ninh với khoai sọ thành món canh.
“Với giá tiền tương đương với thịt bò Wagyu hay tôm hùm, tôi lại chọn ăn thịt chuột tre. Thật khó tin món này lại ngon như thế”, anh nói.