Chùa Cầu trông như mới sau tu sửa, Trung tâm bảo tồn di sản Hội An nói gì?

56
Theo ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tu bổ Chùa Cầu được thực hiện như một cuộc "giải phẫu, chữa bệnh", mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ.

Hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu làm dấy lên những tranh cãi trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng, tu bổ, sửa chữa là cần thiết song phải đảm bảo được tính cổ kính, nét đặc trưng của công trình. Màu sắc sơn trắng, mái vòm… sau tu bổ của Chùa Cầu được đánh giá là “như mới”, “không còn nhận ra Chùa Cầu”… 

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An – cho biết di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại.

Mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của tự nhiên và thời gian, di tích Chùa Cầu không tránh khỏi những hư hại.

Theo tư liệu, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ XX, Chùa Cầu được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986 và 1996.

Chùa Cầu sau khi trùng tu (Ảnh: Trần Ánh).

Do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trước đây chưa giải quyết căn nguyên dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.

Tháng 7/1999, hội nghị tư vấn trùng tu Chùa Cầu được tổ chức với sự quan tâm của nhiều chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn di sản kiến trúc trong nước.

Trong hơn một thập niên tiếp theo, những nội dung liên quan đến việc tu bổ, cứu nguy Chùa Cầu liên tục được thảo luận, bàn bạc.

Ông Ngọc cho biết, từ quan ngại sẽ làm Chùa Cầu “mới đi, trẻ ra” và chưa tìm được giải pháp phù hợp nhất cho việc trùng tu một công trình mang tính biểu tượng, có giá trị đặc sắc như Chùa Cầu nên trong suốt thời gian dài, việc tu bổ chỉ dừng lại ở mức gia cố, chống đỡ để tránh nguy cơ sụp đổ di tích.

Hệ mái Chùa Cầu được phục hồi (Ảnh: Trần Ánh).

Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, tháng 8/2016, hội thảo quốc tế về trùng tu di tích này được tổ chức quy mô với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản.

Kết quả hội thảo dù chưa đưa ra giải pháp cho từng vấn đề cụ thể nhưng đã đi đến thống nhất quan điểm Chùa Cầu cần thiết, cấp thiết phải được xây dựng dự án trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.

Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tháng 12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ.

Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu, chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công.

Chùa Cầu sau tu bổ vẫn giữ nguyên mặt sàn cong (Ảnh: Ngô Linh).

“Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể”, ông Phạm Phú Ngọc nói.

Quá trình trùng tu, có gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Ông Phạm Phú Ngọc nói, một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của những ai yêu mến di sản kiến trúc nói chung, di tích Chùa Cầu nói riêng; cũng là nỗi đắn đo, trăn trở của những người trực tiếp thực hiện dự án, đó là làm thế nào, sau lần đại trùng tu này, Chùa Cầu vẫn giữ được nét cổ kính, vẻ đẹp nhuốm màu thời gian.

Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thừa nhận, việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.

Ông Phạm Phú Ngọc hy vọng Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, Tết…

Cuối năm 2022, dự án đại trùng tu Chùa Cầu với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng được tỉnh Quảng Nam triển khai. Đây được xem là lần trùng tu theo phương pháp hạ giải quy mô, bài bản nhất.

Thành phố Hội An đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để đưa di tích Chùa Cầu phục vụ du lịch.