Chuối ngự Đại Hoàng – Đặc sản “tiến vua” của Hà Nam
Trong sách sử địa phương, một lần vua nhà Trần cùng đoàn tùy tùng xuôi từ kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường nghỉ chân tại phủ Lý Nhân đã ăn thử loại chuối địa phương. Thấy chuối ngon, vua ban thưởng. Từ đó, chuối làng Đại Hoàng được có tên chuối Ngự, hay chuối tiến vua.
Theo truyền thống của người địa phương, trong dịp lễ Tết, đám cúng… có nải chuối ngự Đại Hoàng thơm ngon dâng lên bàn thờ gia tiên mới trọn vẹn đủ đầy. Nhiều năm nay, chuối ngự đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, được yêu thích và có giá trị cao trên thị trường.
Chuối ngự Đại Hoàng có ba loại là chuối ngự trắng, chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự trắng quả to, khi chín vỏ có màu vàng tươi, sáng bóng, quả tròn lẳn, vàng thơm. Chuối ngự trâu quả to, vỏ khi chín có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng nhạt. Chuối ngự mít quả nhỏ, khi chín vỏ mỏng vàng đậm, thịt quả vàng hơi hồng và thơm ngát.
Chuối ngự có chứa nhiều kali, axit amin, 11 loại khoáng chất và 6 vitamin. Chuối có thể để hàng tuần vẫn ngọt và thơm ngon, trưng bày trên bàn thờ gia tiên thì đẹp mắt và trang trọng. Bởi thế cứ vào cuối năm, chuối lại được săn lùng mua bán tấp nập.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối cũng lắm công phu. Chuối ngự thích hợp với đất phù sa ven sông suối, thoát nước và giữ ẩm tốt, có nhiều đạm và kali. Dải đất ven sông Châu Giang ngoài thổ nhưỡng thích hợp thì khí hậu gió mùa cũng là điều kiện thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.
Chuối ngự Đại Hoàng thích hợp sinh trưởng ở nhiệt độ từ 26-28 độ C. Cây rất cần nước, nhất là lúc phân hoá mầm, ra hoa, kết quả vì vậy người trồng chuối phải giữ ẩm, chống hạn cho chuối trong mùa khô và chống úng trong mùa mưa lũ.
Cây chuối ngự có đặc điểm thân cao, yếu, giòn, dễ gãy đổ nên khi trổ buồng cần phải làm cột chống đỡ. Mỗi một bụi chuối không để mọc quá 3 mầm, tức là có 1 cây mẹ và 2 cây con chuẩn bị cho thế hệ sau.
Để chuối chín đạt tiêu chuẩn, không chỉ chú ý kỹ thuật trồng, phương pháp chăm sóc mà công đoạn dấm chuối cũng rất quan trọng. Những hộ dân trồng nhiều chuối thường phải có lò dấm bằng vách đất, dùng trấu và tro “sưởi ấm” cho chuối chín. Mùa hè chỉ mất 7 tiếng sưởi liên tục là chuối chín, mùa đông phải mất gần 1 ngày thì chuối mới chín.
Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng hiện nay đã có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuối được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có cả các tỉnh phía Nam. Người dân làng Đại Hoàng đã khấm khá hơn nhờ nghề trồng chuối, nhiều người đã có thể làm giàu trên quê hương.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Bánh tẻ làng Chờ Bắc Ninh – Thơm thảo hương vị ngày xuân
Độc đáo những bảo vật Quốc gia trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Hưng Yên
Tìm hiểu nét đặc sắc trong mâm cỗ ngày Tết ba miền Bắc – Trung – Nam